Người dân đăng ký khám bệnh, nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu, sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế thuộc phạm vi quản lý nhằm xử lý nhanh nhất các vướng mắc.
Đồng thời các bộ nêu trên tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trường hợp xét thấy cần áp dụng thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, các bộ liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Trong đó Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chuẩn bị việc đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định và thông tư liên quan.
Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về mua sắm, đấu thầu, đặc biệt là các vấn đề về thuê tài sản, cung cấp thiết bị sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm; cũng như về quản lý, sử dụng phí cấp phép lưu hành đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực y tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, trong đó khuyến khích việc mua sắm, đấu thầu các trang thiết bị y tế khi vận hành sử dụng có thể dùng nhiều loại sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế.
Bộ này cũng phải nghiên cứu, hướng dẫn kịp thời, kỹ lưỡng các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền.
Đối với Bộ Tài chính, yêu cầu phối hợp với Bộ Y tế trong việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng vốn nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Với các văn bản quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế khi nhận được đề nghị của Bộ Y tế bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, giá, phí và lệ phí.
Bên cạnh đó hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền.
Chính phủ cũng yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị mua sắm tập trung, các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền.
Đề cao trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng đơn vị để tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm.
Về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Chính phủ cho phép quyết toán, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021 bằng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám chữa bệnh sau khi đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định theo Luật bảo hiểm y tế năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi luật số 46/2014/QH13.
Trong đó tiền khám bệnh, tiền giường và tiền dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, máu, chế phẩm máu đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá theo quy định hiện hành.
Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc sử dụng trong các kỹ thuật chưa được ban hành giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời hạn thực hiện theo thời gian thực hiện hợp đồng đã ký trước ngày 5-11-2022 hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày 5-11-2022.
TTO - Trong ba năm 2019 - 2021, chi phí khám chữa bệnh phát sinh ở các cơ sở khám chữa bệnh tại TP.HCM chưa được Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP thanh toán theo nghị định 146 của Chính phủ là 1.088 tỉ đồng.