Chiều 20/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của TP. Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 là kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII trên địa bàn Hà Nội; là cụ thể hóa văn kiện Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII và 10 chương trình công tác lớn của Thành phố.
Dự thảo kế hoạch của TP. Hà Nội đã qua 4 lần chỉnh sửa, tiếp sau hội nghị hôm nay, Thành phố sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia, các nhà khoa học, xin ý kiến công khai của nhân dân. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu rõ: "Đây là cơ hội để các sở ngành, quận huyện có những góp ý xác đáng, tập hợp được trí tuệ tập thể đóng góp vào kế hoạch phát triển 5 năm tới".
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhận định, giai đoạn 2016-2021, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu NSNN, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, năm 2020 có 06/22 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó 4 chỉ tiêu về kinh tế, dẫn đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế của Kế hoạch 5 năm 2016-2020 không hoàn thành: Tăng trưởng GRDP đạt 6,68% (kế hoạch từ 7,3%-7,8%); GRDP/người đạt 122,74 triệu đồng (kế hoạch từ 126-129 triệu đồng).
Theo dự thảo, đến năm 2025, Thủ đô sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025: 7,5%-8,0%; Cơ cấu kinh tế theo hướng Dịch vụ 65,0%-65,5%, Công nghiệp và xây dựng 22,5%-23,0%, Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4%-1,6%; Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0%-7,5%...
Dự thảo kế hoạch cũng nêu rõ một số cân đối lớn cần đảm bảo. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 1.405 nghìn tỷ đồng. Dự kiến tổng chi ngân sách địa phương khoảng 613,7 nghìn tỷ đồng. Thành phố sẽ từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, phấn đấu đến năm 2025 ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách địa phương; tập trung nguồn lực, bố trí cho chi đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý.
Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cải thiện chỉ số sáng tạo của Thành phố... nhằm nâng cao mức đóng góp trong tăng trưởng. Ưu tiên sử dụng công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường, công nghệ rô-bốt (Robotics), trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ viễn thông 5G, điện toán đám mây, công nghệ tài chính (FinTech), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), in 3D...
PV
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.97203550132401202-man-08-57-pdrg-gnourt-gnat-ueit-cum-tad-ion-ah/nv.zibefac