Ngày 22-4 tại Hoàng thành Thăng Long, đoàn khai quật Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội và Viện Khảo cổ học công bố nhiều phát hiện mới tại khu vực khai quật rộng gần 1.000m2 phía Đông Bắc của di tích nền điện Kính Thiên.
Phát hiện đáng chú ý nhất là chiếc giếng sâu nhất từ trước đến nay mà các nhà khảo cổ tìm được, một chiếc chậu lớn đời Trần miệng rộng 1,2m và một khu mộ đôi bằng gạch.
Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, cho hay trong lớp cắt dày 3,3m, các nhà khoa học tìm thấy 5 lớp văn hóa chồng lên nhau gồm thời Nguyễn, thời Lê trung hưng, thời Lê sơ, thời Trần, thời Lý và thời kỳ tiền Thăng Long.
Hình ảnh tại điểm khai quật. Ảnh: VT
Cách di tích Hậu Lâu khoảng 10m về phía Đông Nam, đoàn khảo cổ tìm thấy một chiếc giếng xuất lộ ở độ sâu 1,3m so với mặt đất hiện nay. Giếng có độ sâu gần 7m, là chiếc giếng sâu nhất từng được tìm thấy, tiến sỹ Tống Trung Tín khẳng định.
“Năm 1952, tôi cùng tiến sỹ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, từng đào được một cái giếng sâu 5,9m. Đến nay, tôi mới lại thấy có một cái giếng sâu như thế này. Ước tính giếng này sâu hơn độ sâu trung bình của sông Hồng,”-Tiến sỹ Tống Trung Tín nhận định.
Hố khai quật này có tổng diện tích gần 1.000m2. Ảnh: VT
Theo TS Tống Trung Tín, tại hố sâu nhất của khu di chỉ, đoàn khảo cổ học cũng phát hiện dấu tích nhiều thời kỳ. Ở độ sâu 4,8m, đây là nơi có niên đại phức tạp nhất và khó khai quật nhất.
Tại đây, các nhà khảo cổ cũng đã có một phát hiện lớn nhất trong cả quá trình khai quật thời gian qua, đó là 2 mộ táng gạch thời kỳ tiền Thăng Long.
Hiện vật thời Lê Sơ. Ảnh: VT
Hai mộ gạch nằm song song theo hướng Đông Bắc, xây theo kiểu cuốn vòm. Trong khu mộ, phát hiện 3 vò gốm và tiền đồng. Đáng tiếc là ở thời kỳ sau này, có một ngòi nước đi qua nên hiện chỉ còn tìm được thành mộ và đáy mộ.
“Đây là khu trung tâm Hoàng thành, chúng tôi tự đặt câu hỏi tại sao lại có mộ táng ở đây, từ đó có thể cho rằng khu mộ này xuất hiện trước khi có Hoàng thành. Khu mộ ở địa tầng sâu nhất cho thấy dấu tích cư trú của con người khá sớm, từ thế kỷ 4-6, trước thời kỳ Đại La,”- ông Tín nói.