Tờ Washington Post cho hay vào đầu thập niên 2010, thị trường đã bàn tán xôn xao về việc liệu Microsoft có lấy lại nổi ánh hào quang khi xưa khi bỏ lỡ trào lưu smartphone. Trong khi Google và Apple trỗi dậy đi đầu, bắt kịp xu thế thì Microsoft không chỉ chậm chân mà còn thất bại với sản phẩm smartphone mang thương hiệu của mình.
Tình hình tồi tệ đến mức không chỉ các nhân viên từ bỏ Microsoft chuyển sang làm cho đối thủ mà tập đoàn còn gặp khó khi tuyển dụng lao động từ các trường đại học.
"Chúng tôi đang đối mặt nguy cơ sụp đổ vì không chạy theo kịp xu thế", Cựu giám đốc Sivaramakrishnan Somasegar của Microsoft, hiện đang là nhà đầu tư thuộc Madrona Venture Group nhớ lại.
Cuối năm 2000, tổng giá trị thị trường của Microsoft là 520 tỷ USD còn Apple chỉ là 4,8 tỷ USD. Thế nhưng vào năm 2018, tổng vốn hóa nhà táo khuyết đã bằng cả Microsoft lẫn Intel cộng lại. Đây được coi cái tát đau điếng với Bill Gates khi ông được cho là có xung đột với Steve Jobs của Apple.
Vậy nhưng tình hình đã thay đổi chóng mặt chỉ trong hơn 10 năm. Hiện Microsoft báo cáo quý thứ 5 liên tiếp đạt doanh thu kỷ lục với 62 tỷ USD. Tổng mức vốn hóa của hãng vượt 3 nghìn tỷ USD, qua mặt Apple để trở thành tập đoàn có giá trị lớn nhất thế giới.
Nhiều người lầm tưởng rằng thành công của Microsoft có được chỉ là nhờ trí thông minh nhân tạo (AI) và thành công từ ChatGPT. Thế nhưng câu chuyện bị soán ngôi của Microsoft và hành trình đòi lại ngai vàng từ tay Apple của đế chế nhà Bill Gates phức tạp hơn rất nhiều.
Ông hoàng Bill Gates
Theo Washington Post, cái tên Bill Gates và Microsoft là những thứ mà không ai trên thế giới này không biết đến vào thập niên 1980-1990.
Trên thực tế khi mới ra mắt, Microsoft của Bill Gates không có nhiều tiếng tăm như Apple của Steve Jobs.
Mặc dù nhà táo khuyết được thành lập sau Microsoft 1 năm (1976) nhưng lại phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trước vào năm 1980 với giá 22 USD/cổ. Trong khi đó đứa con của Bill Gates phải mãi đến năm 1986 mới IPO với giá 21 USD/cổ.
Ban đầu, mọi người điên cuồng với những ý tưởng mà Steve Jobs nói đến, từ chiếc máy tính Macintosh cho đến những viễn cảnh công nghệ tương lai đầy hào nhoáng. Thế nhưng Microsoft từ một hãng chỉ viết phần mềm thuê cho IBM đã âm thầm ra mắt hệ điều hành Windows và nhanh chóng bùng nổ thành công ty công nghệ đứng đầu thay thế Apple.
Sau khi ra mắt Windows 95 vào năm 1995, Microsoft đã trở thành một tập đoàn công nghệ tiên tiến đúng như những gì Apple từng trải qua sau này với iPhone. Hàng dài người xếp hàng chờ mua Windows 95 trong buổi ra mắt, chẳng khác gì đám đông ngóng chờ iPhone sau này.
Tính đến cuối năm 1997, các sản phẩm của Microsoft đã chiếm đến 86,3% thị phần máy tính cá nhân (PC), trong khi Macintosh chỉ vỏn vẹn 4,6%.
Vì vậy mà đế chế nhà Bill Gates đã vượt mặt nhà táo khuyết để trở thành tập đoàn công nghệ có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, đồng thời biến nhà sáng lập này thành người giàu nhất thế giới kể từ năm 1992 đến nhiều năm sau này.
Tại thời điểm đó, Microsoft được ví như con gà đẻ trứng vàng chẳng kém Coca Cola với sự độc quyền hệ điều hành Windows. Thậm chí quyền lực của tập đoàn còn dẫn đến việc Bộ tư pháp Mỹ phải thực hiện hàng loạt vụ kiện chống độc quyền đòi chia tách công ty.
Thế nhưng chỉ hơn 10 năm sau ngày vượt mặt Apple, đến lượt nhà táo khuyết đòi lại mối hận với iPhone, iPod và biến Microsoft, một tập đoàn đầy những "công thần" chỉ lo đấu đá nội bộ và ngồi chơi, thành đồ cổ.
Cú trượt dài
Tại Hội chợ điện tử tiêu dùng (CES) năm 2012, người kế nhiệm của Bill Gates là Steve Ballmer đã phải hứng chịu nỗi xấu hổ khôn cùng khi giới thiệu chiếc Windows Phone 7. Tính năng nhận diện giọng nói không hoạt động, rồi điện thoại treo cứng đến mức nhân viên Microsoft phải vội vàng chữa ngượng trên sân khấu.
Thành công của hệ điều hành Windows đã đưa Microsoft lên đỉnh vinh quang, nhưng cũng trở thành rào cản khiến tập đoàn này trượt dài. Từ một doanh nghiệp với vô số kỹ sư trẻ thức đêm để sáng tạo nên những thứ thú vị, đế chế của Bill Gates dần trở thành bộ máy cồng kềnh chỉ lo đấu đá quyền lực giữa các công thần.
Cuối năm 1997, một nhóm kỹ sư Microsoft đã nghĩ ra ý tưởng máy đọc sách điện tử, hay còn gọi là Ebook sau này khi Amazon và Apple đã thành công với sản phẩm mới. Thế nhưng Bill Gates đã từ chối chúng vì không phù hợp với hệ sinh thái Microsoft.
Quan điểm cố hữu một sản phẩm mới cần gắn với hệ điều hành Windows đã giết chết sự sáng tạo của các kỹ sư trẻ. Từ việc có thể phát minh bất kỳ ý tưởng nào hay ho, có ích cho người dùng thì giờ đây nhân viên phải tự hỏi liệu chúng có sinh lợi nhuận hay không.
Lòng tham lợi nhuận ngắn hạn và quan điểm cố hữu trước thành công của Windows đã khiến Microsoft chậm chân trong mảng điện thoại thông minh và máy tính bảng, để Apple vượt mặt dễ dàng với iPhone, qua đó đòi lại danh hiệu công ty có giá trị lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, rõ ràng là Microsoft đã có nghiên cứu, ý tưởng về những sản phẩm này trước đó cả thập kỷ, nhưng chẳng lãnh đạo nào quan tâm.
Nếu Apple cho các kỹ sư phát triển Macintosh đấu với đội phát triển iPod để ra mắt hệ điều hành iOS cho iPhone thì Google cũng sẵn sàng mua lại Android để thay thế toàn bộ hệ điều hành cũ của mình. Tuy nhiên với Microsoft, tất cả sản phẩm phải gắn với Windows và câu hỏi đầu tiên luôn là: "Lợi nhuận đâu?"
Cục nợ "công thần"
Nhà sáng lập Jensen Huang của Nvidia từng than phiền về những "công thần" lười biếng khi giá cổ phiếu của hãng tăng mạnh vì AI. Tuy nhiên điều này đã từng diễn ra với chính Microsoft trong lịch sử khi mọi nhân viên chỉ tìm cách tăng doanh thu để đẩy giá cổ phiếu lên, qua đó làm giàu cho chính mình nhờ cổ phiếu thưởng.
Hậu quả là khi Microsoft không có sản phẩm đột phá và thị trường chứng khoán đổ bể, tập đoàn này hiện nguyên hình là kẻ đi sau trong cuộc đua công nghệ.
Năm 2001, bong bóng dotcom nổ ra và Microsoft mất 50% tổng vốn hóa thị trường. Cổ phiếu thưởng của tập đoàn không còn là cách làm giàu nhanh chóng và xung đột bắt đầu diễn ra.
Để tiết kiệm chi phí, Microsoft bắt đầu cắt giảm nhiều khoản phúc lợi, tương tự như những gì Google, Facebook hay Amazon đã từng làm trong năm 2023.
Đây là thời điểm mà nhiều nhân viên nhận ra sự bất công khi vô số công thần, nhà quản lý đi làm chỉ có họp và ngồi chơi nhưng lại hưởng mức lương cao ngất, trong khi đội ngũ kỹ sư- nhân viên làm việc vất vả lại đối mặt nguy cơ sa thải cũng như cắt phúc lợi.
Vậy là ngày càng nhiều nhân viên không muốn sáng tạo nữa mà chỉ chăm chú đấu đá nội bộ lên làm sếp, và Microsoft từ ông vua làng công nghệ với các sáng tạo đột phá trở thành tập đoàn với những quản lý chỉ biết đấu tranh vụ lợi.
Satya Nadella
Đứa con tinh thần của Bill Gates có lẽ sẽ chẳng lấy lại được vinh quang thuở nào nếu Satya Nadella không lên nắm quyền vào năm 2014. Vị CEO này đã có những bước đi cực kỳ mạnh tay khi đóng cửa bộ phận phát triển phần mềm cho Windows Phone, sa thải hàng nghìn người, đuổi việc dàn lãnh đạo công thần vô công rồi nghề.
Bản thân ông Nadella nhận thức rất rõ rằng thứ làm nên thành công cho Microsoft thuở nào là công nghệ và sự đột phá sáng tạo. Bởi vậy đế chế này đã đầu tư mạnh tay cho hàng loạt dự án mới, bất kể có thành công hay không thì chúng cũng tạo ra cơ hội mới để Microsoft không bỏ lỡ xu thế.
Chính CEO Nadella là người đã tích cực rót vốn cho mảng điện toán đám mây, qua đó biến Azure của Microsoft thành nền tảng điện toán đám mây lớn thứ 2 trên thị trường sau AWS của Amazon.
Thế rồi vị doanh nhân này cũng khéo léo giúp tập đoàn tránh được các vụ kiện chống độc quyền, những phiên điều trần mà Google, Facebook, Amazon hay Apple phải thực hiện.
Nếu trước đây Microsoft bỏ lỡ xu thế smartphone và máy tính bảng thì lần này CEO Nadella lại không bỏ lỡ AI. Năm 2019, hãng đổ 10 tỷ USD cho OpenAI phát triển ChatGPT và nhanh chóng trở thành tập đoàn dẫn đầu thị trưởng ở công nghệ AI.
Bất chấp Google có cố gắng phát triển những ứng dụng tương tự để cạnh tranh thì không có sản phẩm nào đủ sức đem lại trải nghiệm như chatbot của Microsoft. Với vị thế dẫn đầu, lợi nhuận của Microsoft trong quý IV/2023 đạt 21,9 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Về phía Apple, hãng hầu như chưa cho ra mắt được một sản phẩm thực sự mang tính đột phá nào kể từ iPhone. Dù CEO Tim Cook đã đưa tổng vốn hóa của nhà táo khuyết lên mức đỉnh sau khi Steve Jobs qua đời nhưng việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đang đe dọa đến lợi nhuận của hãng.
Tồi tệ hơn, việc Apple lâm vào vết xe đổ của Microsoft đang ngày càng hiện hữu, khi các cổ đông chỉ quan tâm đến lợi nhuận và giá cổ phiếu mà quên đi rằng chính công nghệ, sự đột phá sáng tạo mới là chìa khóa đem lại thành công trường tồn cho doanh nghiệp.
*Nguồn: Tổng hợp