vĐồng tin tức tài chính 365

Chứng khoán bay cao, hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch tăng vốn khủng

2021-04-25 10:43

Chứng khoán bay cao, hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch tăng vốn khủng

Triêu Dương

(KTSG) - Cũng cần nhắc lại rằng một trong những tín hiệu cảnh báo thị trường lập đỉnh và có khả năng đảo chiều chính là việc các doanh nghiệp trên thị trường đua nhau lên kế hoạch tăng vốn khủng, vì nguồn cung cổ phiếu tăng quá mức trong thời gian ngắn có thể làm “bội thực” nhà đầu tư.

HSC dự kiến phát hành 152,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn thêm 2.135 tỉ đồng. Ảnh: THÀNH HOA

Đua nhau lên kế hoạch tăng vốn

Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần (CTCP) Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) đã thông qua phương án phát hành thêm hơn 750 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.700 tỉ đồng lên 9.200 tỉ đồng, tức tăng gấp 5,4 lần, nhằm phục vụ công tác đầu tư các dự án sắp tới của công ty. Hiện tập đoàn Vingroup đang nắm hơn 83% tỷ lệ sở hữu tại VEF.

Tốc độ tăng vốn của VEF nói trên chưa là gì so với CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) khi doanh nghiệp này cũng đã thông qua kế hoạch chào bán 94 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, nhằm tăng vốn điều lệ từ 60 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng, tức tăng gấp hơn 16 lần. Hay như Công ty Chứng khoán (CTCK) Đại Nam (DNSE) cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 160 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng.

Rõ ràng với hàng chục triệu cổ phiếu được tăng thêm, không chỉ pha loãng tỷ lệ sở hữu của cổ đông, tăng thêm áp lực tài chính cho cổ đông nếu có kế hoạch mua vào, mà còn khiến thị trường chung phải đối mặt với nguồn cung cổ phiếu tăng đột biến, nhất là khi hệ thống công nghệ giao dịch hiện nay vẫn đang khá “phập phù” và hay bị quá tải.

Trong nhóm doanh nghiệp chứng khoán còn có Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) dự kiến phát hành 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn thêm 2.135 tỉ đồng.

CTCK VNDirect (VND) phát hành hơn 220 triệu cổ phiếu mới nhằm tăng vốn lên gấp đôi, từ mức 2.145 tỉ đồng lên gần 4.400 tỉ đồng. Tương tự, CTCK Bản Việt (VCI) cũng thông qua kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi, từ 1.656 tỉ đồng lên 3.330 tỉ đồng.

CTCK Everest (EVS) sẽ chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 600 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng, CTCK MB (MBS) sẽ tăng vốn thêm 1.643 tỉ đồng lên 2.676 tỉ đồng.

Cổ phiếu CTCP tập đoàn FLC (FLC) đã tăng giá gấp ba lần kể từ đầu năm đến nay, từ mức quanh 4.300 đồng/cổ phiếu lên tận 13.000 đồng/cổ phiếu, đặc biệt đà tăng phi mã diễn ra trong vòng một tháng qua.

Trong năm nay FLC cũng dự kiến chào bán gần 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo mệnh giá, với tỷ lệ phát hành 10:7, nhằm tăng vốn điều lệ thêm gần 5.000 tỉ đồng để đầu tư thực hiện các dự án bất động sản và bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp cũng lên kế hoạch tăng vốn mạnh trong năm 2021 này, như CTCP tập đoàn Tiến Bộ (TTB) dự kiến phát hành 50 triệu cổ phiếu để tăng vốn gấp đôi từ 515 tỉ đồng lên 1.015 tỉ đồng; CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) phát hành hơn 91 triệu cổ phiếu, tăng vốn từ 828 tỉ đồng lên 1.738 tỉ đồng; CTCP Khoáng sản Miền Đông AHP (BMJ) dự kiến tăng vốn từ 60 tỉ đồng lên 750 tỉ đồng; CTCP Cơ điện Dzĩ An (DZM) tăng vốn mạnh từ 54 tỉ đồng lên 154 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược,…

Tín hiệu cảnh báo cho thị trường?

Có thể thấy, ngoài nhóm ngân hàng luôn khát vốn để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định ngày càng tiến sát chuẩn quốc tế, nên năm 2021 tiếp tục đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ, thì từ năm ngoái đến nay thị trường còn chứng kiến các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác tích cực tăng vốn để đáp ứng các dự án kinh doanh mới.

Đơn cử như nhóm CTCK, với thị trường chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư nóng nhất trong một năm trở lại đây, thu hút thêm nhiều thành phần trong xã hội tham gia, dẫn đến cơn khát vay margin của các nhà đầu tư đang cao hơn bao giờ hết, nên các công ty thuộc ngành này cũng buộc phải đẩy mạnh tăng vốn để đáp ứng nhu cầu, nhất là đối với các CTCK nội địa khi thời gian qua các CTCK có vốn nước ngoài đã tăng vốn rất mạnh và gây ra áp lực cạnh tranh rất lớn.

Hay như đối với nhóm các công ty bất động sản, trong bối cảnh nhiều khu vực diễn ra tình trạng sốt đất, nên các công ty bất động sản cũng đang muốn tận dụng thời cơ thuận lợi này để đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện các dự án, ăn theo chính sách phát triển cơ sở hạ tầng tại nhiều địa phương.

Ngược lại, đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hoặc đã gặp nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 vừa qua, họ càng có động lực huy động thêm vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn và thách thức như hiện nay cũng như sắp tới.

Diễn biến tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong hơn một năm qua đã trở thành một điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp muốn tận dụng thời cơ để tăng thêm vốn. Trước dòng tiền ồ ạt rót vào thị trường, những triển vọng phục hồi và tăng trưởng, trước kết quả kinh doanh tích cực của không ít doanh nghiệp bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh, mục tiêu tăng vốn trong thời điểm này được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng sẽ khả thi hơn và dễ thành công hơn so với giai đoạn trước.

Dù vậy, mọi thứ có lẽ sẽ không quá dễ dàng. Rõ ràng với những doanh nghiệp đang có công ty mẹ là các tập đoàn lớn và hùng mạnh, các kế hoạch tăng vốn khủng tất yếu sẽ được sự hỗ trợ rất lớn về mặt tài chính từ phía sau. Hay những doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông chiến lược, khả năng họ đã có sẵn nhà đầu tư quan tâm và việc thông qua kế hoạch tăng vốn chỉ là hợp thức hóa để mở đường cho đối tác mới vào hoặc cổ đông tổ chức hiện có gia tăng tỷ lệ sở hữu và chính thức thâu tóm.

Ngược lại, những doanh nghiệp có kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu theo một tỷ lệ nhất định có thể sẽ gây áp lực rất lớn cho thị trường, chưa nói đến việc có đảm bảo phát hành thành công hay không. Rõ ràng với hàng chục triệu cổ phiếu được tăng thêm, không chỉ pha loãng tỷ lệ sở hữu của cổ đông, tăng thêm áp lực tài chính cho cổ đông nếu có kế hoạch mua vào, mà còn khiến thị trường chung phải đối mặt với nguồn cung cổ phiếu tăng đột biến, nhất là khi hệ thống công nghệ giao dịch hiện nay vẫn đang khá “phập phù” và hay bị quá tải.

Việc các doanh nghiệp trên thị trường đua nhau lên kế hoạch tăng vốn khủng khiến nguồn cung cổ phiếu tăng quá mức trong thời gian ngắn có thể làm “bội thực” nhà đầu tư. Dù vậy, nếu dòng tiền từ các nhà đầu tư F0 tiếp tục duy trì xu hướng rót vào mạnh mẽ, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư ưa thích và duy trì được niềm tin của toàn xã hội, lượng cổ phiếu phát hành thêm không loại trừ khả năng lần này sẽ được hấp thụ tốt, tuy nhiên sự cẩn trọng vẫn là điều không thừa trong tình hình hiện nay.

Trong khi đó, với không ít nhà đầu tư, “game” tăng vốn và thâu tóm luôn có một sức hấp dẫn nhất định. Nếu như kế hoạch phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược được kỳ vọng không chỉ gia tăng nội lực tài chính mà còn mang lại nguồn sinh khí mới trong hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng về dài hạn, thì “game” tăng vốn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp penny có thị giá dưới mệnh giá luôn được nhà đầu tư tin rằng giá cổ phiếu sẽ được đánh lên trên mệnh giá để đảm bảo phát hành thành công. Thực tế hàng loạt cổ phiếu penny có kế hoạch tăng vốn trong năm 2020 vừa qua đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng lên mạnh mẽ và giúp doanh nghiệp huy động vốn thành công từ nhà đầu tư.

Xem thêm: lmth.gnuhk-nov-gnat-hcaoh-ek-nel-peihgn-hnaod-taol-gnah-oac-yab-naohk-gnuhc/885513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chứng khoán bay cao, hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch tăng vốn khủng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools