Bị cáo Vũ Huy Hoàng tại tòa - Ảnh: TTXVN
Sáng 26-4, sau một ngày nghỉ, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Huy Hoàng (67 tuổi, cựu bộ trưởng Bộ Công thương) cùng 9 đồng phạm trong vụ án sai phạm về đất đai xảy ra tại Sabeco tiếp tục phần tranh luận.
'Là người xây dựng pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật'
Trong hơn 2 tiếng, viện kiểm sát (VKS) đã đưa ra quan điểm đối đáp với phần trình bày của bị cáo Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng (cựu vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương) và phần bào chữa của các luật sư.
Theo VKS, cơ quan công tố đã truy tố bị cáo Vũ Huy Hoàng có vai trò chính, xuyên suốt quá trình chuyển quyền sử dụng đất từ Nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại hơn 2.700 tỉ đồng là có căn cứ.
Thực tế, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) đang do Nhà nước quản lý, rồi chuyển sang Sabeco Pearl. Khu đất này, hồ sơ pháp lý, dự án có từ năm 2007.
Theo đại diện VKS, Tổng công ty cổ phần Sabeco là doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước trên 50%, từ năm 2007 đến 30-6-2015). Vì vậy, cáo trạng nêu Sabeco có hơn 89% vốn nhà nước thì phải là doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng là phải thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn theo Luật doanh nghiệp năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Điều 43 Luật quản lý sử dụng vốn nêu rõ quản lý bằng các bộ phận quản lý vốn, công tác tổ chức, bổ nhiệm, phân công, quyết định các vấn đề, quan trọng nhất quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại diện VKS khẳng định: "Việc luật sư nói các bị cáo không có trách nhiệm quản lý vốn tại Sabeco là sai". Tại nghị định 91 năm 2015, nhắc lại điều 43 luật trên, lúc đó ông Hoàng giữ chức bộ trưởng, là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về quản lý vốn tại Sabeco.
Bị cáo Dũng cũng là người quản lý vốn tại Sabeco. Chính vì các bị cáo có trách nhiệm quản lý tài sản, lẽ ra phải làm đúng pháp luật, song các bị cáo đã làm sai, sai ngay từ đầu.
Bị cáo Hoàng là bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Năm 2012, bị cáo tham gia quá trình ban hành nghị quyết 26.
Nghị quyết 26 nhắc lại nếu đã, đang đầu tư phải thoái vốn ngay, không được đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, "bị cáo là người xây dựng pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật", VKS nêu quan điểm.
Các bị cáo để lại dấu vết phạm tôi không thể chối cãi
Đại diện VKS nêu quan điểm đối đáp - Ảnh: TTXVN
Theo VKS, bị cáo Hoàng và Dũng thừa biết không thực hiện đầu tư ngoài ngành. Thế nhưng, trong văn bản của bị can Hồ Thị Kim Thoa (nguyên thứ trưởng Bộ Công thương, hiện bỏ trốn), vẫn yêu cầu Sabeco phải tìm đối tác kinh doanh.
Sau khi nhận chỉ đạo, Sabeco báo cáo lên, bị cáo Hoàng có bút tích chỉ đạo Sabeco lựa chọn đối tác, tuy nhiên phải báo cáo bộ. Điều này thể hiện việc chỉ đạo trực tiếp, thậm chí quyết định, đúng như bị cáo Hoàng nói "chỉ đạo là ép cấp dưới làm theo ý chí của mình dù đúng dù sai".
Hành vi tiếp theo của bị cáo Hoàng là duyệt giá thấp hơn giá thực tế. Tại cuộc họp ngày 29-3-2016, lúc đó chỉ còn hơn một tuần bị cáo nghỉ hưu, thực tế theo quy định của Đảng, bị cáo không tham gia điều hành, tuy nhiên bị cáo vẫn chủ trì cuộc họp quyết định giá cổ phần thấp hơn thực tế.
Bản chất của cuộc họp, kết luận của bị cáo Hoàng, đúng với truy tố của VKS. Từ kết luận của cuộc họp, ngày 1-4-2016, bị can Hồ Thị Kim Thoa ký văn bản thông báo nêu rõ bộ trưởng đã quyết định giá hơn 13.000 đồng/cổ phiếu, gửi cho ông Hoàng. Bị cáo Hoàng đã không phản hồi gì.
"Quá trình điều tra không chỉ có người của Sabeco, mà còn nhiều người khác khai về việc bị cáo Hoàng đã kết luận giá cổ phần thoái vốn. Đến tại phiên tòa những ngày vừa qua, chỉ có bị cáo Hoàng chối bỏ kết luận giá hơn 13.000 đồng/cổ phần. Còn lại, bị cáo Dũng thừa nhận việc giá này", VKS nói.
Rõ ràng hành vi của hai bị cáo là lấy giá thấp so với thị trường. Hành vi đó trực tiếp gây thiệt hại. Chỉ đạo giá này là sai. Theo quy định, việc thoái vốn phải công khai minh bạch.
Các luật sư cho rằng không có thiệt hại xảy ra, VKS thấy hành vi của bị cáo Hoàng, Dũng quyết định giá hơn 13.000 đồng/cổ phần ngay thời điểm đó đã thiệt hại hơn 16 tỉ đồng.
Tuy nhiên, so với thẩm định giá của Hội đồng Thẩm định giá trung ương, giá thoái vốn thời điểm đó là hơn 31.000 đồng/cổ phần. Như vậy, thiệt hại là hơn 269 tỉ.
"Nếu không ngăn chặn kịp thời thì Nhà nước mất hẳn quyền sử dụng đất với lô đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng. Như vậy, tự hỏi các bị cáo ngồi đây có đủ tiền để bồi thường Nhà nước hay không?", VKS nêu quan điểm đối đáp.
Thiệt hại là có, tuy nhiên VKS đã đề nghị tòa yêu cầu UBND TP.HCM hủy bỏ quyết định cho thuê, thu hồi khu đất trên để quản lý. Vì lý do đó, VKS không yêu cầu các bị cáo bồi thường.
Cuối phần trình bày quan điểm tranh luận, đại diện VKS khẳng định hành vi của bị cáo Hoàng là xuyên suốt. VKS thấy có đủ căn cứ kết luận bị cáo Hoàng, Dũng phạm tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Trong vụ án này, các bị cáo đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Quá trình điều tra, VKS đã thu được những chứng cứ vật chất chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo.
TTO - Trả lời thẩm vấn, cựu bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng ông không trực tiếp quản lý Sabeco, chỉ nắm được thông tin khi được cấp dưới báo cáo xin ý kiến. Vì vậy, trách nhiệm thuộc về các thứ trưởng phụ trách như quy chế làm việc phân công.