Quyết định gia hạn thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 được đánh giá là động thái cần thiết nhằm hỗ trợ, tăng sức đề kháng giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Tăng đề kháng cho doanh nghiệp
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng thực tế cho thấy, diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc ở trong nước và trên thế giới. Tình trạng sụt giảm doanh số và các giao dịch thương mại bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ mới đây ban hành Nghị định số 52, theo đó lần thứ 3 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2021 được cộng đồng doanh nghiệp hồ hởi đón nhận. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp được gia hạn thời hạn nộp thuế thời điểm khó khăn như là một liều thuốc tăng sức đề kháng giúp họ có thêm nguồn tài chính duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, qua đó giữ ổn định sự phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 cũng nhận định, các chính sách hỗ trợ về thuế là các chính sách dễ tiếp cận nhất. Hơn 60% doanh nghiệp tư nhân trong nước đánh giá dễ dàng tiếp cận chính sách gia hạn đóng thuế GTGT, gia hạn đóng thuế TNDN và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.
Nhận định này cũng tương tự theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI cho biết, dễ tiếp cận chính sách về thuế đạt gần 60%. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ về thuế gồm hỗ trợ gia hạn nộp thuế và gia hạn nộp thuế đất được các DN đánh giá là hữu ích nhất.
Báo cáo PCI 2020 cho biết, đây là phát hiện khá bất ngờ bởi các chính sách hỗ trợ về thuế TNDN thường bị chỉ trích là chỉ làm lợi cho các DN thành công, vốn đã thừa đủ tiền để nộp thuế TNDN trong khi lại hỗ trợ không đáng kể cho các doanh nghiệp thực sự bị ảnh hưởng về doanh thu và lợi nhuận.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Tuấn Nam - Giám đốc Công ty Cổ phần và Phát triển Thương mại Hoàng Minh - chia sẻ, dịch COVID-19 bùng phát như “cú đấm bồi” khiến doanh nghiệp khó chồng thêm khó. Công ty gặp khó trong vấn đề xoay vòng vốn, trong khi số tiền vay ngân hàng đã quá hạn mức không thể vay thêm. Ông Nam cho rằng, không chỉ công ty ông mà nhiều DN khác thiếu vốn sản xuất kinh doanh khiến họ như “ngồi trên đống lửa”.
Động thái tạo hiệu ứng xã hội tốt
Trong khi đó, ông Trần Đại Nghĩa - Giám đốc Cty CP Đầu tư Aloe Food Factory cho rằng, mặc dù số thuế được gia hạn không nhiều, tuy nhiên chính sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời từ Chính phủ, sự đồng hành của các ngành chức năng, đã động viên, khích lệ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sẵn sàng phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc Chính phủ cho doanh nghiệp được gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất trong lúc doanh nghiệp gặp khó khăn là động thái rất đúng và rất cần thiết.
Theo ông Toàn, làm được việc này không chỉ đơn thuần hỗ trợ cho sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn tạo hiệu ứng xã hội rất tốt. Bởi nếu doanh nghiệp phá sản thì NLĐ mất việc, ảnh hưởng tới nhiều vấn đề xã hội...
Chuyên gia về thuế - TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, nhiều DN rất khó khăn, nhưng vẫn tồn tại và phát triển được thời gian qua cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam. Sức chịu đựng này cũng giúp tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam.
Ông Tú nói rằng, không có gì xúc tiến đầu tư tốt bằng chính những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói tốt cho Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như các quan điểm của Chính phủ đối với nhà đầu tư.
Mở rộng đối tượng hỗ trợ
Nghị định 52/2021 vừa được Chính phủ ban hành đã bổ sung tổ chức, DN, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin.
Ngoài ra, các tổ chức, DN, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế TNDN của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên được thu theo hiệp định, hợp đồng); hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng; sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; thoát nước và xử lý nước thải, cũng là đối tượng được hưởng ưu đãi thuế.
Theo Bộ Tài chính, việc gia hạn này là cần thiết để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021. Như vậy, đây là lần thứ 3 Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Anh Huy