ThS Phùng Quán (bìa phải) tư vấn cho học sinh cách thức đăng ký xét tuyển trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng những ngành nào khó, trường nào khó lên trên, không nên xếp ngược trường dễ lên trên.
ThS NGUYỄN THÁI CHÂU
Nhiều thí sinh hiện vẫn còn lúng túng, chưa hiểu rõ cách thức ĐKXT. Trong đó, băn khoăn chung của hầu hết thí sinh là nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển là phù hợp.
Xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống
Theo các chuyên gia tuyển sinh, bên cạnh việc phải ghi đúng, chính xác hồ sơ, điều quan trọng hơn với thí sinh là việc chọn tổ hợp môn thi sao cho phù hợp, đăng ký các nguyện vọng xét tuyển sao cho hợp lý để tăng cơ hội trúng tuyển.
ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - lưu ý khi nộp hồ sơ ĐKDT tốt nghiệp THPT, thí sinh phải sử dụng đúng mẫu phiếu ĐKDT theo quy định của Bộ GD-ĐT và điền đầy đủ các thông tin theo mẫu mới.
"Đối với mục 21 trong phiếu ĐKDT và ĐKXT, thí sinh lưu ý cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của trường đại học, cao đẳng có nguyện vọng học để có thông tin chính xác về mã trường, mã ngành/nhóm ngành, tên ngành/nhóm ngành và mã tổ hợp môn xét tuyển. Ghi theo hướng dẫn trên phiếu ĐKDT. Đối với điểm a: thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến có giá trị pháp lý như việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng phiếu. Thí sinh phải tự chịu trách nhiệm các thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến đã kê khai trên hệ thống" - thầy Hiển hướng dẫn.
Theo quy chế tuyển sinh, năm nay thí sinh vẫn được đăng ký vô số nguyện vọng. Tuy nhiên ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - marketing, khuyên thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. "Phần mềm xét tuyển chạy theo thuật toán "lọt sàng xuống nia" và lọc ảo theo điểm. Thực tế những năm trước, nhiều thí sinh đăng ký ngành, trường dễ trúng tuyển lên trên, những trường khó xuống dưới. Khi xét tuyển, nếu trúng tuyển vào ngành nào thì sẽ không được tiếp tục xét tuyển các nguyện vọng sau" - thầy Châu khuyên.
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cũng khuyên thí sinh khi ĐKXT phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất). Ví dụ, thí sinh yêu thích ngành kỹ thuật máy tính của trường A nhất thì cần xếp ngành này của trường A lên đầu tiên, sau đó các nguyện vọng tiếp theo tiếp tục đăng ký ngành kỹ thuật máy tính hoặc những ngành gần (khoa học máy tính, công nghệ thông tin…) của chính trường A hoặc các trường khác có đào tạo những ngành này và cũng theo thứ tự ưu tiên ngành, trường yêu thích và mong muốn trúng tuyển nhất xếp lên trên.
Đừng bỏ qua các chương trình ngoài đại trà
Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều có đào tạo các chương trình khác ngoài chương trình đại trà như: chương trình chất lượng cao (giảng dạy bằng tiếng Việt, giảng dạy bằng tiếng Anh, tăng cường tiếng Nhật…); chương trình tiên tiến, chương trình tài năng, chương trình liên kết, chương trình chuyển tiếp quốc tế…
"Thông thường, các chương trình này có mức điểm chuẩn khác với mức điểm chuẩn chương trình đại trà (có điểm chuẩn thấp hơn một chút, do các chương trình này có mức học phí cao hơn). Tất nhiên cũng có ngành chương trình tiên tiến có điểm chuẩn bằng hoặc cao hơn chương trình đại trà.
Do vậy, khi ĐKXT thí sinh không nên bỏ qua các chương trình này. Cần đăng ký nguyện vọng để có thêm cơ hội trúng tuyển" - ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), khuyên.
Trong khi đó, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng trước khi chọn trường, chọn ngành, thí sinh phải nắm được những thông tin cơ bản về ngành và các loại hình đào tạo, thông tin về thị trường lao động, từ đó có thể nhận thức, tự đánh giá về bản thân, so sánh đối chiếu để lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
Đặc biệt, thầy Hạ còn khuyên thí sinh nên tranh thủ thêm các phương thức xét tuyển khác: đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập ba năm THPT dành cho chương trình tiên tiến, chất lượng cao, xét học bạ…
"Ở phương thức ưu tiên xét tuyển, thí sinh cần tham khảo danh sách 149 trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021 đã được công bố, coi trường mình có tên trong danh sách này không. Thí sinh các trường trên được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào một trường hoặc khoa hoặc phân hiệu, không giới hạn số lượng đơn vị nhưng có phân biệt thứ tự nguyện vọng.
Thời gian ĐKXT phương thức này từ ngày 15-5 đến 15-6, và công bố kết quả trước 25-6. Nếu thí sinh nào chưa dự thi đánh giá năng lực đợt 1 thì vẫn còn cơ hội ĐKDT đợt 2, dự kiến sẽ diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT một tuần" - thầy Hạ cho hay.
Chỉ được chọn 1 trong 2 phương thức đăng ký xét tuyển
Bộ GD-ĐT quy định, hướng dẫn việc thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển chỉ được chọn một trong hai phương thức sau:
Phương thức 1: Đăng ký trực tiếp tất cả các thông tin trên phiếu ĐKDT kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2021; thí sinh không được điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển khi điểm tiếp nhận đã cập nhật thông tin của thí sinh vào cơ sở dữ liệu trong thời gian quy định.
Phương thức 2: Đăng ký trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện), thí sinh đăng ký trực tiếp trên phiếu ĐKDT và ĐKXT phần thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT; phần đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến phải hoàn thành trong thời gian quy định và thí sinh có thể điều chỉnh nhiều lần thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định.
TTO - Ngày 24-4 đến 11-5, thí sinh cả nước bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đồng thời đăng ký xét tuyển đại học - cao đẳng.