Con trai bà, 42 tuổi, từng ngồi tù 8 năm song không thể hoàn lương. Anh thu cờ bạc nhiều tiền nên nhân lúc mẹ già đi vắng đã lấy trộm sổ đỏ căn nhà của gia đình mang đi cầm cố với lãi suất cao để lấy tiền trả nợ và tiêu xài
Tháng trước, chủ nợ đến đòi tiền bà mới biết sổ đỏ đã không còn ở trong nhà. Từ đó, cứ vài ngày lại có nhóm người xăm trổ đến nhà bà, tự nhiên ăn ở với lý do khi chưa trả hết tiền thì tài sản này thuộc về họ. Bà đuổi đi không được nên giờ không biết phải làm sao?
Việc cầm cố sổ đỏ không chính chủ là sai
Luật sư Lê Việt Thành, Công ty Luật Nhất Tín, cho hay về bản chất pháp lý, con bà Lượng đã thực hiện một giao dịch vay tài sản. Để đảm bảo khoản vay, anh này cầm cố sổ đỏ. Thế nhưng, việc thế chấp này không được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Nếu muốn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ trong giao dịch vay trên, hai bên phải có hợp đồng thế chấp và phải đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký đất đai.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, trong trường hợp thế chấp bằng sổ đỏ, người thế chấp phải là chủ sử dụng đất, tức bà Lượng hoặc người được bà bảo lãnh cho khoản vay. Bởi vậy, sổ đỏ chỉ được coi là thế chấp hợp lệ nếu có hợp đồng thế chấp do bà Lượng ký và đã được đăng ký thế chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi người con tự ý mang sổ đỏ đi thế chấp để vay tiền mà không có sự đồng ý của bà Lượng và không có hợp đồng thế chấp công chứng, chứng thực, không đăng ký thế chấp thì việc thế chấp không hiệu lực.
Bà Lượng có thể khởi kiện đến tòa án, đề nghị tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu. Khi đó, toà sẽ xác định việc thế chấp là vô hiệu và buộc bên nhận thế chấp phải trả lại sổ đỏ cho bà.
Mẹ không liên đới khoản nợ của con trai
Luật sư Trần Sỹ Tiến, Công ty Luật Hà Nội VDT, cho biết về nguyên tắc, bà Lượng không chịu trách nhiệm trả nợ bởi con bà đã trên 18 tuổi và phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Nếu bên cho vay tiền sai người đến đe dọa, uy hiếp, gây phiền phức, bà có thể trình báo sự việc với công an địa phương. Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét xử lý những người đó về hành vi gây rối trật tự công cộng và những hành vi khác xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự nhân phẩm.
Về việc cho vay lãi suất cao, theo điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, bên cho vay nếu có hành vi cho vay lãi suất vượt quá 5 lần mức nhà nước quy định, quá 100% khoản vay và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, con bà vẫn phải trả nợ cho bên cho vay tiền. Nếu không trả, bên cho vay có thể khởi kiện đến tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trường hợp con bà vay tiền và sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hoặc gian dối, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hay có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả sẽ có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (theo điều 175 Bộ luật Hình sự), luật sư Cường cho biết.
Phương Anh
Xem thêm: lmth.8006624-gnohk-tad-tam-oc-em-oc-mac-med-od-os-mort-iart-noc/ten.sserpxenv