Toi nhớ trong một cuộc thi hoa hậu, ở phần thi ứng xử, một câu hỏi được đặt ra: "Nghề nào xứng đáng được hưởng lương cao nhất, vì sao?".
Thí sinh (cũng là người đăng quang hoa hậu sau đó) trả lời đó là nghề mẹ, người mẹ xứng đáng nhất với điều này. Lương không chỉ là tiền mà còn là tình yêu và sự tôn trọng.
Câu trả lời đã chinh phục hoàn toàn ban giám khảo và cả tôi. Tôi chưa làm mẹ, không thể thấu hết nghề mẹ như thế nào, nhưng nhìn mẹ tôi, tôi biết có trả bao nhiêu cũng không hết.
Mẹ và con
Mẹ tôi hiền lắm, rất hiếm khi cãi vã với ai. Mẹ bán rau trong chợ nhỏ ở quê, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn nuôi con khôn lớn. Ba mẹ tôi là nông dân, gia đình không mấy khá giả, nhưng mẹ vẫn luôn khuyên tôi: "Ráng học nghe con, học kiếm nghề gì làm chứ đừng làm nông như ba mẹ cực lắm".
Suốt thời tôi còn nhỏ, mẹ chỉ cho tôi đi học, ít khi sai làm việc gì. Tiền dành dụm mẹ cũng chỉ để lo cho tôi ăn học.
Lúc thi chuyển cấp (từ lớp 9 lên lớp 10), tôi đậu vào trường chuyên ở tỉnh. Cái trường mà người ta nói tỷ lệ đậu đại học cao lắm. Tôi học được vài ngày thì không chịu đi học nữa, nói muốn về trường bình thường, ở gần nhà. Ba giận lắm. Còn mẹ không nói gì. Tôi chỉ biết khóc, thủ thỉ với mẹ.
Mấy ngày sau, ba bỏ mặc không lo. Mẹ suy nghĩ nhiều, rồi mẹ bắt xe dắt tôi ra rút hồ sơ. Thầy (người giải quyết hồ sơ) bảo: "Một khi rút hồ sơ, về quê không nhận là ở đây cũng không thể xin nhập lại được". Mẹ nhìn tôi ngậm ngùi: "Nó không chịu học ở đây, thôi thầy cứ cho tui rút, để nó về nhà đi học".
Rút hồ sơ xong, mẹ tất bật về thẳng trường gần nhà. Ban đầu trường nói không nhận. Ánh mắt mẹ buồn bã, giọng mẹ năn nỉ. Sau một hồi thì họ nhận. Mẹ mừng rơi nước mắt, còn tôi cảm thấy mình như đứa con bất hiếu. Tôi hứa với mẹ: "Con sẽ ráng học, học ở đâu con cũng sẽ thi đỗ đại học".
Rồi tôi đỗ đại học, lúc này tôi không còn nhút nhát như xưa. Tôi nói mẹ không cần ai dẫn con vô nhập học, con tự lo được, rồi mua vé tàu và một mình vô Sài Gòn.
Còn mẹ vẫn thế, vẫn chăm chỉ làm lụng để hàng tháng gửi tiền cho tôi ăn học. Hồi đó, mẹ vẫn chưa biết đi xe máy, mẹ lủi thủi đạp xe đạp xuống đường lớn để gửi tiền vào Sài Gòn.
Đến khi tôi tốt nghiệp, ngạc nhiên khi thấy mẹ vẫn giữ nguyên xấp biên lai gửi tiền ở ngân hàng. Mỗi lần tôi về, mẹ đem ra cười và bảo: "Tiền tui nuôi cô ăn học đây, tui giữ lại để sau này cô phải trả cho mẹ". Mẹ nói vậy chứ đến khi tôi làm ra tiền, muốn "trả thiệt" thì mẹ lại bảo: "Nuôi con mà ai tính công hay kể lể cô ạ".
Mẹ cực mấy cũng không bao giờ than vãn hay kể lể vì cho tôi ăn học mà phải bán gì, nợ nần hay cực khổ ra sao?
Lúc tôi đi học, mẹ cũng vay tiền (gói hỗ trợ sinh viên). Mới ra trường, công việc còn bấp bênh và tôi còn học thêm, tôi vẫn hay nói mẹ cứ để đó sau này con làm con trả. Ấy vậy mà không biết mẹ dành dụm từ khi nào, một hôm mẹ nói tôi chở xuống ngân hàng. Nhìn mẹ cầm xấp tiền với những tờ tiền rất cũ, tôi biết mẹ đã để dành từ rất lâu. Trả xong tiền ngân hàng, mẹ bảo hết nợ cô rồi nhé, tự nhiên khóe mắt tôi cay cay.
Rồi tôi có chồng, sợ mẹ không có tiền lo liệu, muốn mua ít vàng để mẹ cho mình. Mẹ chối đây đẩy, mẹ nói mẹ có nghèo nhưng phần cho con khi lấy chồng mẹ dành dụm từ lâu. Nhà trai đi tiền lo đám, ba mẹ cũng cho lại vợ chồng tôi. Mẹ nói mẹ nuôi con được, bấy nhiêu mẹ lấy làm gì.
Ngày cưới, sợ tôi buồn, mẹ không khóc. Cho đến lúc ra về (nghe dì kể) mẹ khóc. Mẹ nói với dì, sinh nó ra không nghĩ nó có chồng xa vậy, rồi không biết nhà chồng đối xử có tốt với nó không? Lúc gây gổ có ai bênh không? Phải chi nó có chồng gần, có thể chạy về nhà mẹ đẻ… Mẹ ngậm ngùi lắc đầu "xa quá…".
Đám xong, tiền đám khách của mẹ cũng cho tôi nốt, nói lấy đó mà trang trải con ạ.
Đến giờ, mẹ vẫn vậy, ăn uống cực kỳ tiết kiệm. Mẹ không son phấn cũng chẳng chưng diện, không dám mua đồ ăn ngon. Nhưng khi có tôi về, mẹ lại không tiếc tiền mua nhiều đồ ăn. Mẹ nói cô ở trong đó ít khi được ăn đồ ở quê, cô ăn gì mẹ mua. Mẹ biết tôi khó ngủ, hay dậy muộn nên lúc nào cũng mua đồ ăn sáng để sẵn.
Mẹ là vậy, quanh năm cũng không thấy sắm cho mình bộ quần áo mới. Đồ mẹ mặc đa số là tôi mua. Mà mỗi lần mua lúc nào mẹ cũng nói, cô mua chi tốn tiền vậy, mẹ ở nhà chứ có đi đâu đâu. Đưa mẹ đi ăn hay đi chơi ở đâu, lúc nào mẹ cũng hỏi: chỗ này mắc không con, sao mẹ thấy chỗ này tốn tiền quá?
Lâu lâu tôi cũng biếu mẹ tiền, nói mẹ lớn tuổi rồi đừng có tiết kiệm quá, mẹ muốn ăn gì cứ mua. Nhưng rồi mẹ lại lén lút để dành. Khi tôi hỏi đến, mẹ lại nói mẹ già rồi ăn có nhiêu, mẹ để dành, mẹ có bệnh cũng có tiền lo, không phiền đến các con. Bởi vậy, ai nói mẹ hà tiện là tôi... không tha. Ừ thì mẹ hà tiện đó nhưng hà tiện với bản thân, và mẹ có hà tiện cũng chẳng hại đến ai.
Mẹ rất muốn vợ chồng tôi về chơi, nhưng mỗi lần tôi nói chuẩn bị về, mẹ lại cản. Mẹ bảo đi lại tốn kém quá hay thôi đừng về, cô có chồng rồi để tiền đó dành dụm làm ăn.
Tết lì xì cho mẹ, mẹ cũng không chịu lấy. Mẹ cứ nói mẹ lo được, cô giữ lấy mà lo cho con cái sau này…
Mẹ bệnh mẹ rất ít khi nói, mẹ giấu bởi "nói chi tụi nó ở xa tụi nó lo". Mỗi khi nghe mẹ đau, muốn gửi mẹ ít tiền để mẹ trả tiền thuốc thang, mẹ lại gạt đi: "Cô khéo lo, mẹ có tiền để dành đây, khi nào hết tiền mẹ sẽ gọi cô". Mẹ nói thế nhưng chẳng bao giờ gọi.
Nhiều khi nghĩ thấy buồn, lấy chồng xa không ở gần cha mẹ. Muốn nấu cho mẹ miếng cơm, rửa cái chén hay quét cái nhà cũng chẳng thể làm được, chứ đừng nói đến những việc lớn lao.
Nghe câu hát "mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi" mà xót. Mỗi năm về quê, gặp cha mẹ được một, hai lần. Càng ngày cha mẹ càng lớn tuổi, không biết còn gặp được mấy lần?
(PLO)- "Ban đầu, tôi tính ở lại Sài Gòn ăn tết. Tuy nhiên, khi biết tin được tặng vé xe, tôi quyết định sẽ về. Hai đứa con biết tin vui lắm. Tụi nhóc nói: "Con không cần quà, con chỉ cần mẹ thôi”.