Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay khách hàng Mỹ đang đổ xô sang dử dụng Shein và Temu cho thương mại điện tử (TMĐT), khiến Amazon phải đau đầu tìm biện pháp giải quyết.
Tuy nhiên hướng đi của những nền tảng này là khác nhau và việc Amazon tìm được giải pháp cho bài toán hiện nay không hề dễ.
Trong suốt nhiều năm, Amazon đã cạnh tranh và đè bẹp các đối thủ bán lẻ truyền thống như Walmart hay Target nhờ chiến lược giao hàng nhanh và thuận tiện với vô số nhà kho khắp nước Mỹ.
Thế nhưng khi Temu và Shein tiếp cận thị trường này với chiến lược giá rẻ dù tốc độ vận chuyển hàng từ các nhà máy Trung Quốc sang chậm hơn thì Amazon lại gần như không có cách gì phản đòn lại được.
Nguồn tin của WSJ cho hay hiện Amazon đang không biết làm thế nào để cạnh tranh với mức giá quá rẻ đến từ Shein lẫn Temu. Đây là điều hiếm hoi cho một công ty từng lùng sục trên Internet để đảm bảo nền tảng của mình có mức giá trực tuyến thấp nhất.
Tờ WSJ cho hay các nhà quản lý của Amazon nhận ra Shein lẫn Temu không hề theo đuổi tốc độ giao hàng mà tập trung vào giá rẻ, điều mà khách hàng cực kỳ mong muốn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Bởi vậy một số giám đốc đã đề nghị chuyển hướng thay vì chỉ chăm chú phát triển tốc độ giao hàng, Amazon có thể bày bán những mặt hàng giá rẻ nhưng thời gian vận chuyển lâu hơn, tương tự như Shein và Temu.
“Shein và Temu không theo đuổi chiến lược giao hàng nhanh trong vòng 2 ngày hay nâng cấp tiêu chuẩn phục vụ khách hàng như Amazon. Thay vào đó họ tập trung bán đồ giá rẻ, vốn là thứ khiến khách hàng sẵn sàng chấp nhận chờ đợi thời gian dài để nhận hàng”, Cựu giám đốc Steve Tadelis của Amazon và hiện đang là giáo sư kinh tế trường đại học California, cho biết.
Theo WSJ, lạm phát và những biến động của nền kinh tế khiến người dân Mỹ ưa thích đồ giá rẻ từ Shein và Temu hơn.
Kể từ khi ra mắt tại thị trường này vào tháng 9/2022, lượt khách hàng ghé thăm Temu hàng tháng trên cả website lẫn ứng dụng đã tăng hơn 10 lần, đạt 70,5 triệu lượt vào tháng 3/2023.
Con số này của Shein là tăng gấp đôi kể từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2023, đạt 41 triệu lượt.
Trái lại, lượt xem trên Amazon lại giảm từ 217,5 triệu tháng 9/2022 xuống còn 211 triệu vào tháng 3/2023.
Tất cả những số liệu của các tổ chức thống kê như Comscore, Similarweb hay Sensor Tower đều cho thấy một kết quả tương tự về Shien, Temu lẫn Amazon.
Vô phương cứu chữa?
Theo hãng nghiên cứu Insider Intelligence, thị phần TMĐT của Amazon ở Mỹ sau nhiều năm tăng trưởng đã chững lại ở mức 38% năm 2021 và sẽ giữ con số này ít nhất là sang năm tới trước khi có biến động.
Sự xuất hiện của Shein và Temu được cho là sẽ làm đảo lộn thị phần, khiến những người chơi như Amazon, Target, eBay... tìm kiếm cả cơ hội lẫn đối đầu các thách thức mới.
Tờ WSJ kể từ khi Shein xuất hiện tại Mỹ, hàng nghìn người bán hàng trên Amazon đã tham gia nền tảng này, kể cả những người buôn sinh sống tại chính Mỹ.
Sự bùng nổ của trang TMĐT này đã thu hút vô số doanh nghiệp, ví dụ như Forever 21 đã ký hợp đồng với Shein để bán hàng online tại Mỹ.
Phần lớn người dân Mỹ bị thu hút bởi những mặt hàng giá rẻ của Shein và Temu bất chấp có phải chờ hàng tuần để nhận được sản phẩm. Đây là chiến lược hoàn toàn khác so với tập trung vào tốc độ giao hàng của Amazon.
Theo WSJ, Shein và Temu có thể hạ giá sản phẩm thấp được là nhờ không tốn chi phí mở nhà kho trên khắp nước Mỹ như Amazon, qua đó cắt giảm được lượng lớn chi phí mà các hãng bán lẻ tại đây đang phải chịu.
Phần lớn sản phẩm của 2 nền tảng trên được nhập khẩu từ nhà máy Trung Quốc, cắt giảm được chi phí trung gian lẫn lưu kho.
Trong khi Shein khởi đầu chủ yếu kinh doanh thời trang nhanh và bán đồ may mặc thì hiện đã bắt đầu mở rộng sang các mảng đồ dùng khác để thách thức Amazon. Riêng Temu thì ngay từ đầu đã xác định là một nền tảng TMĐT kinh doanh đa sản phẩm.
Trả lời WSJ, nhiều khách hàng Mỹ cho biết dù không được giao hàng nhanh như Amazon nhưng các sản phẩm của Shein và Temu thường cũng có chất lượng tương đương mà giá còn rẻ hơn.
“Giờ đây tôi thường tìm kiếm trên Temu cho mức giá hợp lý rồi mới tìm trên Amazon. Dù Temu phải đợi giao hàng lâu hơn nhưng chất lượng thì tương đương mà giá lại rẻ. Dù gì thì hầu hết các sản phẩm thời nay cũng đều được sản xuất ở Trung Quốc”, cô Lynn Hatch, một người dân sống tại North Texas từng hay mua sắm trên Amzon nhưng mới phát hiện ra Temu có sản phẩm tương đương mà lại rẻ một nửa, cho hay.
Tránh mạnh đánh yếu
Tờ WSJ nhận định Shein lẫn Temu hiểu rõ rằng họ không thể cạnh tranh được với Amazon về tốc độ giao hàng khi đế chế nhà Jeff Bezos đã xây dựng được mạng lưới logistic toàn Mỹ suốt nhiều năm.
Bởi vậy việc 2 nền tảng TMĐT này nhắm vào lợi thế về giá là một nước đi hiệu quả bởi Amazon không thể bắt chiếc hoàn toàn. Ông trùm TMĐT Mỹ này sẽ buộc phải cân bằng giữa chiến lược về giá lẫn giữ hình ảnh thương hiệu.
Chuyên gia phân tích Neil Saunders cho hay khách hàng trên Temu và Shein có thể chấp nhận hy sinh về chất lượng và thời gian giao hàng để đổi lấy giá rẻ. Thế nhưng nếu Amazon hy sinh chất lượng sản phẩm, dịch vụ thì công sức xây dựng suốt nhiều năm của Jeff Bezos sẽ “đổ sông đổ bể”.
Trên các diễn đàn trực tuyến, rất nhiều người dùng Shein lẫn Temu đều than phiền về chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, qua đó giới hạn loại mặt hàng mua sắm như cặp tóc hay túi giặt nhằm không chịu thiệt.
Bản thân chị Hatch ở North Texas cũng cho biết mình không ưng ý với sản phẩm may mặc trên Temu và chỉ mua đồ làm bếp hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Một thách thức nữa với 2 nền tảng đến từ Trung Quốc là rào cản thương mại cùng các quy định luật pháp trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung tăng cao.
Tuy nhiên cho đến hiện tại, cả Shein và Temu vẫn chưa gặp rắc rối nào lớn và Amazon vẫn sẽ phải đau đầu với bài toán hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.
*Nguồn: WSJ