Tại Tây Nguyên, dù mô hình du lịch canh nông là sản phẩm mới, thu hút du khách, cải thiện đời sống cho chủ các mô hình và công nhân viên, góp phần tăng thu ngân sách, nhưng việc thí điểm mô hình này lại nổi lên nhiều vấn đề...
Có tiềm năng, nhưng khó quản lý
Lâm Đồng là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã có hơn 30 tổ chức, cá nhân được công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông”. Tổng vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông khoảng 377 tỉ đồng. Diện tích triển khai các mô hình du lịch canh nông hơn 302ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 212ha, diện tích đất xây dựng khoảng 9ha và diện tích đất khác là 81ha... Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tại các mô hình ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, đại diện Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng thông tin, hiện vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện điểm du lịch canh nông, nên việc quản lý loại hình du lịch canh nông theo Đề án thí điểm gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp. Cụ thể là tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỉ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp...
Một số đơn vị kinh doanh đầu tư du lịch canh nông và nhà đầu tư mới dự án du lịch trong đó có sản phẩm du lịch canh nông còn hạn chế trong việc tìm hiểu các quy định liên quan trong đầu tư nên không thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư dự án du lịch, có dấu hiệu xây dựng công trình trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định...
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Một số mô hình chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ; vấn đề tiếp thị, quảng cáo sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng".
Tại tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch canh nông qua các dự án có quy mô khá lớn. Do thiếu hiểu biết về các quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên một số đơn vị đã bị chính quyền TP.Buôn Ma Thuột ra quyết định xử phạt hành chính, tạm dừng khai thác đến khi được cấp phép.
Cần có cơ chế đặc thù
Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - bày tỏ: Thành phố luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân địa phương đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp sạch, an toàn gắn liền với phát triển du lịch trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất hằng năm. Tuy nhiên, làm du lịch canh nông hiệu quả, phải tiến hành theo các bước theo quy định.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý chủ trương cho Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan xây dựng đề án "phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk" đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 nhằm hoạch định, vạch ra một chiến lược phát triển du lịch canh nông một cách bài bản, rõ ràng để mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh.
Riêng tại Lâm Đồng, từ thực trạng nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành quy chế tạm thời để quản lý. Theo đó, các tổ chức khi sử dụng đất vào mục đích xây dựng các công trình du lịch tại điểm du lịch canh nông phải lập dự án đầu tư theo quy định. Điểm du lịch canh nông phải có diện tích tối thiểu 5.000m2 (đối với thành phố Đà Lạt) và 10.000 m2 (đối với các huyện và thành phố Bảo Lộc), đồng thời diện tích này được xác định theo phê duyệt tổng thể mặt bằng của một điểm du lịch canh nông.
Gia Lai đang là tỉnh lớn duy nhất trong vùng Tây Nguyên chưa tập trung đầu tư phát triển du lịch canh nông như ở Lâm Đồng hay Đắk Lắk. Tuy nhiên, với những lợi thế sẵn có như các nhà máy chế biến, xuất khẩu thực phẩm lớn như Công ty Đồng Giao; nhà máy chè Biển Hồ, Bàu Cạn; trang trại nông sản của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; trại bò Úc huyện Kbang, Kông Chro… Du khách đến tham quan mảnh đất này có thể ghé thăm các địa điểm này, để hiểu rõ hơn quy trình khắt khe, tiêu chuẩn để tạo ra sản phẩm nông sản sạch, thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thanh Tuấn
Xem thêm: odl.367109-oan-ehc-oc-oeht-yl-nauq-neyugn-yat-o-or-on-gnon-hnac-hcil-ud/et-hnik/nv.gnodoal