Trong 1 lần chốt đơn quá đà, Tiểu Nam đã phải trả 15 nghìn tệ (tương đương 53 triệu đồng) cho 1 thùng quần áo, 15 đôi giày và rất nhiều phụ kiện đi kèm khác. Cô gái cứ điên cuồng mua sắm như thế cho đến nửa năm sau mới nhận ra không chỉ nơi ở ngập trong núi đồ, mà cuộc đời cô cũng chìm trong nợ nần.
Ảnh minh họa
Liên minh nợ nần
1 số người rơi vào trầm cảm vì gánh nặng nợ nần và phải dùng thuốc chống trầm cảm. Những nhà tham vấn chẩn đoán kiểu hành động mua sắm nhiều thứ vô bổ không kiểm soát được gọi chung là "rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn".
Có rất nhiều lý do dẫn đến tiêu pha phung phí và rơi vào hoàn cảnh nợ nần, nhưng trải nghiệm của họ về cơ bản lại giống nhau đến kinh ngạc: căng thẳng, trầm cảm, ly hôn, và tệ nhất là nghĩ đến việc tự tử.
Bộ sưu tập đồng hồ và radio của A Lượng
Trong vô số những trường hợp trên 1 topic xứ Trung có tên Liên minh nợ nần, nổi bật lên câu chuyện của 1 cô gái độc thân mang số nợ 46 nghìn tệ (tương đương 1,6 tỷ đồng) hoang mang với câu hỏi: "Nợ nhiều như vậy liệu có còn tư cách để kết hôn không? Tôi nghĩ mình sẽ chết già trong cô độc cùng khoản nợ do chứng nghiện mua sắm gây ra."
"Chỉ có bản thân mới hiểu cảm giác phấn khích khi đặt hàng, giống như não đang tiết ra ‘hormone hạnh phúc’ cực mạnh vậy." - A Lượng, 1 nam nhân viên văn phòng nghiện mua đồ điện tử cho biết.
Mất kiểm soát
Tiểu Nam, 1 cô gái vẫn đang học đại học, vướng vào cuộc khủng hoảng nợ nần chỉ vì tò mò. Vào năm ngoái, cô và bạn cùng phòng đã xem 1 buổi livestream của 1 công ty mua sắm trực tuyến nổi tiếng.
"Lúc ấy, tôi chỉ tò mò muốn biết người đàn ông này bằng cách nào có thể kiếm tiền qua quảng cáo tốt như vậy." - Tiểu Nam trải lòng.
Sau mỗi lần xem livestream bán hàng, Tiểu Nam lại bổ sung thêm kha khá món về tủ đồ của mình
Vốn không phải là cô gái chạy theo mốt, chiếc điện thoại di động 1.299 tệ (tương đương 4,6 triệu đồng) cũng là món đồ đắt đỏ nhất trong lịch sử mua sắm của Tiểu Nam. Nhưng sau hôm "xem thử" đó, đủ loại giấy tờ kiểm định - như báo cáo kiểm tra chất lượng, xác nhận của người nổi tiếng và chứng nhận của Liên minh châu Âu EU nghe có vẻ "đáng tin cậy" - đã quật ngã sự nghi ngờ của cô gái. Cuối cùng tay dường như hoạt động nhanh hơn não, cô liên tục nhấp chuột để đặt hàng về.
"Khi ấy tôi chỉ thấy mình rất vui, ngoài ra không nghĩ được thêm gì trong đầu." - Cô thở dài nói.
Tiểu Nam có lẽ vẫn cứ chìm đắm vào thú vui đốt tiền, nếu nửa năm sau không có những cuộc gọi đòi nợ liên tục kéo cô bừng tỉnh khỏi cơn mê.
Vì đâu nên nỗi?
Trên thực tế, những người vướng vào nợ nần chồng chất vẫn tự ý thức được tình trạng thê thảm của bản thân, nhưng một khi đã nghiện thì khó lòng dứt ra được. Nhiều người còn cố lờ đi hậu quả và sống theo kiểu "mua nốt hôm nay thôi."
Nguyên nhân dẫn việc mua hàng bừa bãi phải kể đến quá khứ buồn của Tiểu Nam. Trong mắt cô, hình ảnh của bố mẹ khá phức tạp và không mấy đẹp đẽ.
Ảnh minh họa
"Tôi nhớ khi còn nhỏ làm toán, bố tôi yêu cầu 10 giây là phải có đáp án, ông đếm đến 10 mà chưa giải xong sẽ tát tôi 1 cái."
Tiểu Nam kể tiếp:
"Mẹ cũng đánh tôi vì những lý do kỳ lạ, chẳng hạn như sót 1 sợi tóc trong bồn rửa bát, hoặc quên lau bếp khi nấu ăn."
Lên đến đại học, cô luôn là người hoạt bát và vui vẻ nhất ở ký túc xá, nhưng mỗi khi chỉ có 1 mình thì Tiêu Nam lại trở về với đúng bản chất sợ đám đông, sợ xã hội.
"Tôi luôn lo sợ có người đánh mình nên lúc nào cũng cố gắng hòa đồng." - Tiểu Nam nhớ lại.
Hình ảnh mà cô hay gặp trong mơ chính là 1 người phụ nữ với mái tóc dài rối bù che mất khuôn mặt, mà người phụ nữ đó chính là mẹ cô. Đến năm 3 đại học, khi bố mẹ ly hôn và chuyển đến ở cùng bố, Tiểu Nam thường xuyên bị bóng đè, cô cũng rất sợ những câu chuyện ma quỷ. Ít lâu sau đó bố cô mất vì bệnh lao phổi, nỗi sợ hãi của cô gái lúc này mới biến mất. Khi ấy cô mới hiểu, thì ra "con ma" mà mình sợ bấy lâu nay thực chất lại là người thân.
Lúc biết đến mua sắm qua mạng, Tiểu Nam thậm chí phải dùng thuốc chống lo âu. Nhưng khi xem người ta livestream bán hàng với những lời quảng cáo mật ngọt "hãy yêu thương bản thân", cô cảm thấy tâm hồn tổn thương đến méo mó của mình đang được vỗ về an ủi. Do đó, cô quyết định mua những thứ "hạnh phúc" trống rỗng ấy. Người khác mua đồ vì cần, còn cô thì "chỉ thích cảm giác vui thú khi được trả tiền và mở gói hàng".
Ảnh minh họa
Nợ của Tiểu Nam tính đến hiện tại đã quá hạn. Các cuộc gọi đòi nợ luôn làm phiền cô trong ngày và chọn rất đúng thời điểm, chẳng hạn như buổi trưa khi chuẩn bị chợp mắt, buổi tối khi chuẩn bị nghỉ ngơi. Ban đầu là nhẹ nhàng nhắc nhở, nếu cúp máy liên tục hoặc không trả tiền thì bên cho vay sẽ khởi kiện.
"Người ta thường nói hãy yêu lấy bản thân rồi cuộc đời sẽ yêu lấy bạn, nhưng mấy ai thực sự có thể thương mình đúng cách? Giờ đây chắc chẳng ai thèm để ý đến 1 con nợ như tôi. Tạm biệt mua sắm, vĩnh biệt cả tình yêu." - Tiểu Nam chua chát nói.
Hành vi "đốt tiền" trong vô thức của Tiểu Nam như 1 cách trả thù quá khứ, giải phóng bản thân và là 1 dạng chống đối xã hội kiêm trầm cảm. Đối mặt với số nợ khổng lồ cùng thực tế hiện đang thất nghiệp khiến Tiểu Nam rơi vào tuyệt vọng. Bài đăng của cô gái cũng nhận được khá nhiều bình luận cũng như sự đồng cảm của cư dân mạng và những người cũng đang "nợ ngập đầu" giống cô. Trên mạng xã hội, đa phần mọi người đều khuyên Tiểu Nam rằng nên phân định rõ thực tế và ham muốn nhất thời, đừng để cuộc đời trượt dài trong sai lầm.
Nguồn: QQ
Nguyên Dũng TT
Tri thức trẻ