Theo cơ quan cảnh sát điều tra, việc tìm hiểu thông tin về lan đột biến qua mạng xã hội, sau đó, giao dịch, mua bán qua loa đã khiến nhiều người nếm "trái đắng". Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước khi "xuống tiền".
Mua bán lan tiền tỉ qua mạng xã hội
Trao đổi với Lao Động, thiếu tá Lê Quyết Thắng, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) xác nhận, cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Hoài Đức đã tiếp nhận 6 đơn tố giác liên quan đến giao dịch lan đột biến có dấu hiệu lừa đảo.
Cụ thể: Ngày 25.3.2021, Công an xã An Khánh nhận được trình báo của anh P.A.S (Phú Thọ) với nội dung, cuối tháng 2.2021, anh S có tìm hiểu trên mạng Facebook để mua bán cây lan thì quen biết một tài khoản tên “P.L.A.D” chủ tài khoản tên B.V.D.
Quá trình trao đổi trên Facebook, tài khoản B.V.D nói bán lan đột biến “hồng á hậu” và hẹn gặp anh S tại khu Vinhomes Thăng Long, An Khánh, Hoài Đức.
"Anh S mua cây lan có thân dài khoảng 8cm với giá 568 triệu đồng. Quá trình đi xem xung quanh vườn, anh S thấy 1 cây lan đột biến “Hồng Yên Thủy” kiểm tra xong anh S mua thêm cây lan “Hồng Yên Thủy” với giá 35 triệu đồng. Sau khi mua cây về phát hiện không phải cây lan đột biến như thỏa thuận, anh S đã trình báo Công an xã An Khánh", thiếu tá Thắng nói.
Cuối tháng 8.2020, vợ của anh Đ.T.T (Sóc Sơn, Hà Nội) là chị T truy cập vào mạng xã hội Facebook tìm hiểu về lan đột biến thì biết đến nhà vườn lan tại ngõ 83, đường An Khánh (huyện Hoài Đức)
Ngày 31.3.2020, vợ chồng anh T đến địa chỉ trên để mua lan. Đến nơi, vợ chồng anh T gặp chủ của vườn lan trên và mua 3 ki lan phi điệp đột biến loại "Hồng Yên Thủy", 4 chậu lan phi điệp đột biến loại “5 cánh trắng Phú Thọ" và 8 chậu lan phi điệp đột biến loại “Hồng Yên Thủy", với tổng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng
Tuy nhiên, sau khi chăm sóc số lan này một thời gian thì anh T phát hiện số lan này không phải là lan phi điệp đột biến “Hồng Yên Thủy” hay “5 cánh trắng Phú Thọ”.
Anh T liên lạc với chủ vườn yêu cầu trả lại số tiền đã mua lan nhưng chủ vườn không đồng ý. Anh T đến vườn lan của đối tượng này, nhưng chủ vườn đã chuyển đi nơi khác.
Liên hệ chủ vườn để đòi tiền đều ngắt kết nối
Tương tự, các trường hợp của anh Đ.T.L (Phú Thọ), anh N.C.T (Phú Thọ), anh N.V.S (Vĩnh Phúc) cũng trình báo mua hoa lan đột biến của các chủ vườn trên địa bàn huyện Hoài Đức, khi mang về nhà phát hiện đó chỉ là lan thường.
Khi phát hiện giống hoa mua không đúng với chủng loại đã cam kết, họ quay lại nơi thực hiện giao dịch thì phát hiện các vườn này đã dọn đi, điểm bày giống hoa lan trước đó chỉ là nhà thuê. Số điện thoại của chủ vườn liên lạc để giao dịch trước đó cũng bị ngắt kết nối.
Qua tổng hợp, trong 6 vụ mua bán, vụ mua bán giá trị lớn nhất khoảng 2,3 tỉ đồng và thấp nhất là 235 triệu đồng. Tổng số tiền 6 người tố giác bị chiếm đoạt là trên 6,3 tỉ đồng.
Thiếu tá Thắng cũng cho biết, bước đầu cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Hoài Đức đã xác minh được 2 chủ vườn lan trú tại Hòa Bình để triệu tập làm việc, nhưng đến nay 2 người này đều không có mặt tại địa phương.
Việc lan đột biến được giao dịch với giá "trên trời" tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự.
Trên thực tế, không ít người trong số đó bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn "tín dụng đen" để đầu tư. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", "đòi nợ thuê”, tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản.
Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước khi "xuống tiền".