Việc các đại gia sở hữu những ngôi biệt thự, lâu đài bề thế, được dát vàng lấp lánh đã không còn xa lạ tại Việt Nam. Mới đây, lâu đài tự thiết kế của một ông chủ lò gạch ở Hưng Yên lại gây chú ý bởi những thiết kế táo bạo, kết hợp nhiều phong cách các nước.
Có thể thấy niềm tự hào và hạnh phúc của người chủ khi hoàn thành công trình này. Tuy nhiên, tòa lâu đài lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều không chỉ từ những người "ngoại đạo" mà cả với những người có chuyên môn.
Dọc theo con đê thuộc địa phận huyện Khoái Châu đoạn từ Hà Nội tới TP. Hưng Yên, một tòa lâu đài mọc lên thu hút sự chú ý của nhiều người
Chủ nhân của tòa lâu đài này là ông Đỗ Trọng Sáu (56 tuổi, thôn Trung Châu, xã Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên), một chủ lò gạch trên địa bàn tỉnh
Mái vòm theo chia sẻ của gia chủ được thiết kế theo kiểu Roman châu Âu với đường kính hơn 10m ở không gian tầng trên cùng của tòa lâu đài
Kiến trúc tòa lâu đài với cửa sổ hình vòm, sơn đỏ. Ban công các tầng, các cột trụ đều được gắn thêm nhiều hình khối, họa tiết
TS. KTS Trần Quốc Bảo – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, ĐH Xây dựng, chuyên gia có nhiều nghiên cứu về Lịch sử kiến trúc và kiến trúc Thuộc địa Pháp ở Việt Nam, cũng là thành viên Nhóm nghiên cứu kiến trúc Hà Nội cận-hiện đại (GRAH) chia sẻ quan điểm: "Những ngôi nhà kiểu này thường được nói là Tân cổ điển nhưng thật ra lại không thành một kiểu kiến trúc nào có thể gọi tên".
Theo KTS Trần Quốc Bảo, phong cách Tân cổ điển là một phong cách kiến trúc có xu hướng phục hồi các giá trị của kiến trúc Hy Lạp, La Mã cổ đại với tính đăng đối, đảm bảo tỷ lệ hài hòa giữa các bộ phận công trình, sử dụng các thức cột và các yếu tố trang trí kinh điển.
Trong đó kiến trúc Tân cổ điển Pháp (ảnh hưởng lớn đến kiến trúc Tân cổ điển Việt Nam thời Pháp thuộc) cổ súy cho tính chất hoành tráng của kiến trúc La Mã với tính đăng đối nghiêm ngặt, vẻ kỳ vĩ, sự uy nghi và những trang trí phần nào mang tính khoa trương.
Tuy nhiên, những thiết kế 'lâu đài' được gọi là Tân cổ điển này không đáp ứng một chút nào sự tuân thủ các quy luật về mặt tỷ lệ, về thức cột và các yếu tố trang trí của kiến trúc Hy – La cổ đại.
TS. KTS Trần Quốc Bảo
Các tòa lâu đài này có sự sự kết hợp, pha trộn của rất nhiều phong cách phương Tây: có chút Tân cổ điển kiểu Pháp thuộc, lại có chút phong cách Phục Hưng hay Baroque, có chỗ lại na ná phong cách kiến trúc Art Nouveau đầu thế kỷ 20,.. trong khi nội thất lại kiểu của ta với bàn ghế gỗ, v.v...
KTS Trần Quốc Bảo đánh giá, không chỉ mỗi căn nhà ở Hưng Yên nói trên, mà có rất nhiều những "lâu đài" tráng lệ khác ở Hà Nội, Ninh Bình,… được xây bề thế, nguy nga mà không tuân theo bất kỳ một quy tắc tối thiểu nào trong kiến trúc.
Đây cũng là góc nhìn của nhiều người có chuyên môn kiến trúc đối với các tòa lâu đài đồ sộ, nguy nga của giới nhà giàu Việt Nam. Ngoài ra, một số kiến trúc sư cho rằng, việc xây dựng các tòa lâu đài hoàn toàn không "ăn nhập" gì với tổng thể bối cảnh, địa hình khu vực dân cư xung quanh cũng khiến cho công trình trở nên lạc lõng.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác thì lâu đài, biệt thự đó là nhà riêng của người chủ.
"Họ muốn xây thế nào là quyền của họ, họ vui và hạnh phúc khi ở trong nhà là được. Ý nghĩa của một ngôi nhà chẳng phải là hạnh phúc khi ở đó hay sao?" - Một ý kiến trên mạng xã hội nhận được nhiều sự đồng tình.
KTS Trần Quốc Bảo nói: "Tất nhiên, nhà và đất của các ông, các ông muốn làm gì là quyền của các ông. Tuy nhiên, những người am hiểu về kiến trúc nhìn vào sẽ chỉ thấy đó là một sự 'nhạo báng' kiến trúc và sự thiếu hiểu biết của những người 'trưởng giả học làm sang'.
Có rất nhiều cách để vừa thể hiện được đẳng cấp lại không bị kệch cỡm, vì ta cần hiểu vẻ ngoài không chỉ là hoa văn trang trí mà còn bao gồm các giải pháp kiến trúc để công trình hiện đại phù hợp với thiên nhiên, với khí hậu, với con người Việt Nam. Đấy mới là tinh thần cốt lõi của một công trình kiến trúc .
Tham khảo ý kiến của kiến trúc sư là điều cần thiết, ông muốn thiết kế nhà theo kiểu Pháp hay Anh hay Tây Tàu gì đó người ta đều có thể làm theo ý ông mà lại vừa vặn, hợp lý, sang trọng.
Hoặc những thiết kế nhà theo phong cách kiến trúc Sinh thái, vừa tạo độ thẩm mĩ mới lạ, độc đáo, lại vừa có tác dụng che nắng, cách nhiệt, chống mưa hắt cho không gian bên trong phù hợp khí hậu nhiệt đới Việt Nam".
Cùng chiêm ngưỡng thêm một số tòa "lâu đài" của những đại gia khắp các tỉnh thành Việt Nam:
Lâu đài mang phong cách tòa Nhà quốc hội Mỹ ở Ninh Bình
Lâu Đài Cường Thịnh Thi ở Ninh Bình
"Lâu đài Thành Thắng" của ông Đỗ Văn Tiến (52 tuổi) - một doanh nhân ở Ninh Bình trong lĩnh vực sản xuất xi măng
Ông chủ lâu đài Thành Thắng từng chia sẻ, "Công trình này được xây dựng để thỏa đam mê về kiến trúc của tôi, chứ không phải phô trương gì. Đây cũng là nơi để gia đình có một cuộc sống thoải mái"
Lâu đài gà vàng nằm tại ngõ nhỏ phố Hoàng Quốc Việt (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Tòa lâu đài 200 tỷ đồng của nữ đại gia Phú Thọ
Tòa lâu đài Lan Khoa Khuê ở Nam Định với diện tích 470m2 trên mảnh đất 3000m2.
Hải Yến
Doanh nghiệp & Tiếp thị