Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đoàn chuyên gia đi khảo sát Cần Giờ trước khi vào cuộc trao đổi - Ảnh: TIẾN LONG
Trước đó, cũng đích thân Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn công tác cùng lãnh đạo huyện Cần Giờ đưa các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực đi khảo sát đảo Thạnh An, dự án khu du lịch lấn biển Cần Giờ…
Đặt Cần Giờ trong cuộc đua quốc gia, toàn cầu
Chỉ trong một tiếng, trong vai trò người dẫn chuyện, ông Nên đã lần lượt mời và chăm chú lắng nghe từng ý kiến dù mới sơ khởi nhưng đặt nền móng cho khát vọng phát triển Cần Giờ từ các chuyên gia kinh tế, đô thị, giáo dục, khảo cổ…
Theo ông Nên, quá khứ của cha anh đã bảo vệ, giữ gìn được Cần Giờ, còn tương lai đặt ra cho chúng ta sứ mệnh phải phát triển Cần Giờ. Và câu hỏi đặt ra là làm gì để phát triển Cần Giờ nhưng vẫn giữ được những giá trị, nhất là rừng sinh quyển.
"Việc phát triển Cần Giờ đương nhiên của TP.HCM nhưng đây phải là câu chuyện của đất nước trong cuộc đua toàn cầu. Tức là sự phát triển phải có tính quốc gia, đẳng cấp quốc tế" - PGS.TS Trần Đình Thiên mở đầu cuộc trao đổi.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng phát triển Cần Giờ phải đặt trong cuộc đua của Việt Nam với thế giới chứ không phải chỉ bàn chuyện phát triển một huyện theo kiểu nâng cao đời sống.
Ông Thiên nhấn mạnh giá trị phát triển Cần Giờ lớn hơn như thế rất nhiều. Phải đặt như thế may ra mới phát triển được Cần Giờ, còn cứ tư duy kiểu lâu nay huyện khó khăn, phát triển chậm, yếu… rồi đặt vấn đề nâng dần sự phát triển lên thì không thể chấp nhận được.
Có lẽ với những lợi thế, điều kiện như hiện nay nên khi bàn đến sự phát triển Cần Giờ, người ta đặt vấn đề và phản biện gay gắt. Tôi đọc thấy có những ý kiến phản biện cực kỳ tốt, giúp cho dự án đô thị lấn biển giải quyết được những việc có khi dự án này không tính đến và có tầm nhìn rất tuyệt vời.
PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN
Đoàn khảo sát đi tàu ra xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ - Ảnh: TIẾN LONG
Nói rõ hơn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết Cần Giờ lâu nay được coi là khu dự trữ phát triển nhưng thật ra chưa phát triển. Huyện này đi sau còn thiếu thốn nhiều điều kiện, nguồn lực kể cả con người, hạ tầng, kết nối…
Nhưng ngược lại theo ông Thiên, việc phát triển sau cũng có nhiều lợi thế mà việc giữ được nguyên vẹn như hiện nay là lợi thế tuyệt vời, vô cùng hiếm hoi, quý báu. Cho nên phải tận dụng được những lợi thế này.
Muốn vậy phải có thái độ tích cực, khôn ngoan, rõ ràng. Tới đây phải giải quyết cơ bản quy hoạch, tầm nhìn Cần Giờ sáng rõ, thuyết phục trên cơ sở đặt Cần Giờ vào tổng thể phát triển chung.
Trong đó, ông Thiên lưu ý cần chú ý đến vấn đề kết nối. Nếu kết nối không tốt hoặc sẽ bị phá vỡ hoặc không phát triển được. Quy hoạch không tốt, không công khai minh bạch đất cát sẽ bị băm nát.
"Trước mắt giữ định hướng phát triển Cần Giờ nhưng không sa vào bẫy đầu cơ đất đai, sau này gỡ khổ kinh khủng", ông Thiên nhấn mạnh.
Xây cầu về Cần Giờ là việc trước tiên
Đoàn khảo sát tham quan mô hình sản xuất tại Hợp tác xã Thuận Yến, huyện Cần Giờ - Ảnh: TIẾN LONG
Nhắc đến nhiều lợi thế của Cần Giờ, TS Trần Du Lịch ví von: "Cần Giờ như cô gái rất đẹp nhưng rất đỏng đảnh, đụng cô này dễ sinh chuyện, để lên kế hoạch, khai thác không đơn giản".
Bởi vậy, ông Lịch cho rằng việc quy hoạch, bố trí dân cư ở Cần Giờ cực khó. Phải làm sao đảm bảo vừa phát triển, vừa bảo vệ rừng. Trong đó rừng là lá phổi không chỉ của riêng TP.HCM mà của toàn vùng đô thị TP.HCM. Quy hoạch Cần Giờ phải đặt trong vùng đô thị chứ không riêng TP.HCM.
Mặt khác, theo ông Lịch, xây cầu thay thế phà Bình Khánh là đột phá của đột phá. Không có cầu đừng bàn đến phát triển. "Nếu hỏi bây giờ cần làm gì cho Cần Giờ thì xin chỉ cần làm một chuyện là xây cầu".
Điều tiếp theo, theo TS Trần Du Lịch: "Cuối cùng mọi sự phát triển thì hơn 70.000 dân Cần Giờ phải được hưởng thụ đầu tiên mọi chính sách, đào tạo nghề, hướng dẫn chuyển đổi nghề, bố trí dân cư… Cuối cùng phải có biện pháp ngăn chặn đầu cơ đất mới làm được, để tiếp tục đầu cơ đất là phá vỡ mọi chính sách".
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ phát triển Cần Giờ phải dựa trên đặc trưng riêng biệt mà bà gọi là ADN. Theo bà Hậu, Cần Giờ có 3 đặc trưng riêng biệt: môi trường sinh thái ngập mặn, vị trí mặt tiền cửa biển và hệ thống di tích hết sức đặc biệt.
Bà Hậu cho rằng: "Nếu bám vào những đặc trưng này sẽ phát triển Cần Giờ đúng là Cần Giờ chứ không phải giống như các khu du lịch biển khác bị biến dạng, không còn như sơ khai. Mà nếu biến dạng, Cần Giờ sẽ mất lợi thế cạnh tranh".
Ghi nhận, cảm ơn những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi trao đổi, Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý. Thông qua đó, TP.HCM có cách làm phù hợp, tạo được sự đồng hành trên bước đường xây dựng TP nói chung và Cần Giờ nói riêng phát triển bền vững.
TTO - Sáng 24-4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác TP và nhiều chuyên gia kinh tế, quy hoạch đô thị, giáo dục... đã có chuyến thăm xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, trước ngày xã này thành xã đảo.