Coteccons vừa trải qua một năm vô cùng xáo động kể từ khi thành lập đến nay, khi nhóm ông Nguyễn Bá Dương rời đi và thành lập các công ty riêng, chủ mới là nhóm đại cổ đông ngoại trước đó – Kusto Group và The 8th. Theo đó, công ty số 1 trong ngành xây dựng này buộc phải tái cơ cấu toàn diện, từ nhân sự, bộ máy tổ chức… và thay đổi cả chiến lược kinh doanh.
Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Kusto Group và tân Chủ tịch Bolat Duisenov đối mặt với rất nhiều nghi ngờ lẫn chỉ trích của giới truyền thông và các cổ đông, hậu quả là cổ phiếu của Coteccons liên tục giảm, mặc dù, trong những lần trả lời chất vấn, ông Bolat Duisenov luôn thể hiện sự cầu thị của bản thân và hứa hẹn sẽ dẫn dắt Coteccons đến tương lai tốt đẹp.
Coteccons với nhiều vấn đề khác nhau – đặc biệt là quá trình chuyển giao quyền lực chẳng mấy êm đẹp, thêm tác động từ Covid-19, đã có kết quả kinh doanh tuột dốc: doanh thu hợp nhất 14.558 tỷ đồng – giảm 61,34% so với 22.733 tỷ đồng năm 2019, lợi nhuận sau thuế chỉ 334,5 tỷ đồng – giảm 47,8% so với mức 710 tỷ đồng năm 2019.
Còn nếu so với mục tiêu kinh doanh đề ra ở ĐHCĐ 2020, họ hoàn thành 91% kế hoạch doanh thu và 56% lợi nhuận sau thuế. Trách nhiệm của sự sụt giảm nói trên, thuộc cả về người cũ lần người mới.
Để xoa dịu các cổ đông cũng như thể hiện tham vọng lớn của Coteccons, vào khoảng tháng 2/2021, Ban lãnh đạo của doanh nghiệp ngày đã tuyên bố đặt kế hoạch doanh thu 1 tỷ USD (23.052 tỷ đồng) và 5% lợi nhuận gộp. Mục tiêu doanh thu này xấp xỉ với năm 2019, trước Covid-19. Với việc Covid-19 không biết bao giờ mới chấm dứt và Coteccons đang trong thời điểm gặp nhiều thách thức, đây được đánh giá là một mục tiêu khó nhằn.
Ban lãnh đạo Coteccons 2021.
Tuy nhiên, trong ĐHCĐ 2021 sáng nay, Ban lãnh đạo Coteccons đã điều chỉnh mục tiêu kinh doanh của mình, từ 1 tỷ USD ~ 23.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2021 xuống còn 17.413 tỷ đồng - nhỉnh hơn năm 2020 một chút, và 340 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo đó, doanh thu sẽ tăng khoảng 20% và lợi nhuận tăng 2% so với năm 2020.
Ông Bolat Duisenov giải thích về sự điều chỉnh trong ĐHCĐ 2021 như thế này: "Doanh thu 1 tỷ USD là mục tiêu nội bộ đầu năm 2021 sau những nỗ lực đo lường thị trường. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, chúng tôi lần nữa soát xét vấn đề và cảm thấy không thể ngay lập tức nhảy vào mảng năng lượng tái tạo.
Chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận bất cứ dự án nào trong lĩnh vực đầy rủi ro này trước năm 2022. Vậy nên, chúng tôi đã điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, mặc dù chúng tôi luôn muốn đặt ra các mục tiêu rất cao".
Ngoài ra, có vẻ Coteccons đã căn cứ vào kết quả kinh doanh quý I/2021, để điều chỉnh lại kế hoạch ban đầu. Theo tiết lộ từ Ban lãnh đạo, doanh thu hợp nhất quý I/2021 của Coteccons vào khoảng 2.568 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 54,5 tỷ đồng; tức đã hoàn thành 14,7% - 16% kế hoạch năm. Nếu chỉ xét lợi nhuận, con số nói trên khá thấp so với cùng kỳ năm trước; con số tương đương là 123 tỷ đồng năm 2020, 189 tỷ năm 2019, 290 tỷ năm 2018, 301 tỷ năm 2017.
Ngoài ra, sở dĩ trong khi doanh thu tăng 20% mà lợi nhuận tăng 2%, là bởi Coteccons cần rất nhiều nguồn lực để chuyển đổi cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp, đầu tư vào con người – công nghệ… Cũng theo Ban lãnh đạo doanh nghiệp này, động thái này trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Coteccons, song nó sẽ được cải thiện dần vào những năm sau, khi những đầu tư này phát huy được hiệu quả theo thời gian.
Bên cạnh đó, theo tiết lộ của Phó Tổng Giám đốc - Michael Trần, trong quý I/2021, Coteccons đã trúng thầu được 10 dự án, 7 trong đó thuộc công ty mẹ Coteccons và 3 là của Unicons. Tổng giá trị của 10 hợp đồng nói trên khoảng 2.500 tỷ đồng. Còn để hoàn thành mục tiêu doanh thu 17.413 tỷ đồng, Coteccons cần ký hợp đồng mới trong năm 2021 với tổng giá trị khoảng 21.500 – 25.000 tỷ đồng, tổng giá trị dự án dự kiến tham gia đấu thầu cũng vào khoảng 107.500 – 125.000 tỷ đồng.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị