Luật sư Nguyễn Văn Hậu trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: ĐAN THUẦN
Ngày 24-4, Hội trọng tài thương mại TP.HCM cùng Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam và Mạng lưới nữ lãnh đạo quốc tế (WLIN) tổ chức hội thảo "Quy định pháp luật và thực tiễn giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam".
Hoạt động M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hay mua lại cổ phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác.
Trình bày tham luận tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu (chủ tịch Hội trọng tài thương mại TP.HCM) cho biết M&A là hoạt động phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực từ quản trị doanh nghiệp, tài chính cho đến pháp lý… Vì vậy, sự thành công của các thương vụ M&A luôn là một bài toán khó và tạo ra những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt.
Luật sư Hậu lưu ý với các doanh nghiệp khi tiến hành mua bán, sáp nhập cần tìm hiểu kỹ và thống nhất về phương án sử dụng người lao động, tài chính công nợ, sở hữu trí tuệ… do đây là những nguyên nhân dễ dẫn đến tranh chấp hậu sáp nhập. Và khi xảy ra tranh chấp, các doanh nghiệp nên cân nhắc chọn trọng tài thương mại để giải quyết thay vì tòa án.
"Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, tương đương với tòa án. Trọng tài thương mại có cơ chế để được đảm bảo thi hành án giống như bản án, quyết định của tòa. Đặc biệt, phán quyết của trọng tài thương mại tại Việt Nam được công nhận tại hơn 140 nước trên thế giới" - luật sư Hậu phân tích.
Cũng theo luật sư Hậu, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có nhiều ưu điểm như: thời gian giải quyết nhanh hơn, thủ tục gọn hơn (chỉ xử 1 lần thay vì xử nhiều cấp: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm). Các bên tranh chấp có thể trực tiếp chọn trọng tài viên và chọn địa điểm giải quyết tranh chấp (trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam). Hơn nữa, phán quyết của trọng tài có hiệu lực thi hành ngay.
"Khi đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt nên cố gắng giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài tại Việt Nam để được giải quyết nhanh gọn, chi phí rẻ và dễ thi hành án.
Và nếu bị kiện ra trung tâm trọng tài, doanh nghiệp nên theo vụ kiện để đảm bảo quyền lợi bởi luật trọng tài thương mại cho phép hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trong trường hợp bị đơn không theo vụ kiện" - luật sư Hậu lưu ý.
Các luật sư, luật gia tư vấn, giải đáp thắc mắc từ các doanh nghiệp - Ảnh: ĐAN THUẦN
Luật sư Vũ Trọng Khang - phó chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại TP.HCM - cho biết thêm trong khi tòa án chỉ xét xử trong phạm vi lãnh thổ quốc gia thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại là không biên giới.
"Khi có thỏa thuận của trọng tài thương mại thì tòa án sẽ không thụ lý giải quyết tranh chấp. Và với phương thức trọng tài, các bên có thể thỏa thuận chọn luật áp dụng. Ví dụ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc tranh chấp, hai bên có thể thỏa thuận chọn luật Anh, Hoa Kỳ, Singapore… để giải quyết" - luật sư Khang nói thêm.
TTO - Liên quan đến vụ doanh nghiệp Việt kiện nhà đầu tư Anh ra Tòa trọng tài thương mại quốc tế ICC mà Tuổi Trẻ Online đã thông tin, mới đây nhà đầu tư này đã phản hồi thông tin đến tòa và một số cơ quan báo chí.