Super League bên bờ vực sụp đổ
European Super League (ESL) – siêu giải đấu được kỳ vọng sẽ vượt qua UEFA Champions League (UCL) để trở thành giải đấu cấp câu lạc bộ hấp dẫn nhất hành tinh đã đứng bên bờ vực sụp đổ, theo cái cách gây kinh ngạc không kém gì cách nó được khai sinh cách đó 48 tiếng đồng hồ.
"Quả bom tấn" mà 12 câu lạc bộ bóng đá hàng đầu châu Âu công bố đêm 18/4, đã trở thành một "quả bom xịt", khi nhóm Big 6 (6 câu lạc bộ bóng đá hàng đầu) của Anh, lần lượt tuyên bố rút khỏi dự án đầy tham vọng trị giá 6 tỷ USD.
Sự rút lui của Big 6 Ngoại hạng Anh là đòn giáng mạnh vào kế hoạch Super League (Nguồn: Daily Mirror)
Chuỗi domino vẫn chưa dừng lại. Sau Big 6 Premier League đến bộ đôi AC Milan và Inter Milan cũng dự tính rút khỏi nhóm sáng lập ESL do không chịu được áp lực, trong khi Real Madrid, Barca, Juventus và Atletico Madrid vẫn lưỡng lự chưa ra quyết định.
Trên trang chủ, ban tổ chức ESL đã phải tuyên bố "tạm hoãn" giải đấu, một động thái tương đương với sự "hủy bỏ", theo bình luận của The Guardian. ESL mà chủ tịch câu lạc bộ Real Madrid Florentino Perez, kiêm chủ tịch giải đấu, kỳ vọng sẽ "cứu nền bóng đá", rốt cuộc đã không thể tự cứu nổi chính mình.
Rốt cuộc, điều gì đã diễn ra với những toan tính bạc tỷ của các đội bóng lớn?
Khi người giàu muốn giàu hơn
Trong những tuyên bố phản đối nhằm vào Super League và các đội bóng lớn những ngày qua, các cụm từ "giá trị thể thao" và "tính công bằng" liên tục được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, từ các quan chức UEFA, huấn luyện viên, cựu cầu thủ, cho tới những người hâm mộ.
Tuy nhiên, có một thực tế cần phải thừa nhận rằng, những toan tính tiền bạc đang ngày càng chiếm ưu thế trong bóng đá hiện đại. Các câu lạc bộ từ chỗ là tài sản cộng đồng, đang dần biến thành các doanh nghiệp, còn các giải đấu trở thành những cỗ máy kiếm tiền "những con gà đẻ trứng vàng".
Đơn cử như chính Cup C1 châu Âu – giải đấu vốn chỉ dành cho các nhà vô địch quốc gia đã được UEFA đổi tên thành Champions League, tạo ra vòng bảng với rất nhiều đội không vô địch vẫn được phép tranh tài. Sắp tới, theo đề xuất của UEFA, Champions League sẽ tiếp tục cải tổ lần nữa, với số đội tăng từ 32 lên 36, số trận vòng bảng tăng từ 6 lên 10. Đi kèm với đó dĩ nhiên là những khoản lợi nhuận lớn hơn từ bán vé, bản quyền truyền hình và quảng cáo. Trước đó, trong mùa giải 2019 – 2020, các giải đấu cúp châu Âu, bao gồm Champions League đã mang lại nguồn doanh thu 3,25 tỷ euro. Hơn 2 tỷ euro trong số này được dành để chia cho 32 câu lạc bộ tham gia, và đội vô địch nhận được khoảng 120 triệu euro.
Các giải đấu như Champions League đang là cỗ máy kiếm tiền của bóng đá hiện đại (Nguồn: UEFA)
Trong guồng quay kiếm tiền đó, các câu lạc bộ lớn là công cụ chủ yếu, bởi sức hút mạnh mẽ và giá trị thương hiệu khổng lồ (theo Reuters, tổng giá trị của 12 câu lạc bộ tham gia sáng lập Super League đạt tới 34,5 tỷ USD). Rõ ràng, khán giả sẽ muốn xem các cuộc đối đầu đỉnh cao giữa Real Madrid, Barcelona, Juventus và nhóm Big 6 của Anh, thay vì dành thời gian vào những trận đấu của các đội bóng ít tên tuổi hơn.
Những trận đấu giữa các đội bóng lớn luôn là mối quan tâm hàng đầu của khán giả (Nguồn: ESPN)
Xuất phát từ thực tế này, các đội bóng giàu có tại châu Âu bắt đầu hướng tới việc tổ chức một sân chơi của riêng mình, tự thu hút những đối tác truyền hình, thương mại riêng, thay vì phải ngồi chung mâm với những thương hiệu ít giá trị hơn. Với các câu lạc bộ, miếng bánh được UEFA chia, cho dù có lớn đến đâu, cũng không bao giờ là đủ.
Bên cạnh đó, những thiệt hại nặng nề từ đại dịch COVID-19 cũng là một trong những nguyên nhân thôi thúc các câu lạc bộ phải hành động.
Theo trang mạng Swiss Ramble, chỉ riêng mùa giải 2019 - 2020, 11 CLB sáng lập - trừ Liverpool chưa công bố báo cáo tài chính - đã thiệt hại tổng cộng 1,2 tỷ euro (chưa xét đến hoạt động chuyển nhượng cầu thủ) chỉ sau ba tháng tác động của đại dịch.
Các CLB Super League đã thiệt hại 1,2 tỷ euro trong mùa giải 2019 - 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 (Nguồn: Swiss Ramble)
Mô hình thể thao nhượng quyền kiểu Mỹ
Trước một gánh nặng tài chính khổng lồ như vậy, các câu lạc bộ không còn cách nào khác ngoài việc tìm cách tự cứu chính mình. Mô hình nhượng quyền thể thao vốn rất thành công trong kinh doanh tại Bắc Mỹ là cách thức mà các câu lạc bộ lựa chọn.
Có thể coi Super League là một phiên bản thu gọn của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) với 30 đội bóng tạo thành vòng tròn khép kín theo mô hình Franchise (nhượng quyền), không có đội bóng xuống và lên hạng.
Mô hình của Super League có nhiều nét tương đồng với giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) (Nguồn: Sky Sports)
NBA đã áp dụng mô hình này từ rất lâu và thành công trên cả hai khía cạnh chuyên môn lẫn doanh thu. Về mặt chuyên môn, NBA hiện đang là trung tâm của bóng rổ thế giới, còn về doanh thu, trong mùa giải 2018/2019, trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành, giải đấu tạo ra giá trị 8,76 tỷ USD, trong đó doanh thu từ bán vé theo mùa chiếm hơn 1/5. Giá trị trung bình các thương hiệu của NBA cũng ghi nhận mức tăng trưởng liên tục từ 2011 đến 2021, tăng từ 369 triệu USD đến 2,2 tỷ USD trong 10 năm.
Trước đại dịch COVID-19, doanh thu của NBA đạt 8,76 tỷ USD trong mùa giải 2018 - 2019 (Nguồn: Statista)
Giá trị thương hiệu trung bình của NBA tăng liên tục trong giai đoạn 2011 - 2021 (Nguồn: Statista)
Ảnh hưởng của mô hình thể thao kiểu Mỹ còn được thể hiện rõ nét hơn khi có tới 4/12 đội bóng sáng lập Super League (Arsenal, Liverpool, Manchester United và AC Milan) thuộc sở hữu của các tỷ phú xứ cờ hoa. Nhà tài trợ chính, cam kết hàng tỷ USD cho dự án đầy tham vọng này cũng là một cái tên đến từ Phố Wall – JP Morgan Chase, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới với tổng tài sản lên tới tới 2.600 tỷ USD.
Với sự đảm bảo từ mô hình, các nhà lãnh đạo và cả những đồng USD đến từ nước Mỹ, Super League tưởng như đã vẽ ra một tương lai xán lạn cho các đội bóng châu Âu.
Ban tổ chức ESL cho biết, giải đấu được kỳ vọng có thể mang lại nguồn doanh thu 10 tỷ euro nếu phát triển đúng hướng. Nhóm câu lạc bộ sáng lập giải đấu cũng sẽ nhận được 3,5 tỷ euro từ ngân hàng JP Morgan để nâng cấp cơ sở hạ tầng và bù đắp thiệt hại tài chính do đại dịch. Ước tính, số tiền mà đội vô địch Super League được hưởng có thể lên tới 400 triệu euro, tức là cao gấp hơn 3 lần đội vô địch Champions League.
Khi tiền bạc đối đầu với những giá trị truyền thống
Tuy nhiên, những toan tính của các câu lạc bộ lớn đã hoàn toàn vỡ vụn khi phải đối đầu với không chỉ các cơ quan quản lý bóng đá như UEFA, mà là toàn bộ phần còn lại của nền bóng đá, đang hợp sức dưới ngọn cờ "bảo vệ các giá trị truyền thống".
Đứng trước việc mất đi 12 CLB danh tiếng cùng với đó là phần lớn khán giả, UEFA và các liên đoàn bóng đá thành viên buộc phải có những hành động cụ thể. Hàng loạt tuyên bố chỉ trích được đưa ra, kèm theo những cảnh báo trừng phạt đối với các đội bóng ly khai và cả những cầu thủ thi đấu cho các đội bóng đó.
Ngoài ra, theo Bloomberg, UEFA cũng đang thảo luận với Centricus Asset Management (CAM) về gói tài trợ trị giá 6 tỷ euro để cải tổ Champions League, qua đó cạnh tranh với nguồn tài trợ cho Super League từ JP Morgan Chase.
Kế hoạch Super League cũng không thể nhận được sự đồng tình từ các đội bóng khác. Các câu lạc bộ lớn, tưởng chừng sẽ tham gia giải đấu như Bayern Munich, Dortmund hay PSG đã đồng loạt đứng ngoài. Sự thiếu vắng các câu lạc bộ của 2 nền kinh tế lớn nhất châu Âu – Pháp và Đức, rốt cuộc đã làm giảm đi sức nặng của Super League, và tiếp thêm động lực cho UEFA.
Trong khi đó, các đội bóng nhỏ lại càng có lý do để cảm thấy lo ngại hơn, khi mà sự chênh lệch về tiềm lực tài chính giữa họ và các đội bóng lớn sẽ càng bị nới rộng.
Những tuyên bố của chủ tịch Real Madrid Florentino Perez về việc các câu lạc bộ nhỏ có thể hưởng lợi từ việc bán cầu thủ cho các đội bóng lớn, cũng không khiến họ lạc quan hơn. Ngay trước trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh với Liverpool, câu lạc bộ Leeds United đã phản đối Super League bằng các thông điệp mạnh mẽ "Kiếm tiền ngay trên sân cỏ. Bóng đá dành cho người hâm mộ" hay "Nói không với Super League".
Các cầu thủ Leeds United mặc những chiếc áo với khẩu hiệu phản đối Super League (Nguồn: CNN)
Ông Michael Goldberg, phó chủ tịch mảng tài chính thể thao, công ty DBRS Morningstar nhận định "Super League có thể làm gia tăng sự chênh lệch giữa các đội bóng hàng đầu và phần còn lại. Các đội bóng lớn sẽ có nguồn tài chính dồi dào hơn để mua cầu thủ, và dễ dàng đánh bại các đối thủ ở giải đấu trong nước. Các đội bóng không tham dự Super League sẽ gặp nhiều bất lợi hơn trước đây. Về lâu dài, sự chênh lệch quá lớn cũng sẽ khiến giá trị các giải đấu giảm xuống".
Hàng loạt thông điệp cứng rắn được giới chức các nước đưa ra. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, "sẽ làm mọi thứ" để ngăn cản nhóm Big 6 tham dự Super League, trong khi chính phủ Tây Ban Nha và Italy cũng không ủng hộ giải đấu này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson liên tục đưa ra các thông điệp cứng rắn phản đối Super League (Nguồn: AFP)
Sự phản ứng mãnh liệt nhất đến từ chính những người yêu mến các đội bóng tham dự Super League, những người hoàn toàn không được hỏi ý kiến. Các cổ động viên Liverpool đã treo băng tang cho đội bóng mình yêu thích, thậm chí đốt áo đấu ngay bên ngoài sân vận động Anfield. Cổ động viên Chelsea cản xe của CLB khiến trận đấu với Brighton phải lùi giờ thi đấu. Cổ động viên Manchester City, MU, Arsenal hay Tottenham cũng thực hiện những hành động với cường độ dữ dội tương tự. Các huyền thoại, cựu danh thủ, như Sir Alex Ferguson, Eric Cantona, Gary Neville, Kenny Dalglish… đồng loạt đưa ra nhiều tuyên bố gay gắt.
Cổ động viên Liverpool phản đối việc câu lạc bộ gia nhập Super League (Nguồn: BBC)
Đứng trước sức ép khủng khiếp mà trước đó không thể lường hết được, lãnh đạo các CLB rốt cuộc cũng hiểu ra rằng, việc tham gia dự án Super League là quá rủi ro và mạo hiểm, dù điều đó có thể mang lại cho họ rất nhiều tiền.
Sự rút lui của các CLB chưa phải là dấu chấm hết
Tuy nhiên, ngay cả khi các đội bóng lớn rời đi, mọi thứ vẫn chưa phải đã hoàn toàn chấm dứt. Trên trang chủ, ban tổ chức ESL dù tuyên bố tạm dừng hoạt động nhưng vẫn khẳng định sẽ xem xét lại bước đi phù hợp để định hình lại dự án. "Bất chấp việc các câu lạc bộ Anh rút lui khi không chịu được áp lực, chúng tôi vẫn tin kế hoạch của giải đấu mới hoàn toàn phù hợp với luật pháp và quy định của Châu Âu", thông báo cho biết.
Theo các chuyên gia, ý tưởng về một giải đấu như Super League sẽ không hoàn toàn biến mất, và các câu lạc bộ hoàn toàn có thể lùi dự án lại, để đợi một thời điểm thích hợp hơn và tìm kiếm một cách tiếp cận phù hợp với những điều kiện của nền bóng đá châu Âu.
Thông báo chính thức của ban tổ chức Super League khẳng định sẽ xem xét những bước đi phù hợp để định hình lại dự án (Nguồn: CNN)
Theo nhà báo Gabriele Marcotti của ESPN, các CLB sẽ quay lại Champions League, bởi UEFA vẫn cần họ và ngược lại. Những gì vừa xảy ra sẽ góp phần thúc đẩy cả hai bên hợp tác với nhau để tiến hành các cải cách nghiêm túc, đặc biệt là trong vấn đề quản trị và kiểm soát chi phí. Quan điểm của các đội bóng lớn về vấn đề phân chia quyền lợi cũng sẽ là yếu tố mà UEFA cần lưu tâm hơn, để tránh những tình huống tương tự tái diễn.
Trong khi đó, ban lãnh đạo các đội bóng sẽ phải đối mặt với tình huống phức tạp hơn ở trong nước: không còn khoản tiền hàng trăm triệu euro mỗi mùa và mối quan hệ với các cổ động viên, quan chức đã bị hủy hoại nghiêm trọng.
Tại MU, Phó chủ tịch Ed Woodward sẽ phải rời vị trí ngay cuối mùa giải này, trong khi ở Liverpool – ông chủ John Henry, người mới chỉ cách đây 2 năm vẫn còn được ca ngợi là người hùng sau chiến tích vô địch Champions League, giờ đang trở thành kẻ thù của các cổ động viên. Bình luận trên Sky Sports, Jamie Carragher – cựu cầu thủ của Liverpool nhấn mạnh, những gì đã xảy ra sẽ không bao giờ bị lãng quên và "các ông chủ của The Kop không còn tương lai tại câu lạc bộ sau sự kiện Super League."
Huyền thoại Liverpool Jamie Carragher cảnh báo "các ông chủ của The Kop sẽ không còn tương lai tại câu lạc bộ" (Nguồn: Sky Sports)
Những thiệt hại như vậy theo Sky Sports, là khó có thể đong đếm, và sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức để bù đắp. Đây thực sự là một canh bạc mà người thua cháy túi, ngạc nhiên thay lại là các ông chủ câu lạc bộ bóng đá vốn rất am tường về kinh tế.
12 thành viên sáng lập của European Super League bao gồm Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, AC Milan, Arsenal, Chelsea, Inter, Juventus, Liverpool, Manchester City, Manchester United và Tottenham. Ngoài ra sẽ có thêm 3 CLB nữa tham gia vào nhóm sáng lập này.
Tuyên bố từ ban tổ chức của giải đấu cho biết: "Sẽ có 20 câu lạc bộ tham gia, với 15 thành viên sáng lập và 5 suất dành cho các đội khác dựa theo thành tích hàng năm.
Lịch thi đấu sẽ được công bố vào giữa tuần tới, với các đội vẫn sẽ tham gia giải quốc nội như bình thường, đây vẫn là trọng tâm của kế hoạch.
Giải đấu sẽ bắt đầu vào tháng 8 với các đội bóng được chia làm hai nhóm 10 đội, thi đấu sân nhà cũng như sân khách. Ba đội đứng đầu mỗi nhóm sẽ tiến đến tứ kết.
Các đội xếp thứ tư và thứ năm sau đó sẽ thi đấu vòng đấu loại trực tiếp để cạnh tranh các suất còn lại của tứ kết. Thể thức loại trực tiếp hai lượt trận sẽ được sử dụng cho đến trận chung kết vào cuối tháng 5, được tổ chức duy nhất 1 trận tại một sân đấu trung lập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.96214457112401202-ov-od-cab-neit-hnit-naot-gnuhn-ihk-uey-tehc-eugael-repus/et-hnik/nv.vtv