Đến nay, vụ tai nạn giao thông do Nguyễn Trần Hoàng Phong lái xe Mercedes gây ra hôm mùng 6 tết Canh Tý đã trôi qua hơn 15 tháng.
Ngày 22-4 vừa qua, HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm để làm rõ căn hộ chung cư là của bị cáo Phong hay của mẹ bị cáo nhằm đảm bảo việc bồi thường cho bị hại trong vụ án.
Án bị hủy, quyền kê biên thuộc cơ quan điều tra
Trước đó, tháng 12-2020, TAND quận Phú Nhuận xử sơ thẩm, phạt Phong bảy năm sáu tháng tù, buộc bồi thường cho nữ tiếp viên hàng không 1,4 tỉ đồng, cho gia đình người lái xe ôm công nghệ 477 triệu đồng.
Sau đó bị hại trong vụ án là chị Nguyễn Thị Bích Hường (nữ tiếp viên hàng không, thương tật 79%) và đại diện của người lái xe ôm công nghệ (đã tử vong) kháng cáo, yêu cầu tăng án với Phong và xem xét kê biên căn hộ mà Phong đã tẩu tán bằng cách bán cho mẹ ruột để né việc bồi thường.
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại tòa phúc thẩm. Ảnh: MINH TÂM
Tại phiên tòa phúc thẩm, mẹ bị cáo khai căn hộ dù do Phong đứng tên nhưng tiền mua là của bà. Trong khi Phong khai rằng bị cáo chuyển nhượng căn hộ cho mẹ trong thời gian bị tạm giam để mẹ bán khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Phán quyết của tòa phúc thẩm khác với đề nghị của đại diện VKS tại tòa. Cụ thể, trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị tòa tuyên y án sơ thẩm về phần hình phạt đối với Phong. Đối với yêu cầu kê biên căn hộ mà Phong đã chuyển nhượng cho mẹ, đại diện VKS nói rằng các bị hại có quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để đề nghị kê biên.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau phiên tòa phúc thẩm, luật sư của bị hại cho rằng căn cứ Điều 128 BLTTHS 2015, lẽ ra ngay từ giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra (CQĐT) phải ra lệnh kê biên căn hộ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Thế nhưng đến phiên tòa sơ thẩm tháng 12-2020, các luật sư của bị hại mới phát hiện bị cáo đã chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ cho mẹ. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm lại không chấp nhận đề nghị của luật sư của bị hại về việc kê biên căn hộ. Tại phiên tòa phúc thẩm, mẹ bị cáo đã đồng ý bồi thường thay cho bị cáo, để đảm bảo việc này thì cần thiết phải có biện pháp kê biên căn hộ.
Theo luật sư của bị hại, căn cứ Điều 347 BLTTHS 2015 thì tòa cấp phúc thẩm có quyền áp dụng biện pháp kê biên đối với căn hộ. Tuy nhiên, án đã bị hủy để điều tra lại thì mọi việc quay lại từ đầu, thẩm quyền quyết định kê biên căn hộ là của CQĐT.
Chủ tọa phiên phúc thẩm nói gì?
Một kiểm sát viên công tác tại VKSND TP.HCM cho rằng ông đồng tình với đề nghị của kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm.
Kiểm sát viên này nói: “Trong mọi vụ án, quyền lợi của bị hại, vấn đề bồi thường cho bị hại luôn được quan tâm giải quyết. Quy định về thủ tục kê biên tài sản, các cơ quan có thẩm quyền kê biên… đã được nêu trong BLTTHS. HĐXX phúc thẩm căn cứ chủ yếu vào vấn đề án sơ thẩm chưa làm rõ được ai là người có quyền đối với căn hộ để hủy án thì những vấn đề còn lại để quá trình điều tra lần thứ hai xử lý”.
Bình luận về việc HĐXX phúc thẩm không chấp nhận đề nghị của đại diện VKS tại tòa mà tuyên hủy án, vị kiểm sát viên cho biết hiện bản án sơ thẩm đã được hủy để xét xử lại từ đầu, trong đó có cả phần tài sản. Phần xử lý tài sản để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường phải chờ kết quả điều tra của cấp sơ thẩm.
Khi chưa có kết luận điều tra chính thức thì chưa thể nói được điều gì. Bởi trong mỗi quy trình tố tụng, kết quả cuối cùng phải được dựa trên kết luận điều tra. Khi HĐXX cấp phúc thẩm hủy án, chắc chắn họ đã cân nhắc tất cả vấn đề, nhất là cân nhắc kỹ đến quyền lợi chính đáng của bị hại.
Trao đổi với PV, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm Phạm Lương Toản nói: “Lý do hủy án đã được nêu rất chi tiết trong bản án tuyên đọc tại tòa. HĐXX phúc thẩm đã nghị án và xem xét rất kỹ để đưa ra quyết định như vậy. Vì vậy, tôi không có ý kiến gì thêm về việc này”.
Tai nạn thương tâm ngày tết Như Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần thông tin, sáng 30-1-2020, chị Hường đặt xe máy qua ứng dụng để đi làm. Tài xế vừa chở chị rời nhà thì ô tô Mercedes do bị cáo Phong chạy ngược chiều tông trực diện. Người lái xe ôm chết vì đa chấn thương nặng. Chị Hường may mắn thoát chết nhưng bị gãy kín xương đùi, vỡ cổ cối, gãy xương cùng, thương tật 79%. Tổng thiệt hại tài sản trong vụ án là 1,1 tỉ đồng. Hai ngày sau, Phong ra đầu thú sau khi đã bỏ trốn, vứt SIM điện thoại, xóa lịch sử cuộc gọi, dặn bạn khai không biết gì khi CQĐT làm việc. Kết quả điều tra xác định lỗi xảy ra vụ tai nạn hoàn toàn là do Phong. Phong không có giấy phép lái xe, lưu thông vượt quá tốc độ quy định, không làm chủ tay lái, lấn trái đường. Khi Phong lái xe gây tai nạn, cơ thể Phong có chất ma túy. |