ST25 bị đăng ký bảo hộ tại Mỹ, xuất khẩu gạo vào thị trường này có bị ảnh hưởng?
Nam Bình
(KTSG Online) – Việc gạo thơm ST24, ST25 bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Mỹ làm dấy lên mối lo ngại hoạt động xuất khẩu gạo vào thị trường này sẽ gặp khó. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc này không quá đáng lo, vì Việt Nam hiện chưa xuất khẩu gạo với sản lượng lớn vào thị trường Mỹ.
Ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí (doanh nghiệp tư nhân do con trai kỹ sư Hồ Quang Cua làm chủ, ông Hồ Quang Cua là cố vấn), cho biết luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ của Mỹ không cấm các doanh nghiệp, cá nhân hay tổ chức đăng ký bảo hộ đối với các sản phẩm nông sản tại thị trường này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ một sản phẩm thì sẽ gắn liền với tên doanh nghiệp đó.
Nghĩa là khi đăng ký bảo hộ gạo ST25 thì sẽ phải gắn liền với tên doanh nghiệp nào đó chứ không chỉ bảo hộ riêng chữ “gạo ST25”.
“Các doanh nghiệp này họ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của họ, gắn với sản phẩm gạo ST24, ST25 để đón đầu thị trường. Nếu ST24, ST25 mà không nổi tiếng, không được người tiêu dùng đánh giá cao thì cũng không doanh nghiệp nào bỏ tiền, bỏ thời gian để đăng ký bảo hộ làm gì”, ông Trí cho biết. "Ngay tại Việt Nam cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 của doanh nghiệp họ, đâu cần nói gì tới chuyện ở nước ngoài", ông Trí tiếp lời.
Không lo vì… chưa xuất khẩu ST24, ST25 vào Mỹ
Trả lời câu hỏi, nếu để ST24, ST25 được đăng ký bảo hộ gắn với tên các doanh nghiệp khác mà không phải là doanh nghiệp của nhóm tác giả Hồ Quang Cua hoặc là doanh nghiệp Việt Nam liệu có ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo ST24, ST25 vào thị trường Mỹ, ông Trí cho rằng, hiện doanh nghiệp ông chưa xuất khẩu gạo ST24 hay ST25 vào Mỹ nên không bị ảnh hưởng gì.
“Trong kế hoạch, chúng tôi cũng chưa tính tới việc sẽ xuất khẩu gạo ST24 hay ST25. Vì trên thực tế, nếu mình chỉ bán qua trung gian là doanh nghiệp nước ngoài chứ không phân phối trực tiếp đến khách hàng được, thì giá trị mang lại không đáng kể. Doanh nghiệp Việt bị ép giá rất nhiều từ các nhà phân phối, bán lẻ ở nước ngoài”, ông Trí cho biết.
Ông Hồ Quang Trí, con trai kỹ sư Hồ Quang Cua, cho rằng, việc doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ gạo ST24, ST25 của họ tại Mỹ chưa đến mức đáng lo ngại. Ảnh: Nam Bình. |
Riêng về kế hoạch đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với gạo ST24, ST25 trong nước và trên các thị trường mục tiêu khác, ông Trí cho rằng, doanh nghiệp của ông hiện đang chú trọng vào khâu sản xuất giống, từ đó, cung cấp nguồn giống ST24, ST25 tốt nhất cho nông dân. Còn về khâu sản xuất lúa thương phẩm và kinh doanh gạo, doanh nghiệp chưa làm tới.
Ông Trí cho biết, có rất nhiều doanh nghiệp đến gặp kỹ sư Hồ Quang Cua để đề nghị hợp tác xuất khẩu gạo, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhóm tác giả vẫn chưa nhận lời đơn vị nào và chỉ tập trung vào chuyên môn làm khoa học, nghiên cứu cải tạo, nâng cao chất lượng giống cung cấp cho nông dân trong nước.
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ cũng cho biết, hiện tại bốn doanh nghiệp đăng ký bảo hộ gạo ST24, ST25 tại Mỹ vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp giấy bảo hộ chính thức. Việc xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm này vào thị trường Mỹ do đó cũng chưa ảnh hưởng gì.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), hiện nay, không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ. Nguyên nhân là thị trường này đòi hỏi chất lượng sản phẩm khắt khe trong khi chi phí vận chuyển đường dài khiến gạo Việt khó cạnh tranh với các đối thủ khác đang bán gạo vào Mỹ như Ấn Độ, Thái Lan…
“Mỹ là thị trường tiềm năng của gạo Việt Nam nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm vì sản lượng xuất khẩu không nhiều trong khi các thủ tục rườm rà, khó đáp ứng”, ông Đôn nhận định.
Diện tích ST25 sẽ tăng mạnh trong vụ tới
Theo ông Trí, hiện giống lúa ST25 đã được doanh nghiệp của ông bán đại trà ở các tỉnh miền Tây cũng như đã đăng ký khảo nghiệm để đưa ra sản xuất đại trà ở miền Trung, miền Bắc và Tây Nguyên. Sắp tới, diện tích lúa ST24, ST25 trên cả nước sẽ tăng cao, sản lượng gạo cho ra thị trường cũng sẽ cao hơn và sẽ có nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cũng như phân phối gạo trong và ngoài nước tham gia đưa sản phẩm ra thị trường. Nghĩa là cùng loại gạo ST24, ST25 nhưng người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn về nhà cung cấp.
Để tránh tình trạng bị mai một hoặc chất lượng sụt giảm như nhiều giống gạo thơm khác, ông Trí cho rằng, hiện nay, ST24, ST25 được “đảm bảo” về chất lượng nguồn giống, vì được kiểm tra, khảo nghiệm và sản xuất theo quy trình chặt chẽ trước khi cung cấp đến người nông dân. Từ nguồn giống này, nếu nông dân trồng theo đúng quy trình khuyến cáo, chất lượng gạo sẽ đảm bảo.
Trong vụ đông xuân vừa qua là vụ đầu tiên Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí cung cấp giống ST25 ra thị trường nhưng cũng không đủ nguồn cung. Sắp tới, kỹ sư Hồ Quang Cua sẽ phối hợp với các trung tâm giống tại các tỉnh, thực hiện nhượng quyền giống lúa ST24, ST25 để các tỉnh tự tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng nguồn giống lúa này tại địa phương.
Từ vụ đông xuân năm nay, diện tích trồng ST25 ở ĐBSCL mới tăng lên mức 50.000ha. Ảnh: Nam Bình. |
Điều ông Trí trăn trở hiện nay là tình trạng thương lái trộn các loại gạo thơm chất lượng thấp vào ST24, ST25 khiến chất lượng gạo sụt giảm. Tuy nhiên, doanh nghiệp ông cũng như nhóm tác giả không thể làm gì được trước tình trạng này.
Trước đó, hồi giữa tháng 1-2021, tiếp đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khi đó đến thăm và làm việc tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống lúa của Kỹ sư Hồ Quang Cua, ông Cua cho biết, sau một năm giống ST25 được công nhận, đến nay vùng trồng ở ÐBSCL lên hơn 50.000ha bắt đầu được mở rộng và đang tiếp tục được đưa khảo nghiệm ở 3 vùng sản xuất lúa lớn ở Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc. Với diện tích này, lượng gạo ST25 ra thị trường chưa nhiều, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và một ít dành cho xuất khẩu.
Theo Kỹ sư Hồ Quang Cua, việc xây dựng thương hiệu và giữ gìn thương hiệu gạo cho Việt Nam cần có nhiều biện pháp, vừa là những cố gắng nội tại của doanh nghiệp, vừa tăng cường công tác quản lý nhà nước và có sự đầu tư đúng mức nguồn vốn sự nghiệp. Các giải pháp cần được thực thi đồng bộ ở tất cả các địa phương cũng như khâu kiểm định đầu ra. Từ đó hướng tới xây dựng thương hiệu gạo thơm Việt Nam phát triển bền vững.
Nên sớm đăng ký để ST24, ST25 được miễn thuế ở thị trường châu Âu Một chuyên gia xuất khẩu gạo chia sẻ với Kinh tế Sài Gòn Online rằng, gạo ST24 đang được bán rất chạy ở các nước châu Âu. So với gạo thơm của Thái Lan, gạo ST24 của Việt Nam có chất lượng không thua kém trong khi giá chỉ khoảng 600 – 700 đô la Mỹ/tấn, tùy nhà cung cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gạo ST24 đang phải chịu thuế từ 150 – 160 đô la Mỹ/tấn khi nhập khẩu vào EU. Nguyên nhân là trong danh sách các loại gạo thơm xuất khẩu vào EU được miễn thuế, Việt Nam chỉ mới đăng ký đến dòng ST20. Do đó, theo vị chuyên gia này, Chính phủ cần sớm đăng ký để gạo thơm đặc sản ST24 và sau đó là ST25 được miễn thuế khi xuất khẩu vào EU. Bộ Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn thông tin, đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam, theo cam kết EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đi châu Âu đạt trên 10 triệu đô la Mỹ, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn gạo/năm với giá trị là 1,4 tỉ Euro trong năm 2019. So với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia. Do đó, dư địa cho gạo Việt vào EU vẫn còn rất lớn. |