PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định, phòng dịch phải đi trước một bước. Theo ông, Bộ Y tế đã vào cuộc kịp thời khi lên kế hoạch lập bệnh viện dã chiến, nâng công suất xét nghiệm, chi viện nhân lực chống dịch về Kiên Giang.
Siết kiểm soát vùng biên, chốt chặn
Khoảng một tháng nay, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng. Hiện nước ta thực hiện chính sách bảo hộ công dân, do đó, hằng ngày vẫn có một lượng người Việt từ nước ngoài trở về, nhập cảnh hoặc những người qua biên giới theo đường bộ, lối mòn.
“Bộ Y tế đã phản ứng nhanh khi chỉ đạo Hà Tiên lập bệnh viện dã chiến chuẩn bị khu cấp cứu mức độ cao trong tình huống dịch lan rộng và có bệnh nhân nặng. Viện Pasteur TPHCM hỗ trợ về xét nghiệm và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ về điều trị cho Hà Tiên. Điều này khẳng định chúng ta quyết tâm thực hiện phòng chống dịch theo đúng phương châm 4 tại chỗ”, ông Phu nói.
Tối 20/4, Bộ Y tế cho biết, trong ngày có 10 ca mắc COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hưng Yên, Hòa Bình, Nghệ An, Ðà Nẵng, Hà Nội. Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cùng ngày có 15 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Theo ông Phu, ngành y tế đã chủ động phòng chống, nguy cơ dịch xâm nhập sẽ giảm, nhưng các địa phương tuyệt đối không được lơ là bởi nguy cơ vẫn còn. Thống kê cho thấy, từ ngày 20/2 đến nay, khoảng 1.300 người nhập cảnh qua cửa khẩu Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang); cơ quan chức năng phát hiện 31 vụ nhập cảnh trái phép. Trong 14.000 mẫu xét nghiệm kể từ đầu dịch có 38 mẫu dương tính, trong số này, 18 bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Hà Tiên. Số cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh là 303 người.
Ông Phu nhận định: “Dịch bên ngoài có lớn, nhưng bên trong nhanh nhạy, đáp ứng phòng dịch tốt thì hoàn toàn có thể giữ vững được phòng tuyến. Bộ đội, công an, kiểm dịch làm tốt sẽ không có ca nhập cảnh bất hợp pháp, người nhập cảnh chính ngạch được cách ly nghiêm ngặt. Giả sử mầm bệnh bị lọt vào vòng trong thì cũng là ổ nhỏ, dập tắt được ngay, không lây lan”.
Các tỉnh biên giới phía Tây Nam là khu vực nóng, đặc biệt ở cửa khẩu Hà Tiên. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu nâng mức kiểm soát biên giới chống dịch; kêu gọi người dân nhập cảnh đường chính ngạch; khi phát hiện người nhập cảnh trái phép, cần báo chính quyền địa phương ngay. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch COVID-19 tại các vùng biên giới, đặc biệt ở các chốt chặn.
Nếu chủ quan, dịch sẽ bùng phát
Ông Phu nói: “Thực tế cho thấy nhiều nước dịch bùng phát là do nới lỏng kiểm soát. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục làm tốt việc quản lý người nhập cảnh”. Theo đó, cần tăng cường kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, rà soát đường mòn lối mở, đặc biệt là đường biển để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.
Đợt nghỉ lễ 4 ngày dịp 30/4 và 1/5 sắp tới được dự báo là thời kỳ cao điểm của du lịch trong nước. Đi cùng với đó là lo ngại về sự bùng dịch trở lại theo hướng khó kiểm soát. Ông Phu nói rằng, nếu người dân chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, dịch có thể diễn biến khó lường. Sự chủ quan đó có thể đến từ suy nghĩ sai lầm của người dân rằng “đã hết dịch” nên đến những địa điểm công cộng đông người, ngồi trên xe khách, máy bay, tàu hoả… mà không đeo khẩu trang, liên tục tiếp xúc gần.
Thái Hà
TIỀN PHONG
Xem thêm: nhc.75603737012401202-uuh-neih-noul-91-divoc-meihn-yal-oc-yugn/nv.zibefac