Ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an ra kết luận điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, chuyển sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố ông Quốc Anh với khung hình phạt tù từ 10 đến 15 năm, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Cùng tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và khung hình phạt đề xuất, C03 cũng đề nghị truy tố 7 bị can gồm: Nguyễn Ngọc Hiền, cựu phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, cựu trưởng phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Lý Thị Ngọc Thủy, cựu phó phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS; Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS; Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS); Phạm Minh Dung, cựu tổng giám đốc Công ty VFS.
Bệnh viện Bạch Mai hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Giám đốc Quốc Anh muốn phát triển khoa ngoại nên thành lập một số khoa như Phẫu thuật thần kinh; Chấn thương chỉnh hình và Cột sống.
Biết chủ trương này của bệnh viện, Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch Công ty BMS đến gặp ông Quốc Anh, mời chào cung cấp loại robot Rosa phục vụ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng; loại robot Mako giá 44 tỷ đồng. Tuấn nói vì thủ tục của Bộ Y tế phức tạp, thay vì bán thì thương thảo bệnh viện để liên doanh.
Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Quốc Anh đồng ý việc này dù chưa thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn bệnh viện. Ông còn chỉ đạo Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền cùng Phòng Tài chính kế toán hoàn thiện các thủ tục để liên doanh với BMS.
Từ tháng 1/2017, hai bên ký đề án xã hội hóa, trang bị hai loại robot phẫu thuật nói trên và robot Rosa được xác định giá 39 tỷ đồng. Thời điểm này, BMS chưa nhập sản phẩm. Để hợp thức hóa, các bị can thuộc Công ty thẩm định giá VFS đã phát hành chứng thư trái quy định.
Giám đốc Tuấn khai tổng giá trị hệ thống robot Rosa là 7,4 tỷ đồng. Nhưng bằng thỏa thuận, thống nhất với ông Quốc Anh, giá được hợp thức thành 39 tỷ đồng. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng xác định giá trị robot Rosa (bao gồm giá vốn nhập khẩu, chi phí, lợi nhuận, thuê) là hơn 11 tỷ đồng.
Nhà chức trách cho biết chi phí phẫu thuật bằng robot là hơn 6,6 triệu đồng với mỗi bệnh nhân nhưng Bệnh viện Bạch Mai và BMS đã thu mức hơn 23 triệu đồng.
Từ tháng 2/2017 đến tháng 5/2020, bệnh viện sử dụng robot này để phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu gần 23 tỷ đồng. Bệnh viện thanh toán chi phí liên quan cho BMS liên quan 551 ca bệnh. Tổng số tiền Tuấn và công ty nhận sai quy định của 551 bệnh nhân là trên 9 tỷ đồng.
Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai liên hệ, trả số tiền chênh lệnh nói trên cho 86 người bệnh. Bị can Tuấn đã nộp 10 tỷ đồng để trả tiền chênh lệnh 16,5 triệu đồng mỗi ca cho 551 trường hợp.
Ông Quốc Anh bị cáo buộc giữ vai trò chính khi gây thiệt hại cho người bệnh, làm lợi cho Công ty BMS và nhóm lợi ích của Bệnh viện Bạch Mai. Các bị can còn lại giúp sức.
Theo cơ quan điều tra, ông Quốc Anh thừa nhận không tuân thủ quy định khi liên kết với BMS do không có văn bản giữa Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn bệnh viện về thống nhất chủ trương và lựa chọn đối tác. Thời điểm ký hợp đồng, BMS không có hồ sơ nhập khẩu, mua bán robot, tờ khai nhập khẩu làm căn cứ xác định nguyên giá thiết bị nhưng ông vẫn ký và phê duyệt cơ cấu giá dịch vụ 36 triệu đồng/ca, trong đó việc xác định chi phí khấu hao hơn 23 triệu đồng/ca là không có căn cứ.
Mục đích ký liên doanh, liên kết với BMS để Bạch Mai thu hút được nhiều bệnh nhân hơn, tạo thu nhập tăng thêm cho bác sĩ và phần lợi nhuận bệnh viện được hưởng, trong đó có cá nhân. Với số tiền nhận từ Tuấn, gia đình ông đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền 100.000.000 đồng và 10.000 USD vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.
Trong quan hệ với Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn năm 2017-2019, vào dịp tết âm lịch, Tuấn khai biếu cho Phó giám đốc Hiền mỗi lần 50 triệu đồng, tổng cộng 150 triệu đồng (phù hợp với lời khai của bị can Hiền); chỉ đạo thuộc cấp đưa tiền biếu Trưởng phòng tài chính kế toán kiêm Kế toán trưởng Bạch Mai Trịnh Thị Thuận vào các dịp lễ, tết hoặc khi chuyển chứng từ thanh toán, mỗi lần 5 hoặc 10 triệu đồng.
Giám đốc BMS khai việc chi tiền cho bị can Quốc Anh, Hiền và Thuận là để duy trì mối quan hệ, "ngoại giao" với lãnh đạo bệnh viện, giúp thúc đẩy triển khai đề án. Tuấn chủ động đưa tiền, không thỏa thuận, hứa hẹn trước, cũng không có yêu cầu từ phía những người này. Đây là tiền cá nhân của Tuấn.
Cơ quan điều tra cho rằng việc đưa và nhận tiền không có tài liệu, ghi chép, không có người chứng kiến. Kết quả đối chất giữa các bị can không làm rõ được số tiền đưa và nhận, do đó chưa đủ căn cứ để xử lý các bị can về hành vi đưa và nhận hối lộ.
Ông Quốc Anh, 62 tuổi, từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng trường Cao đẳng y tế Bạch Mai; Phó trưởng khoa Y - Dược trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó trưởng Bộ môn Gây mê hồi sức đại học Y Hà Nội; Trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Bạch Mai.
Xem thêm: lmth.2356624-iam-hcab-neiv-hneb-cod-maig-uuc-auc-coub-oac-ib-mahp-ias/ten.sserpxenv