Danny Dao trong một cuộc trình diễn graffiti hồi tháng 12-2020 - Ảnh: INTERLINK
Danny Dao là nghệ sĩ gạo cội của giới graffiti Việt Nam, là một trong hai nghệ sĩ khách mời của chương trình Jam - Viet Nam Urban Art 2021 diễn ra vào ngày 24 và 25-4 tới.
Bắt đầu vẽ từ năm 2005, khi văn hóa hip hop dần lan tỏa khắp cả nước, anh gắn mình với những mảng tường, bình sơn trong 16 năm. Danny Dao chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những suy nghĩ của anh về nghệ thuật graffiti.
Graffiti là một phần của nghệ thuật đường phố
* Anh cắt nghĩa thế nào về nghệ thuật đường phố và nghệ thuật graffiti (vẽ trên tường) anh đã chọn chung sống suốt tuổi trẻ?
- Nghệ thuật đường phố theo mình là những hình thái nghệ thuật khác nhau gắn liền với đời sống đường phố và đô thị hiện đại. Trong đó, graffiti là một phần của nghệ thuật đường phố.
Tác phẩm graffiti được nhận dạng bằng những chữ ký tên hoặc bức vẽ có chữ - tên của người sáng tác.
Ngoài ra, chúng còn được nhận biết qua nét đặc trưng sử dụng sơn xịt trên tường. Mình biết đến graffiti từ khá sớm thông qua các MV ca nhạc và hình vẽ trong trò chơi điện tử phương Tây vào những năm đầu cấp hai.
* Khoảng cách giữa graffiti và vẽ bậy dường như rất mong manh, điều này đã đem lại cho anh những rắc rối gì?
- Năm 2011, mình từng bị bắt trong khi đang vẽ tranh tường trên phố. Phản ứng của mẹ và gia đình lúc đó rất hoang mang và lo lắng. Ngay giữa khuya, mẹ phải tất tả mang sổ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân để bảo lãnh mình trên đồn công an.
Sau 10 năm nhìn lại, có rất nhiều thứ mình sẽ không thể nhớ được. Nhưng chắc chắn không thể quên hình ảnh mình đã làm mẹ mất đi giấc ngủ quý giá, mang nhiều lo sợ để tìm cách giải quyết hậu quả mình gây ra, gia đình thì giận dữ và chờ đợi mình trở về an toàn.
Chính điều đó đã cho mình khoảng thời gian chậm lại và suy nghĩ chín chắn về bản thân và con đường đang đi.
Nghệ sĩ graffiti phải vật lộn giữa lằn ranh "sáng tạo" và "phá hoại" - Ảnh: INTERLINK
Hiện thực hóa cá tính của bản thân
* Ở hầu hết các quốc gia, việc vẽ tranh trên tường khi không có sự đồng ý của chủ sở hữu bất động sản được xem là phá hoại và người thực hiện là một tội phạm cần phải bị trừng phạt, anh nghĩ thế nào về tính chính danh, pháp lý của loại hình này?
- Trong mỗi lĩnh vực, mỗi vấn đề khác nhau sẽ có những giới hạn và khó khăn khác nhau và chúng ta phải học cách chấp nhận và tìm cách hóa giải để bước tiếp.
Đối với nghệ thuật đường phố, khó khăn không nằm ở định kiến hay sự non trẻ, bốc đồng. Nó nằm ở việc hiện thực hóa cá tính của bản thân, thể hiện cái tôi đúng đắn thông qua tác phẩm và tạo sự kết nối giữa cá nhân đến với mọi người.
Thực tế, dù là nghệ thuật hàn lâm hay nghệ thuật đường phố, bạn làm sai bạn đều phải chịu trách nhiệm với cái sai của chính mình.
Với mình, graffiti hay nghệ thuật đường phố đã trở thành một phần của cuộc sống, nó như hơi thở hằng ngày, hình thành nên con người mình hôm nay.
Ở đó, mình học hỏi và đúc kết được nhiều thứ cho bản thân. Graffiti như một nét văn hóa đô thị, ở đó nó trở nên bình thường và hòa nhập với cuộc sống. Cho nên, tìm chính danh cho nó có lẽ là chuyện không cần thiết.
Graffiti, nếu không có sự mâu thuẫn giữa đúng và sai, sẽ không còn là graffiti. Sự tranh cãi bên trong nó cũng đại diện cho sự tranh cãi trong những vấn đề cuộc sống hiện đại, tạo nên điều riêng biệt cho loại hình này.
Graffiti luôn tồn tại song song hai khái niệm phá hoại và sáng tạo, điều đó hoàn toàn không thể phủ nhận. Thật tốt khi được đón nhận và trải nghiệm những giá trị cảm xúc khác nhau từ cộng đồng.
Khi chọn con đường này, mình phải chắc chắn đủ can đảm để đón nhận những kết quả và hậu quả. Các áp lực chỉ hiện hữu khi mình lười biếng và mất niềm tin vào hành trình mình đang đi. Ở bất cứ lĩnh vực nào, bạn dừng lại là bạn thua cuộc.
Trưng bày tranh graffiti dọc bức tường của tòa nhà Tổng lãnh sự quán Pháp
Jam - Viet Nam Urban Art 2021 là chương trình nghệ thuật đường phố do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức. Ngoài 2 khách mời trong đó có Danny Dao, 6 nghệ sĩ tranh tường sẽ cùng tranh tài vẽ graffiti.
Các tác phẩm sau khi hoàn thành sẽ được trưng bày dọc theo bức tường của tòa nhà Tổng lãnh sự quán Pháp (27 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) và sẽ được giới thiệu ở những thành phố khác trên cả nước.
Theo Danny Dao, "sự kiện lần này là cột mốc đánh dấu sự giao tiếp giữa graffiti và cộng đồng. Ở đây, những người theo đuổi nghệ thuật đường phố có cơ hội thể hiện chính mình và lắng nghe những ý kiến đánh giá khách quan từ mọi người thông qua các tác phẩm".
TTO - Cyril Kongo, họa sĩ graffiti mang dòng máu Việt, vẽ tác phẩm graffiti khổng lồ, sặc sỡ ở bệnh viện Lariboisière (Paris, Pháp) để mang lạc quan đến cho mọi người.
Xem thêm: mth.31870748012401202-itiffarg-al-noc-gnohk-es-ias-av-gnud-auig-nauht-uam-us-oc-gnohk-uen/nv.ertiout