Theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), các tàu của Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện tại đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và khu vực xung quanh từ đầu năm 2019, trái ngược với tuyên bố gần đây của Bắc Kinh rằng các tàu này chỉ đang trú ẩn trong khu vực, tờ South China Morning Post ngày 22-4 đưa tin.
AMTI, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) chuyên theo dõi lịch sử hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của các tàu Trung Quốc, đã xác định thông tin của 14 tàu Trung Quốc trong các bức ảnh và video do lực lượng tuần duyên Philippines quay tại đá Ba Đầu.
Các tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: MAXAR
Theo AMTI, 14 tàu Trung Quốc, đều đến từ tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, lần đầu tiên bị phát hiện có hoạt động tuần tra tại cụm Sinh Tồn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), trong đó có đá Ba Đầu, vào đầu năm 2019. Trong số các tàu này, chín tàu đã bị phát hiện trong AIS nhiều lần tại đá Ba Đầu.
“Cũng như các đợt triển khai lực lượng dân quân khác, hành vi của các tàu này không thể giải thích bằng lý do thương mại. Hầu hết đã ở lại khu vực này trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng, neo đậu thành từng cụm mà không tham gia vào bất kỳ hoạt động đánh bắt nào” - báo cáo của AMTI hôm 21-4 viết.
“Nhiều tàu cá đúng ra phải chuyển sang hoạt động đánh cá. Chính bầu trời quang đãng đã phủ nhận lý do ban đầu của đại sứ quán Trung Quốc tại Manila rằng các tàu nước này đang phải đối mặt một cơn bão” - báo cáo nêu rõ.
Trong báo cáo, AMTI xác định năm trong số sáu tàu Trung Quốc bị buộc vào nhau tại đá Ba Đầu là thành viên của hạm đội Yuemaobinyu được đăng ký tại cảng Bohe ở TP.Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông.
Trước đó, hạm đội Yuemaobinyu hồi năm 2019 đã thu hút dư luận quốc tế khi một trong những chiếc thuyền của hạm đội này, chiếc Yuemaobinyu 42212, đã đâm chìm một chiếc thuyền của Philippines tại bãi Cỏ Rong (phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Trích dẫn hình ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs, AMTI cho biết các tàu Trung Quốc dường như thường xuyên di chuyển qua lại giữa đá Ba Đầu và các khu vực khác tại cụm Sinh Tồn như đá Ken Nan (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
“Số lượng tàu tại đá Ba Đầu đã thay đổi trong khoảng thời gian này, nhưng không bao giờ hoàn toàn biến mất” - báo cáo nêu rõ, trích số liệu chưa đầy đủ từ tháng 2-2020 đến ngày 11-4. Số liệu này cho thấy mức đỉnh điểm là vào tháng 11-2020 khi có tổng cộng 196 tàu Trung Quốc tại cụm Sinh Tồn, trong đó có 129 tàu tại đá Ba Đầu.
Tình hình căng thẳng tại khu vực đá Ba Đầu tiếp tục leo thang kể từ khi Philippines hồi đầu tháng 3 báo cáo sự hiện diện của hơn 200 tàu Trung Quốc tại khu vực này.
Bắc Kinh khẳng định các tàu nước này là “tàu đánh cá dân sự đang trú ẩn vì thời tiết xấu”, cũng như "không có kế hoạch" hiện diện mãi tại khu vực này.
Báo Inquirer dẫn lời ông Hermogenes Esperon - cố vấn An ninh Quốc gia Philippines - hôm 21-4 cho biết ít nhất 10 tàu Trung Quốc vẫn đang neo đậu trong khu vực, theo báo cáo từ một cuộc tuần tra hàng hải của Philippines hôm 20-4.
Sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong khu vực đã dấy lên lo ngại về việc liệu Bắc Kinh có triển khai lực lượng dân quân biển để giành quyền kiểm soát vùng biển tranh chấp hay không.
Hôm 19-4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lần đầu tiên lên tiếng về vụ việc đá Ba Đầu, nói rằng ông "không quan tâm lắm" đến việc đánh bắt cá nhưng đã sẵn sàng cử quân đội để "đưa ra yêu sách" về dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản ở Biển Đông mặc dù "điều này sẽ đẫm máu".