Hành khách thực hiện thủ tục kiểm tra an ninh, soi chiếu hành lý tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Giải quyết sự tắc nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ khó ở cơ sở hạ tầng. Đừng đổ lỗi cho sự gia tăng đột biến. Cái khó, cái rối do con người. Đừng đổ lỗi, cần gỡ rối bằng sự chủ động, linh hoạt hơn từ nhiều phía.
Cảnh người đông như nêm tại sân bay nơi đâu cũng thế, nước nào cũng vậy, trừ những vùng hẻo lánh. Khách cần phải ra sân bay trước vài giờ vào mùa cao điểm ai cũng phải biết, không chỉ ở Việt Nam. Bất thường chỉ xảy ra khi hệ thống điều hành sân bay để mặc mọi việc diễn ra lộn xộn, chen chúc nhiều ngày giữa mùa dịch bệnh.
Sự rộng lớn, chằng chịt của sân bay Seoul hay Hong Kong, Paris, Berlin chưa bao giờ khiến tôi hoảng sợ vì chẳng biết phải đi đâu. Mọi thứ đều có bảng hướng dẫn cả cố định lẫn tạm thời, bảng điện tử lớn ngay cổng chính, các khu vực giúp hành khách tự tìm đúng nơi.
Đừng nghĩ nước ngoài thì được trang bị xịn hơn ta, cái hơn lớn nhất ở đây là chất lượng dịch vụ, con người điều phối - cung cấp dịch vụ. Họ luôn có thêm khu vực dự phòng cho những khi đông khách.
Nói về những nhân viên an ninh, từ Âu đến Á, hiếm có người nào tỏ ra thân thiện. Họ soi xét kỹ, chăm chăm nhìn giấy tờ, máy soi, nhắc nhở hành khách vì việc của họ là đảm bảo an toàn quốc gia. Họ có thể không vồn vã nhưng luôn trả lời ngắn gọn, đầy đủ ý nếu có ai đó thắc mắc. Và ít khi nói chuyện phiếm với nhau trong ca trực hay rời vị trí khi khách đang đứng đợi.
Khi khách đông, ngay lập tức điều phối nhân viên để mở thêm làn, thêm cửa. Ở những đợt cao điểm như Giáng sinh, năm mới, đành phải chờ lâu hơn nhưng không "kẹt cứng ngắt" là nhờ khả năng điều phối và tổ chức linh hoạt, sự tắc nghẽn được giải tỏa nhanh nhất có thể.
Còn ở ta, lắm khi khách có thể xếp hàng rồng rắn nhưng khu vực kiểm soát an ninh hay làm thủ tục vẫn không tăng số quầy/cổng. Nhân viên vẫn thủng thẳng nhấp một ngụm nước, nói với nhau về cuộc nhậu đêm qua... Cái tâm thế "bình chân như vại" của nhân viên, đặc biệt khu an ninh khiến hành khách có thể trở nên nóng tính hơn.
Nói đi cũng phải nói lại. Thực tế có không ít hành khách không tuân thủ đầy đủ những yêu cầu trước chuyến bay, thường bỏ qua không tìm hiểu hoặc nghĩ không quan trọng nên bỏ qua, cho tới khi đụng chuyện.
Ví dụ như chuyện khai báo y tế, từ đầu mùa dịch đã là chuyện ai cũng phải làm thì nên làm trước. Không in được ra giấy thì chụp lại màn hình. Hay việc nếu mang theo máy tính xách tay, đồng hồ, bóp, thắt lưng... thì trước khi bước lên đưa giấy tờ cho nhân viên an ninh kiểm tra, bạn đã nên cầm máy tính trên tay, những món khác cho vào túi để lúc sẵn sàng cho hành lý vào máy quét.
Mỗi người tiết kiệm chừng 2 phút bằng thao tác chuẩn bị trước, hàng trăm người đã có thể đi qua khu vực nóng này nhanh hơn vài chục phút. Chuyện tay xách nách mang những túi nho nhỏ cũng khiến bạn làm chậm quy trình chung.
Nếu bạn đi cùng người già hay trẻ nhỏ, cần chủ động làm thủ tục online và tìm đến nhân viên hãng máy bay đề nghị được làm thủ tục ưu tiên. Song song đó, các hãng máy bay, đại lý vé đừng bỏ mặc khách hàng của mình sau khi thu tiền vé.
Hãy nhắc nhở thời gian check in, chuẩn bị các giấy tờ liên quan. Có thể họ thông qua email, tin nhắn để cập nhật tình hình nhằm giúp giảm tải, hạn chế áp lực của một lượng lớn người đến sân bay vào một thời điểm.
Điều gì gây thất vọng ở sân bay Tân Sơn Nhất?
Cách đây vài ngày, tôi có chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất. Khi tôi đang xếp hàng ở quầy thủ tục check-in của sân bay, bỗng có đôi vợ chồng trẻ bế đứa con nhỏ hớt hãi chạy đến đòi lại hành lý. Chuyến bay của họ đã cất cánh trong khi họ đang kẹt ở khu vực làm thủ tục kiểm tra an ninh sân bay. Hành lý đã "bay" nhưng chủ nhân nó thì ở lại.
Cô vợ trẻ có phân trần: "Chúng em ra sớm hơn 2 tiếng, có số ghế rồi, đến khi qua cửa an ninh xong người ta nói máy bay đã đóng cửa".
Trên những chuyến bay khác sau đó tôi lại thấy cảnh nhân viên các hãng bay đi tìm những vị khách đang kẹt trong xếp hàng dài ở khu soi chiếu hành lý. Nếu những khách có chuyến bay sát giờ, họ sẽ được dẫn sang một line ưu tiên, nhưng line này cũng dài sọc, qua được thì phải "phóng" thật nhanh ra cửa lên máy bay mới kịp.
Từng đi nhiều sân bay, tôi thấy việc xếp hàng hay quá tải ở khu kiểm tra an ninh không phải quá mới. Nhiều sân bay quốc tế còn kiểm tra gắt gao hơn, nhưng khách vẫn vui vẻ xếp hàng chờ. Vậy tại sao tình trạng ùn ứ ở Tân Sơn Nhất lại gây nên một luồng tức giận trong công chúng? Về nguyên tắc kẹt đâu thì gỡ đó nhưng với thực trạng của sân bay Tân Sơn Nhất, mọi thứ không chỉ như vậy.
Chúng ta chỉ bắt đầu bước vào mùa đi lại cao điểm, nhưng nhu cầu đi lại hiện nay sẽ không thể cao hơn vào dịp Tết Nguyên đán.
Điều khiến nhiều hành khách bất bình là sự bình thản đến kỳ lạ của lực lượng an ninh ở khu vực soi chiếu. Tôi nghĩ nếu họ nhiệt tình hơn một chút sẽ rút ngắn được thời gian làm thủ tục.
Các hãng hàng không nháo nhào tìm từng khách cho đủ chuyến bay, công ty du lịch cũng nghĩ đủ cách để kéo khách ra khỏi nhà nhưng sân bay tắc nghẽn, vậy thì đành mất khách. Người nhà của tôi đã quyết định bỏ chuyến bay đi Đà Lạt và chuyển sang đi xe đò cho tiện.
Tình trạng chen chúc này tạo ra nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, khó thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu 5K. Trong khi tấm bảng yêu cầu khách giữ khoảng cách 2m vẫn còn trong khu vực này. Chúng tôi đã hết sức thất vọng khi đến sân bay Tân Sơn Nhất những ngày qua.
Minh Ngọc (TP.HCM)
TTO - Trước phản ánh của dư luận và người dân về ùn ứ ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) có nguyên nhân quản lý kém, trả lời Tuổi Trẻ, ông Phạm Vũ Cường - phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - nói: do các hãng hàng không...
Xem thêm: mth.76311908032401202-iougn-noc-od-ior-iac-gnat-ah-ohc-od-gnud-yab-nas-o-cuhc-nehc-og/nv.ertiout