Công nhân đưa lúa ST24 đi chế biến tại nhà máy của ông Hồ Quang Cua tại thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Nguyễn Văn Bảy - phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN - khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí vào ngày 23-4, liên quan đến câu chuyện thương hiệu gạo ST25 từng đoạt giải ngon nhất thế giới năm 2019 được một số doanh nghiệp tại nước ngoài đăng ký.
Sản phẩm "gạo ST25" không được bảo hộ
"Theo Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, chỉ có thể đăng ký bảo hộ đối với giống lúa ST25, còn gạo ST25 là tên gọi chung một sản phẩm từ giống lúa ST25, vì thế không thể được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào ở Mỹ cũng như tại VN" - ông Bảy khẳng định, đồng thời cho rằng đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan gạo ST25 đã nộp tại Mỹ sẽ bị bác.
Bởi trong quy định của pháp luật các nước, trong đó có Hoa Kỳ, tên gọi chung của sản phẩm/dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu.
"Đối với Hoa Kỳ, theo hướng dẫn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), thẩm định viên sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu: VIETNAM'S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG" - ông Bảy nêu dẫn chứng một đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến gạo ST25 gửi tới USPTO.
Cũng theo ông Bảy, giống lúa ST25 mới là sản phẩm được đăng ký bảo hộ, còn sản phẩm gạo ST25 là loại sản phẩm có tên gọi chung được sản xuất từ giống lúa ST25 nên không được bảo hộ tại Mỹ hay VN cũng như các quốc gia khác.
"Không ai có thể đăng ký độc quyền tên gọi gạo ST25. Gạo ST25 không thể đứng làm nhãn hiệu riêng, theo quy định pháp luật tại VN hay Mỹ cũng vậy" - ông Bảy nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bảy, điều này có thể thấy rõ trong thông báo dự định từ chối ngày 20-11-2020 của USPTO đối với nhãn hiệu "VIETNAM'S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG" theo đơn đăng ký số 90151727 nộp ngày 1-9-2020 của Công ty Transword Foods, Inc.
Theo đó, "ST25 là tên gọi chung của một loại giống cây trồng (lúa), và không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu theo quy định tại mục 1202.12 của quy chế thẩm định nhãn hiệu".
Dấu hiệu ST25 cũng không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại VN, Hoa Kỳ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Nếu trên một nhãn hiệu nào đó được cấp văn bằng bảo hộ có xuất hiện dấu hiệu ST25 cùng với các dấu hiệu khác tạo thành một tổng thể thì dấu hiệu ST25 sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ.
"Trong trường hợp vì lý do nào đó mà dấu hiệu ST25 được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm gạo, các tổ chức, cá nhân liên quan đều có thể phản đối đơn đăng ký này trên cơ sở dấu hiệu "ST25" là tên giống cây trồng, không thể thuộc độc quyền của tổ chức, cá nhân nào" - ông Bảy khẳng định.
Gạo ST25 được bán ở một siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chỉ có thể bảo hộ giống lúa ST25
Giải thích rõ hơn về vấn đề đang gây tranh cãi xung quanh việc đăng ký bảo hộ bản quyền đối với thương hiệu gạo ST25, ông Bảy cho biết: "Giống lúa có tên ST25 đã được cấp bằng bảo hộ số 21.VN.2020 theo quyết định 45/QĐ-TT-VPBH ngày 6-3-2020 của cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT. Chủ bằng bảo hộ là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa là các ông/bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương".
Đây là bằng bảo hộ đối với giống cây trồng, trong trường hợp này là cây lúa giống ST25.
Đối với việc bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm ST25, ông Bảy cho biết theo các quy định hiện hành, gạo là sản phẩm chế biến từ sản phẩm sau thu hoạch (thóc) từ cây lúa. Trong trường hợp Công ty Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 cho nông dân trồng thì sau khi thu hoạch lúa, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là "gạo ST25".
"Các DN thu mua thóc là sản phẩm thu hoạch từ lúa được gieo trồng từ hạt lúa giống ST25 để xay xát và sau đó bán gạo ra thị trường cũng đều phải gọi đó là gạo ST25. Điều đó có nghĩa ST25 là tên của loại gạo là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25" - ông Bảy nói.
Do là tên gọi chung của một loại sản phẩm nên bất kỳ ai kinh doanh sản phẩm (gạo) này cũng đều phải sử dụng đúng tên gọi đó, vì thế Luật sở hữu trí tuệ đã quy định tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu.
Điều đó có nghĩa là trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai, kể cả Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.
Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng đưa ra thị trường sản phẩm gạo ST25, đâu là dấu hiệu phân biệt để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc thương mại của sản phẩm gạo mà mình mua?
"Các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm gạo ST25 ra thị trường dưới nhãn hiệu của riêng mình. Đó là lý do chúng ta có thể mua được gạo ST25 mang nhãn hiệu "Bảo Minh" hoặc gạo ST25 của các doanh nghiệp khác với các nhãn hiệu khác nhau..." - ông Bảy giải thích.
Không nên đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ theo phong trào
Theo ông Lê Ngọc Lâm - chuyên gia sở hữu trí tuệ, ST25 là tên giống lúa, Nhà nước đã bảo hộ độc quyền giống cây trồng cho tác giả, nên sẽ rất khó để trao được thương hiệu này cho ai, kể cả trao lại cho Nhà nước.
Sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra và phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, trừ phi chính doanh nghiệp, chủ sở hữu tuyên bố từ bỏ quyền bảo hộ đã đăng ký, tức là trao lại quyền bảo hộ cho Nhà nước, đó lại là câu chuyện khác. Vấn đề là doanh nghiệp có chấp nhận từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ?
Cũng theo ông Lâm, đây cũng là bài học cho doanh nghiệp trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ với hàng hóa sản phẩm của mình. Bởi trong mọi tình huống, quyền sở hữu trí tuệ, quyền nhãn hiệu... chỉ nhằm bảo vệ sản phẩm hàng hóa được đưa ra thị trường.
Tuy vậy, ông Lâm cho rằng doanh nghiệp cần xác định chiến lược xuất khẩu cho hàng hóa, đi đến thị trường tiềm năng nào thì mới đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu, tránh tình trạng đăng ký tràn lan theo phong trào. Bởi nếu những sản phẩm hàng hóa không xuất khẩu sang thị trường nước ngoài mà vẫn đi đăng ký thì doanh nghiệp sẽ bị mất tiền, tốn kém chi phí.
Ngay cả khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài thành công cũng chỉ là điều kiện cần, bởi luật pháp ở nhiều nước quy định hàng hóa đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó phải được sử dụng trên thị trường, được lưu hành. Nếu doanh nghiệp chỉ đăng ký mà không phát triển sản phẩm trên thị trường, không phân phối, bán hàng, thì cơ quan chức năng sẽ thu lại.
"Nếu doanh nghiệp không có kế hoạch hoặc không đủ sức mạnh vươn ra thế giới mà vẫn đăng ký, trong thời gian nhất định sẽ bị tước lại. Thời hạn này với VN là 5 năm, nhiều nước ở EU là 3 năm. Do đó, nếu đăng ký theo trào lưu mà không dùng là lãng phí" - ông Lâm khuyến nghị.
N.AN
Giống lúa ST25 chỉ mới được cấp quyền bảo hộ tại VN
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, việc bảo hộ của Nhà nước theo bằng bảo hộ giống cây trồng là đối với bản thân lúa giống. Chủ bằng bảo hộ có quyền tự mình hoặc cho phép người khác thực hiện các hành vi nêu trên đối với vật liệu nhân giống (trong trường hợp cụ thể này là hạt lúa giống), không phải là gạo (là sản phẩm chế biến sau thu hoạch).
Tuy nhiên, quyền cấp cho chủ bằng bảo hộ số 21.VN.2020 chỉ có hiệu lực ở VN.
"Quyền bảo hộ thương hiệu đối với giống cây trồng đăng ký ở lãnh thổ (quốc gia) nào chỉ có giá trị ở lãnh thổ đó. Việc có đăng ký quyền bảo hộ tại Mỹ đối với giống lúa ST25 hay không tùy thuộc vào nhu cầu của chủ sở hữu là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị đang là chủ bằng bảo hộ thương hiệu giống lúa này" - ông Bảy cho biết thêm.
TTO - Do không có khả năng kinh doanh xuất khẩu và cũng không am hiểu đầy đủ những luật lệ trong sân chơi quốc tế, 'cha đẻ' gạo ST25 không có đăng ký bảo hộ sản phẩm ở Mỹ và các thị trường lớn khác.
Xem thêm: mth.50740257042401202-52ts-oag-neyuq-nab-yk-gnad-eht-gnohk/nv.ertiout