Hạn chế đầu cơ đất bằng giải pháp "đánh thuế"
Theo HoREA, trong 15 năm gần đây, thị trường bất động sản đã phát triển vượt bậc, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững.
Kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.
Thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới "đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương" thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng "tâm lý đám đông - hám lợi", cài "chim mồi" giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội "đục nước béo cò", trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, "chống lưng" của cán bộ cơ sở.
Khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân lướt sóng theo đám đông do thiếu vốn phải vay với lãi suất cao, lại không có đủ thông tin và kỹ năng, nên đã sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, "trắng tay". Nhiều khu đất trở thành hoang hóa. Giá đất ở một số địa phương bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.
Trước tình trạng này, HoREA đề xuất các giải pháp giúp hạ nhiệt sốt đất và giúp thị trường bước vào chu kỳ phát triển ổn định, bền vững hơn. Phương án đầu tiên được nhắc đến là sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản.
Thứ nhất, HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" của nhà đầu tư "lướt sóng". Phương án này khiến người mua không còn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng, trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng "bong bóng".
HoREA cũng đề xuất xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 03 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường. Như vậy, sắc thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.
Hiệp hội đề xuất nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ, thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.
Sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân.
Bên cạnh đó, người chậm đưa đất vào sử dụng cũng cần phải đánh thuế cao. Hiện nay, pháp luật về đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng, chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vì khả năng lợi nhuận thu được sau này sẽ thừa bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung.
Do vậy, theo HoREA, cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí "găm giữ" đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.
Không để tình trạng 1 người đi vay mua 2-3 nền đất cùng lúc
Ngoài phương pháp đánh mạnh vào thuế, HoREA đề xuất phương án thứ 2 là nên có phương pháp sử dụng hiệu quả công cụ tiền tệ - tín dụng.
Thứ nhất, cần xem xét nâng lãi suất tái cấp vốn, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm ngay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn để cắt cơn sốt "bong bóng" bất động sản, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng vào thời điểm tháng 02/2008 và tháng 02/2011, thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, siết tín dụng bất động sản, nâng lãi suất cơ bản lên 14%/năm, dẫn đến lãi suất cho vay lên 21-25%/năm, đã cắt ngay cơn sốt "bong bóng". Nhưng hệ quả không mong muốn là chính sách này đã đẩy thị trường bất động sản ngay lập tức rơi vào tình trạng "đóng băng".
Năm 2013, để phá thế bị "đóng băng" của thị trường bất động sản, cũng bằng công cụ tín dụng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (chủ yếu là kích cầu tiêu dùng) đã xử lý được 56.180 căn nhà tồn kho, xử lý được hơn 28.000 tỷ đồng nợ xấu bất động sản, hỗ trợ cho 56.180 người mua được nhà ở và hỗ trợ để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2014 cho đến nay.
Từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực có rủi ro cao, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Theo đó, đến ngày 01/10/2023, các ngân hàng thương mại chỉ còn được sử dụng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Trong quý 1/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 3% cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, chỉ tăng 2,93%, nên Ngân hàng Nhà nước đang bám sát tình hình thị trường và có thể "siết" nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.
Ngoài ra, HoREA cũng đề xuất sử dụng biện pháp giảm tỷ lệ cho vay tín dụng mua bất động sản để kiểm soát đầu tư "lướt sóng".
Hiện nay, ngân hàng cho vay tối đa đến 70% giá trị hợp đồng mua bất động sản. Khi xảy ra đầu cơ, sốt nóng "bong bóng" bất động sản, Ngân hàng Nhà nước có thể tham khảo cách làm của một số nước, như có thể xem xét giảm ngay tỷ lệ cho vay xuống còn 50%, thậm chí chỉ còn 35%, để ngăn chặn đầu cơ, "lướt sóng".
Ví dụ: Với số vốn 1 tỷ đồng và được vay tín dụng 70% giá trị hợp đồng, nên nhà đầu tư có thể vay được đến 2,1 tỷ đồng để "lướt sóng" cùng lúc 3 nền (hoặc 3 căn hộ) có giá 1 tỷ đồng/căn/nền. Nếu giảm tỷ lệ vay, thì chỉ "lướt sóng" được 1-2 căn/nền mà thôi.
Đối với "tín dụng tiêu dùng" cũng được đề xuất kiểm soát chặt để ngăn chặn việc chuyển một phần nguồn vốn vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà, để "lướt sóng" khi thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng".
Theo HoREA, tỷ trọng vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà để ở chiếm khoảng 13% tín dụng tiêu dùng, nhưng khi thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng", thì sẽ có một phần vốn không nhỏ được sử dụng để "lướt sóng".
Do vậy, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm soát việc sử dụng vốn vay tiêu dùng đúng mục đích vay, để góp phần phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.
Hạ Vy
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.33632638032401202-tad-tos-teihn-ah-pahp-iaig-cac-taux-ed-mchpt-sdb-ioh-peih/nv.zibefac