Một số bạn trẻ chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những góc nhìn cởi mở về hình ảnh người thầy và cả những gửi gắm "mong muốn thầy có thể là người truyền cảm hứng cho gen Z":
* Võ Lập Phúc (Trường đại học Sư phạm TP.HCM):
Người thầy hài hòa yếu tố truyền thống lẫn hiện đại
Được học tập, rèn luyện và từng bước trưởng thành trong nền giáo dục nước nhà, tôi luôn tự hào với các giá trị truyền thống của giáo dục Việt Nam.
Song, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi không ngừng trong mọi lĩnh vực của đời sống, giáo dục, vì vậy cũng đón nhận những làn sóng cải cách không ngừng.
Việc này phần nào nâng cao chất lượng dạy và học phù hợp với xã hội hiện đại.
Với tôi, người thầy lý tưởng của thời đại mới cần biết kế thừa truyền thống, giữ gìn tác phong sư phạm nhưng cũng linh động thích nghi với thay đổi. Tôn trọng giá trị nhân văn nhưng nên kiến thiết góc nhìn cởi mở, đa dạng, thấu cảm với người học.
* Bùi Nguyễn Minh Hạnh (lớp 10 chuyên hóa, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM):
Không chỉ dạy kiến thức mà còn là người bạn truyền cảm hứng
Tôi nghĩ như bao công việc khác, nghề giáo vẫn có thể bị thay thế trong thời đại trí tuệ nhân tạo trỗi dậy.
Vì vậy, người thầy lý tưởng không chỉ thuần dạy học, truyền đạt kiến thức mà còn cần là người cố vấn, người truyền cảm hứng cho học trò.
Đây là những điều trí tuệ nhân tạo không thể làm được.
Cùng với kiến thức chuyên môn tốt, việc giảng dạy sẽ hiệu quả hơn khi thầy cô cập nhật công nghệ hay trí tuệ nhân tạo.
Khi có sự hiểu biết nhất định về điều này, thầy cô sẽ góp phần cải thiện điểm yếu phổ biến ở các bạn gen Z, giúp học sinh học tập trung và hiệu quả hơn.
* Châu Thiên Phúc (sinh viên, vận động viên bóng rổ):
Tạo điều kiện để gen Z cải thiện thể chất
Tôi có đam mê lớn với thể thao nên mong nhà trường và các thầy cô tạo nhiều điều kiện để chúng tôi vừa học tập vừa hoạt động thể chất. Có sức khỏe giúp chúng ta học tập hiệu quả, có khả năng đi đường dài, tư duy cũng sáng suốt hơn.
Trong bối cảnh kiến thức có thể kiếm được khá dễ trên mạng (thậm chí miễn phí), tôi mong thầy cô không ngừng đổi mới cách giảng dạy, sao cho buổi học sinh động hơn, tạo cơ hội cho người học thể hiện năng lực bản thân, cải thiện tư duy phản biện.
Thực tế, những kỹ năng này được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao.
* Đỗ Thu Hiền (Trường đại học Công nghệ TP.HCM):
Giúp người học tư duy đa chiều
Tôi may mắn được học với nhiều thầy cô có cách thức giảng dạy sáng tạo, cấp tiến, nhiều thực hành, ít lý thuyết. Chính cách truyền đạt đầy thực tế của thầy cô giúp tôi đạt được vài thành tích nho nhỏ trong thời gian ở giảng đường.
Dẫu vậy, tôi vẫn mong người thầy lý tưởng tạo cơ hội để sinh viên học được cách tư duy đa chiều, có thêm các kỹ năng hòa nhập với xu thế xã hội. Nếu được trang bị từ những năm phổ thông sẽ càng hiệu quả cho người học.
Nhưng nghề giáo hiện vẫn có mức thu nhập chưa tương xứng, đối mặt với áp lực ngày một lớn từ mạng xã hội, cả cái nhìn khắt khe của xã hội.
Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta hãy dành tình cảm, sự chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần để người thầy bước lên bục giảng trong trạng thái cân bằng, nồng nàn nhất. Tôi tin chất lượng bài giảng, tình yêu nghề nhờ đó cũng có sự cải thiện đáng kể.
Trường tiểu học Hai Bà Trưng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vừa đăng tải thư ngỏ của hiệu trưởng mong được nhận thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn thay vì hoa, quà ngày 20-11.