Liên quan đến việc chuyển đổi từ huyện thành quận/TP, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo các huyện đều bày tỏ quyết tâm hoàn thành các tiêu chí của quận/TP trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chí đó, các huyện còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Đặc biệt, cần phải có cơ chế, chính sách để các huyện tự tạo nguồn lực phát triển thay vì trông chờ vào ngân sách.
Đường Nữ Dân Công là “nỗi ám ảnh” của người dân huyện Bình Chánh
trong hàng chục năm đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019 với ngân sách hơn 10 tỉ đồng. Trong ảnh: Đường Nữ Dân Công trước (ảnh nhỏ)
và sau khi hoàn thành. Ảnh: NGUYÊN PHÚ - THU TRINH
Cần nguồn lực tài chính cực “khủng”
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, hiện nay năm huyện ngoại thành đều đạt 23-30 tiêu chí của quận. Đa phần mỗi huyện đều còn lại khoảng 5-6 tiêu chí chưa hoàn thiện. Số lượng tiêu chí còn lại tuy ít nhưng thực chất chính là những bài toán cực khó, không dễ gì đạt được trong vài năm tới đây.
Huyện Nhà Bè hiện nay còn sáu tiêu chí chưa đạt theo quy định, trong đó có các tiêu chí về hạ tầng. Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết trong giai đoạn 2020-2025, huyện Nhà Bè xác định kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn trong giai đoạn này với danh mục 374 dự án, tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng đầu tư hạ tầng, giao thông đường bộ, thủy lợi và chỉnh trang đô thị chiếm gần 15.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách TP đầu tư mỗi năm khoảng 1.000 tỉ đồng.
Những dự án cấp bách mà huyện Nhà Bè mong muốn triển khai sớm là dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường 15B nối từ cầu Phú Xuân 2B đến cầu Cần Giờ, đường Phạm Hùng nối dài (đoạn từ đường Phạm Hùng đến cầu bắc qua kênh Cây Khô tại xã Phước Lộc), đường Vĩnh Phước - Cây Khô, đường kho B, kho C… “Các tuyến này không chỉ là để giúp kết nối giao thông đối nội và đối ngoại của huyện mà còn là trục động lực để phát triển chuỗi đô thị phía bắc Nhà Bè dọc theo các xã Phước Lộc, Phước Kiển, Phú Xuân và thị trấn. Đồng thời huyện cũng dễ kêu gọi đầu tư với các dự án phát triển đô thị dọc theo các tuyến này” - ông Nguyễn nói. Chỉ riêng các dự án này, kinh phí dự toán đã hơn 3.000 tỉ đồng và phải trông chờ hoàn toàn vào nguồn ngân sách TP.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi cũng nhìn nhận danh mục dự án đầu tư công của các huyện này cần nguồn ngân sách “khủng” của TP. Để đạt các tiêu chí của quận nếu không có cơ chế như đề xuất của huyện Hóc Môn thì việc đạt các tiêu chí của quận là không dễ thực hiện nếu chỉ chờ vào ngân sách TP. |
Huyện Hóc Môn hiện đang làm đề án để đạt các tiêu chí của quận giai đoạn 2021-2030. Để đạt các tiêu chí của quận trong vòng 10 năm tới, cần tới hàng chục ngàn tỉ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn cho biết trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn đầu tư công trung hạn của huyện tính một cách khiêm tốn nhất là hơn 20.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách hằng năm Hóc Môn được bố trí tối đa khoảng 600-1.000 tỉ đồng.
“Để đạt được các tiêu chí của quận thì huyện Hóc Môn cần nguồn lực tài chính cực lớn. Nếu chỉ trông vào ngân sách của TP thì không thể làm nổi, mà TP cũng không thể có tiền để đầu tư hết theo danh mục các dự án đầu tư của địa phương” - lãnh đạo huyện Hóc Môn nói.
Riêng huyện Bình Chánh, nguồn ngân sách đầu tư công cho huyện trong năm năm tới lên đến hơn 50.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này theo ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện, là mới chỉ dành để nâng cấp, cải tạo, duy tu cơ sở hạ tầng để phục vụ người dân, chưa tính các dự án đầu tư xây mới. Trong khi bình quân hằng năm, ngân sách tập trung cho huyện Bình Chánh cũng chỉ đạt ở mức khoảng 2.000 tỉ đồng. Trong một báo cáo mới đây của huyện Bình Chánh, chỉ riêng giải ngân vốn đầu tư công của năm 2020 đến ngày 31-1 đạt hơn 2.100 tỉ đồng. Hiện có 118 dự án đang tập trung thực hiện thì có 88 dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách.
Còn tại huyện Cần Giờ, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết trong giai đoạn 2021-2025, huyện này cũng cần tới hơn 16.000 tỉ đồng để đầu tư công. Đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết chỉ tính riêng các dự án đầu tư công nhóm C thuộc thẩm quyền của huyện, trong năm năm tới cần hơn 6.000 tỉ đồng. Huyện đang xin chủ trương chuyển đổi 17.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để làm cơ sở lập danh mục các dự án đầu tư và nguồn ngân sách tương ứng.
Xin thí điểm cơ chế đấu giá tạo quỹ đất sạch
Theo UBND huyện Hóc Môn, không chỉ đối với 23 khu đất nêu trên mà ngay cả một đồ án quy hoạch cũng vậy. Nếu đầu tư hết các dự án theo một đồ án quy hoạch thì cần một nguồn lực rất lớn. Trong khi thực tế hiện nay, tỉ lệ nguồn lực dành cho một đồ án quy hoạch rất thấp, chỉ dưới khoảng 5% tổng diện tích. “Huyện không thể nào đủ nguồn lực để thực hiện, chủ yếu dựa vào ngân sách mà ngân sách TP thì không thể đáp ứng nổi. Vì vậy, cần phải có cơ chế để chính địa phương có thể khai thác quỹ đất hiệu quả” - lãnh đạo huyện Hóc Môn phân tích.
Cơ chế đó theo huyện Hóc Môn chính là cho phép thí điểm thành lập công ty nhà nước để thực hiện bồi thường, thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch, đấu giá để tạo ra nguồn lực đầu tư và cho phép địa phương dùng ngân sách này để tái đầu tư. Phân tích thêm về vấn đề này, lãnh đạo huyện Hóc Môn cho rằng nhà đầu tư thường sẽ mua đất sạch rồi khai thác quỹ đất đó để tạo ra lợi nhuận mà không phải bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi Nhà nước vừa nắm được quy hoạch, chỉ cần bỏ vốn “mồi” để giải phóng mặt bằng, sau đó đưa ra đấu giá để tạo nguồn lực đầu tư mà không phải xin ngân sách TP.
Doanh nghiệp ngán bồi thường và thủ tục đấu thầu Tháng 9-2020, huyện Hóc Môn đã tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư 23 khu đất có tổng diện tích hơn 2.600 ha, tập trung tại thị trấn Hóc Môn và bảy xã Tân Xuân, Tân Sơn, Tân Thới Nhì, Đông Thạnh, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng và Nhị Bình. Đến thời điểm này có 21 nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các khu đất nêu trên. Lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn đánh giá nhìn vào danh sách các nhà đầu tư nộp hồ sơ thì chứng tỏ các khu đất huyện đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư rất có sức hút. Tuy nhiên, hai vấn đề mà nhà đầu tư ngán ngại nhất chính là bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục đấu thầu. Bởi nhà đầu tư sau khi trúng thầu sẽ phải đặt cọc và tiến hành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nay rất khó xác định là khi nào sẽ bồi thường xong, trong khi nhà đầu tư đã phải “chôn” một khoản tiền rất lớn. Trình tự thủ tục đấu thầu một dự án thông thường cũng phải mất khoảng ba năm mới hoàn tất được thủ tục đấu thầu. Thời gian đó, nguồn lực đất đai của người dân cũng bị “chôn” theo không thể làm gì được. |
Hiện nay, huyện Hóc Môn có 4.600 ha đất nông nghiệp. Trong đó, khoảng 2.600 ha quy hoạch các mục đích đất công nghiệp, đô thị, dịch vụ, thương mại… Huyện Hóc Môn cho rằng theo cơ chế trên thì Nhà nước sẽ lập dự án bồi thường khai thác quỹ đất theo quy hoạch. Nếu TP cho khoảng 1.000 tỉ đồng vốn “mồi”, có thể bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 50 ha. Sau đó đem đấu giá 50 ha đất sạch này, thu về ít nhất khoảng 5.000-6.000 tỉ đồng.
Số tiền này sẽ được dùng để khai thác quỹ đất sạch khác và lấy tiền thực hiện đầu tư công. “Có đất sạch thì thu hút nhà đầu tư nhiều hơn, đồng thời cũng thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án, khai thác quỹ đất hiệu quả hơn. Người bị thu hồi đất được tái định cư tại chỗ. Như vậy cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều được lợi. Nếu làm được một khu thì sẽ là động lực phát triển cho các khu vực xung quanh” - lãnh đạo huyện Hóc Môn nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn, Luật Đầu tư công hiện nay không cho phép dùng ngân sách để lập dự án bồi thường riêng lẻ mà phải gắn dự án với dự án bao gồm cấu phần bồi thường và xây lắp. “Phải tháo gỡ điểm nghẽn này thì địa phương mới có thể phát triển được mà không phụ thuộc vào ngân sách TP” - lãnh đạo huyện Hóc Môn nói.•
Bài 3: Muốn lên quận phải gỡ điểm nghẽn về quy hoạch