Khoảng 6 giờ ngày 23-4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.784 USD/ounce, giảm 10 USD/ounce so với cùng thời điểm hôm trước.
Giá vàng thất bại trước mức cản 1.800 USD/ounce đã phần nào gây thất vọng không ít nhà đầu tư. Nguyên nhân chính là sau khi xuống còn 1,55%/năm, lãi suất trái phiếu Mỹ đã tăng lên 1,57%.
Nhiều người tập trung mua trái phiếu Mỹ khiến dòng tiền chảy vào thị trường vàng giảm sút, tác động tiêu cực đến giá vàng. Số khác thì bán vàng, chuyển dịch một phần vốn vào trái phiếu khiến giá vàng có lúc mất đi 20 USD/ounce.
Trong khi đó, Mỹ công bố dữ liệu kinh tế tốt lên, nhất là số lượng người thất nghiệp giảm mạnh so với dự báo. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất cơ bản 0%, tiếp tục thu mua các loại tài sản có giá mỗi tháng 20 tỉ euro nhằm hỗ trợ nền kinh tế các quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro vượt qua Covid-19.
Với các thông tin này, đồng USD tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác. Giá vàng vì thế gặp bất lợi. Mặt khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đề xuất tăng thuế đối với người giàu, tác động không nhỏ đến chứng khoán Mỹ.
Theo đó, giới đầu tư trên Phố Wall mạnh tay bán cổ phiếu khiến các chỉ số Dowjones "bốc hơi" 321 điểm, S&P 500 giảm 38 điểm và Nasdaq tiêu tan 131 điểm. Có thể, họ đã dồn vốn vào USD giúp đồng tiền này tăng giá hơn nữa. Từ đó, giá vàng tăng thêm áp lực đi xuống.
Giao dịch trên thị trường cho thấy trong ngày 22-4, giá vàng có nhiều giờ liên tiếp đứng vững ở mức 1.795 USD/ounce. Tuy nhiên, khi ECB công bố không thay đổi lãi suất cơ bản, USD tăng giá và lãi suất trái phiếu Mỹ đi lên, giới đầu tư vàng đã ồ ạt bán ra. Lập tức, giá vàng quay đầu giảm một mạch 20 USD/ounce, từ 1.795 USD/ounce xuống vùng 1.775% USD/ounce.
Sau đó, tuy giá vàng tăng trở lại nhưng do sức mua rất yếu nên đến 6 giờ ngày 23-4, giá vàng chỉ tăng được 9 USD/ounce cán mức 1.784 USD/ounce.
Trước đó, trong ngày 22-4 giá vàng SJC tại Việt Nam giảm 240.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 55,83 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 6,1 triệu đồng/lượng.