Với dự báo quy mô dân số tăng 2%/năm và đạt 106 triệu dân vào năm 2050, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thị trường Việt Nam đang là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ và là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp Nhật Bản .
VIỆT NAM CÓ TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TỐT NHẤT TRONG KHU VỰC
Ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, ndoanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm đến đầu tư và phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Nếu trước đây, Việt Nam chỉ là nơi các doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư xây dựng mở mới nhà máy sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, thì nay Việt Nam dần trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhiều loại hàng hóa, không chỉ là thực phẩm, dược phẩm, thời trang … mà còn là những sản phẩm đơn giản trong đời sống hàng ngày. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đang dần trở thành thị trường tiêu thụ lớn và đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Hơn nữa, doanh nghiệp Nhật Bản chọn đầu tư tại Việt Nam là tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm thuộc hàng tốt nhất trong khu vực, khiến quy mô nền kinh tế ngày một lớn, mức tiêu dùng của người dân cũng ngày một tăng, gần đây sự quan tâm đầu tư vào khoa học công nghệ thể hiện rất rõ nét, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao và dần trở thành những đối tác bình đẳng trong việc phối hợp cùng đầu tư và cùng phát triển với các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Nhật Bản.
“Với dân số gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định. Trong đó, dân số tại TP.HCM đạt gần 9 triệu người, thành phố Thủ Đức đã thành hình và là đô thị lớn như những đô thị lân cận TP.HCM, và như vậy số dân đăng ký chính thức tại TP.HCM sẽ đạt con số 10 triệu trong tương lai gần (bao gồm thành phố Thủ Đức).
Dân số tăng cùng với tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng là yếu tố giúp nới rộng dư địa tăng trưởng cho các nhà bán lẻ và như vậy TP.HCM vẫn là thị trường được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm”, ông Shinji Hirai cho biết.
THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ, KHỐI THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ ĐANG "HÚT" DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN
Những “ông lớn” trong ngành bán lẻ của Nhật Bản như Uni Qlo, Muji, FujiMart, Matsumoto Kiyoshi … đã chính thức khai trương ở thị trường Việt Nam. Điều này thể hiện rõ sự quan của ngành bán lẻ Nhật Bản đối với thị trường ở Việt Nam trong đó có thị trường lớn là TP.HCM.
Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) về triển vọng thị trường bán lẻ trong năm 2021, BSC cũng kỳ vọng trong năm 2021, tăng trưởng ngành bán lẻ sẽ đạt trên 10%, vượt xa nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Theo phân tích của Cổng thông tin trực tuyến về thống kê Statista (Đức), doanh thu của ngành thời trang Việt Nam trong năm 2019 đạt 717 triệu USD, tăng lên 815 triệu USD trong năm 2020 và đạt 1,065 tỷ USD năm 2024. Giới chuyên gia cho rằng, trong lĩnh vực may mặc, thời trang, tiềm năng của thị trường Việt Nam không chỉ với tư cách là vùng sản xuất còn rất lớn, mà sẽ phát triển với tư cách là một thị trường tiêu thụ.
Cách nay 3 năm, nếu như Thái Lan là thị trường hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản thì nay xu hướng này đã thay đổi khi nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chuyển hướng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong mắt doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là thị trường lớn với quy mô dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng, có sức chi trả hàng hóa chất lượng tốt là “sức hút” đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.
“Thống kê trước đây có 40% các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam là để mở nhà máy, xưởng sản xuất, tuy nhiên thống kê gần đây lại cho thấy số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam với mục đích trên chỉ còn khoảng 20%. Như vậy, con số này cho thấy đã có sự dịch chuyển từ chỗ xây dựng nhà máy mở xưởng sản xuất sang khối thương mại, dịch vụ và những doanh nghiệp không thuộc trong khối doanh nghiệp chế tạo.
Mặc dù có sự dịch chuyển trong tỷ lệ như vậy, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Việt Nam vẫn đóng vị thế rất quan trọng và được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm. Điều này hoàn toàn không thay đổi so với trước đây, nó chỉ thay đổi trong cơ cấu và tỷ lệ %, đặc biệt trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19 chúng tôi thấy có sự thay đổi lớn và ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó trên thế giới xu hướng hiện nay là xem lại, xây dựng lại, thiết kế lại, cơ cấu lại chuỗi cung ứng”, ông Shinji Hirai nhấn mạnh.
Nguyễn Huyền
Nhịp sống doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.29883858112401202-man-teiv-oav-nab-tahn-peihgn-hnaod-ut-ut-uad-gnos-nod/nv.zibefac