vĐồng tin tức tài chính 365

Thở phào vì không thao túng tiền tệ

2021-04-25 10:43

Thở phào vì không thao túng tiền tệ

Hải Lý

(KTSG) - Trong Báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ ban hành ngày 16-4-2021, Bộ Tài chính Mỹ xác định “trong giai đoạn năm 2020 không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus năm 1988”. Đây là một tin vui đối với Việt Nam.

Dù có thể bất đồng với việc định danh “thao túng tiền tệ”, cách tiếp cận của Việt Nam sẽ chủ yếu làm giảm căng thẳng và tránh bị áp dụng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ. Ảnh minh họa: TTXVN

Vai trò của kiều hối

Từ đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một thay đổi mang tính then chốt trong chính sách quản lý, điều hành ngoại hối: chuyển từ mua ngoại tệ giao ngay sang giao dịch kỳ hạn sáu tháng với các tổ chức tín dụng. Không những vậy, cơ quan quản lý còn chấm dứt niêm yết tỷ giá giao ngay. Đây là động thái mở đường và tạo điều kiện cho Việt Nam thương lượng với Mỹ nhằm tháo gỡ cáo buộc thao túng tiền tệ mà phía Mỹ đề cập trước đó.

Một trong những diễn giải của Việt Nam xuất phát từ thực tế được phía Mỹ nhìn nhận liên quan đến tiêu chí thứ hai “Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP” trong số ba tiêu chí để Mỹ xem xét một quốc gia liệu có thao túng tiền tệ.

Thực tế cho thấy cán cân vãng lai của Việt Nam thặng dư không chỉ xuất phát từ thặng dư thương mại (xuất siêu), mà chủ yếu từ nguồn kiều hối chuyển về nước. Người lao động Việt Nam, Việt kiều ở nước ngoài hàng năm gửi về giúp đỡ người thân, gia đình qua kênh chính thức ngân hàng và không chính thức (nhờ bạn bè, anh em...) mười mấy tỉ đô la Mỹ kiều hối.

Giá trị kiều hối gia tăng đều đặn mỗi năm và Việt Nam nằm trong số các quốc gia nhận kiều hối cao của thế giới. Kiều hối là một yếu tố đặc biệt không thể không tính đến trong cán cân vãng lai của Việt Nam.

Theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối, tất cả các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thực hiện bằng tiền đồng. Những người nhận kiều hối ở Việt Nam, khi chi tiêu, cũng phải đổi ra tiền đồng. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài khi vào Việt Nam cũng phải chuyển đổi từ đô la Mỹ hay bất kỳ một đồng ngoại tệ nào khác sang tiền đồng để thực hiện các giao dịch đầu tư, mua bán.

Các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng lấy tiền đồng để giao dịch trong nước.

NHNN đã bơm tiền đồng ra mua ngoại tệ để chuyển hóa một phương tiện thanh toán, đảm bảo tiền đồng là phương tiện thanh toán duy nhất ở Việt Nam. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. Hầu hết các quốc gia đều sử dụng đồng nội tệ cho tất cả các giao dịch trên phạm vi lãnh thổ của mình.

Niềm tin trong hoạch định, điều hành chính sách vĩ mô

Không bị dán mác thao túng tiền tệ, doanh nghiệp trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh gia công xuất khẩu như dệt may, giày dép; sản phẩm đồ gỗ; chế biến xuất khẩu như thủy hải sản; điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại... có thể “thở phào” bởi các mặt hàng trên sẽ không bị áp thuế, các nhà máy không phải thu hẹp sản xuất, đồng nghĩa với việc người lao động không bị mất việc làm.

Đối với các bộ, ngành, khi áp lực thao túng tiền tệ không còn, niềm tin trong hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tỷ giá hối đoái và thương mại, được khẳng định. NHNN, cơ quan trực tiếp điều hành chính sách tỷ giá, có trách nhiệm và vai trò lớn trong việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát mục tiêu mà Quốc hội phê duyệt.

Ngoài việc ổn định giá trị tiền đồng, kiểm soát lạm phát đang trở thành vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết. Không thể nói chúng ta không chịu áp lực lạm phát trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang thực hiện nới lỏng tiền tệ, bơm tiền cho dân chúng trực tiếp chi tiêu. Áp lực lạm phát không chỉ từ nội tại nền kinh tế Việt Nam, mà chúng ta còn có khả năng nhập khẩu lạm phát do độ mở của nền kinh tế đã khá sâu và rộng.

Giá năng lượng, nguyên liệu, hàng hóa trên thị trường toàn cầu gia tăng sẽ khiến giá cả nhiều mặt hàng trong nước tăng theo bất chấp sự tiết giảm các loại chi phí.

Ở một khía cạnh khác, những tác động của dịch Covid-19 đến phục hồi kinh tế thế giới sẽ chưa thể biến mất dù đã có vaccin. Làm thế nào hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn đó?

Mới đây NHNN đã ban hành Thông tư 03 cho phép các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản vay năm ngoái trong vòng ba năm. Các chủ thể trên thị trường kỳ vọng NHNN đưa ra hạn mức tín dụng ở mức thỏa đáng, vừa giúp ngân hàng - doanh nghiệp cơ cấu nợ, vừa chủ động đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra. 

Xem thêm: lmth.et-neit-gnut-oaht-gnohk-iv-oahp-oht/285513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thở phào vì không thao túng tiền tệ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools