Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, hiện thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất, vì thế doanh nghiệp cần nhanh chóng chứng minh mình là sở hữu của thương hiệu đó để được bảo hộ.
5 hồ sơ đăng ký thương hiệu gạo ST15
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ngày 22.4, Cục đã đã kiểm tra thông tin liên quan việc doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25. Theo Hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra".
Thứ nhất là nhãn hiệu "The world's best rice gao thom ST25 dac san Soc Trang ngon nhat the gioi 100% tu nhien khong beo phi - khong tieu duong", đăng ký ngày 22.10.
Nhãn hiệu thứ hai và ba chờ đăng ký trên trang USPTO đều tên ST25 do 2 đơn vị là I&T enterprise, Inc. Corporation và TTM International Inc. Corporation đăng ký lần lượt vào ngày 18.6.2020 và 10.8.2020
Nhãn hiệu thứ tư và thứ năm do Transworld Foods, Inc. Corporation đăng ký gồm "No.1 Vietnam ST25 rice the world's best rice" và "Vietnam's ST25 rice, dac san Soc Trang" đăng ký ngày 31.7.2020 và 1.9.2020.
Theo ông Vũ Bá Phú, hiện thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ, nhưng nếu thời gian tới doanh nghiệp không làm gì, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị mất.
Phía Bộ Công Thương đã tư vấn cho doanh nghiệp ông Hồ Quang Cua để đăng ký thương hiệu ở Mỹ. "Ông Hồ Quang Cua cần chứng minh mình là sở hữu của thương hiệu đó, ví dụ là người nghiên cứu, tạo ra giống gạo này, đưa đi thi và có giải gạo ngon nhất thế giới".
Xây dựng và bảo hộ thương hiệu phải làm song song
Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo và đăng ký bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ, nhãn mác bao bì của sản phẩm đó là 2 việc phải đi song song.
"Kể cả thương hiệu đó chưa nổi tiếng vẫn phải làm việc đó, huống hồ ST25 lại là sản phẩm đạt giải ngon nhất thế giới thì lại càng phải đăng ký bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, kèm nhãn mác bao bì đựng sản phẩm đó ngay kể cả ở trong hay ngoài nước", ông Bình nói.
Một doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, hiện thương hiệu gạo ST25 và sở hữu giống là của kỹ sư Hồ Quang Cua. Nếu vậy trách nhiệm bảo hộ thương mại trên thế giới là trách nhiệm của doanh nghiệp (sản phẩm của doanh nghiệp nào doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm bảo hộ) vì không sản phẩm thuộc tài sản quốc gia.
Doanh nhân này cũng cho biết, hiện nay, có 4-5 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ cũng là điều bình thường trong lĩnh vực thương mại. Nguyên nhân, ở Mỹ, trước khi một doanh nghiệp nào đó nhập hàng của Việt Nam, hay của các nước trên thế giới về, trước khi làm marketing đều phải đăng ký bảo hộ đã, để sau khi làm marketing (quảng bá) thành công còn bán được hàng.
Xem thêm: odl.672109-hnim-gnuhc-gnourt-nahk-nac-peihgn-hnaod-tam-auhc-52ts-oag-ueih-gnouht/et-hnik/nv.gnodoal