PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh, việc học tập trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong việc đối phó với dịch bệnh COVID-19 mà đã được lãnh đạo Học viện đặt ra trong quá trình thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế với việc áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
"Thực chất đây không phải việc làm mới, ngay từ đợt dịch thứ nhất (sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), Học viện Tài chính là một trong những ngôi trường đầu tiên tiến hành việc giảng dạy trực tuyến. Ban đầu một số giảng viên còn lo ngại, song với quyết tâm của PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, sau một ngày tập huấn, việc học theo hình thức này đã được thực hiện suôn sẻ, phát huy hiệu quả", TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ II cho Học viện Tài chính (ảnh chụp năm 2018). |
Theo đó, toàn bộ giảng viên, sinh viên của Học viện đã chấp hành theo kế hoạch, chủ động thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc. Học viện cũng phân công Ban Thanh tra độc lập thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc học theo hình thức này thông qua một trung tâm thông tin, qua các "zoom" (phòng-PV) trên hệ thống có thể theo dõi giảng viên nào đang giảng dạy vào giờ nào, cho lớp nào... Quan trọng nhất, khi hết dịch sinh viên quay trở lại trường vẫn bảo đảm thời gian, tiến độ chương trình đào tạo và kết quả thi đạt chất lượng theo quy định...
Từ một câu chuyện hướng nghiệp...
Trong căn phòng làm việc được bày biện đơn giản, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ kể về những câu chuyện cuộc đời, về nghề giáo hết sức gần gũi, mộc mạc. Sinh năm 1963, tại vùng quê Kinh Bắc (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), trong một gia đình có bố tham gia quân ngũ, mẹ ở nhà làm ruộng, từ nhỏ cậu bé Nguyễn Trọng Cơ đã sớm phát huy tố chất khi học giỏi môn Toán và thường xuyên được bạn bè nhờ cậy giảng bài. Tuy nhiên, nghề giáo không phải là nghề mà ông định lựa chọn từ đầu.
"Năm học cấp ba được bạn hỏi bài, mình nói một lúc thì đau họng, khản cổ, nên nghĩ mình không thể làm giáo viên được. Đến khi tốt nghiệp đại học, nhà trường giữ lại làm giảng viên thì cảm giác không phải được giữ lại, mà là... bị giữ lại. Bản thân mình cũng muốn làm việc liên quan đến ngành Tài chính hơn...", PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ dí dỏm mở đầu câu chuyện.
Khi đất nước sắp bước vào giai đoạn đổi mới, cuộc sống của giáo viên vất vả, nhất là so với bạn bè cùng lớp tốt nghiệp ra trường làm ngoài, nên nhiều lúc ông cảm thấy băn khoăn. Thậm chí, đến những năm 1990 - 1991 ông muốn xin ra, nhưng thầy Khải - Trưởng bộ môn lúc đó đã động viên: "Lúc cậu khó khăn nhất mà còn vượt qua được, thì bây giờ đỡ hơn, tại sao không ở lại?". Vậy là, cơ duyên với nghề, cộng với sự dìu dắt của người lãnh đạo tiền nhiệm đã "chọn người", dù chính ông cũng dần nhận ra đây là một nghề cao quý và rất thú vị.
"Mỗi lần lên lớp giảng cho sinh viên, nhất là lúc mới ra trường, thầy và trò cùng trẻ như nhau, được trò nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ, mình thấy tự hào, thầm nhủ phải cố gắng hơn từng ngày để xứng đáng với sự ghi nhận của đồng nghiệp và sinh viên", ông nhớ lại.
Đến cái "Tâm" của người làm nghề
Với phong thái cởi mở, dân dã, người thầy am tường về lĩnh vực tài chính khiêm nhường kể về những nội dung bài giảng xoay quanh việc phân tích hoạt động kinh tế, phân tích hoạt động tài chính doanh nghiệp, kế toán quản trị, lý thuyết kiểm toán..., chung quy lại là cách phân tích các báo cáo tài chính.
Học viện tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành bổ ích cho sinh viên. |
Theo ông, nghề tài chính tưởng là khô khan, tuy nhiên những con số cũng có tâm hồn, cũng đa dạng, phong phú và phức tạp; ai gần gũi, yêu quý, tìm hiểu về nó thì nó sẽ cho biết nhiều điều khác nhau. "Đặc biệt, nó tiết lộ rất rõ sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp, cho thấy khả năng tồn tại, phát triển của doanh nghiệp đó. Chính vì có tâm hồn như thế nên nhiều người muốn khám phá, cũng như tâm hồn một cô gái đẹp mà nhiều chàng trai tò mò muốn tìm hiểu vậy", ông ví von.
Rồi ông lấy ví dụ về doanh nghiệp nước hoa Thanh Hương từng được báo chí thông tin như một "điểm sáng" kinh doanh, sáng tạo trong thu hút nguồn vốn xây dựng thương hiệu những năm 1992, 1993. Tuy nhiên qua phân tích hoạt động của doanh nghiệp này, nhất là nhìn vào báo cáo tài chính cho thấy lãi suất vay mượn lớn hơn lãi suất kinh doanh, ông lo ngại điểm sáng này không tồn tại được lâu.
Quả nhiên, một thời gian ngắn sau đó, doanh nghiệp này đã phải phá sản vì nền tảng hoạt động theo kiểu mô hình kinh doanh đa cấp, trả lãi rất cao, lấy tiền của người sau trả cho người trước, không bền vững... Ông cho rằng, nếu có cảm nhận về "tâm hồn của những con số", cộng với hiểu biết về bối cảnh kinh tế - xã hội và điều kiện trong tương lai gần, tương lai xa thì sẽ có dự báo phù hợp trong đầu tư, kinh doanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, giảng về kinh tế, tài chính mà không có thực tế thì không thể giảng được. Khi quyết định ở lại trường một thời gian, ông được VTV2 mời chia sẻ về báo cáo tài chính trong công ty cổ phần trên chuyên mục phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp cần biết. Rồi liên tục được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội ngân hàng, các doanh nghiệp, công ty, các lớp đào tạo, bồi dưỡng kế toán trưởng... mời giảng. Càng đi giảng bên ngoài nhiều càng giúp ông bồi đắp thêm kiến thức thực tế về những ngành nghề khác nhau để quay trở lại làm nguồn tư liệu phong phú cho sinh viên.
"Để khơi dậy hứng thú của sinh viên đối với bài giảng thì phải cho họ thông tin thực tế chứ không chỉ kiến thức hàn lâm, vận dụng những câu chuyện vui vui có liên quan", ông nói và nhận định, kế toán trưởng là người "đẻ" ra những con số, nhưng không phải ai cũng hiểu "tâm hồn" những con số và biết đọc các báo cáo tài chính. Trong khi, đối với những công ty cổ phần, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc đọc báo cáo tài chính sẽ giúp họ đưa ra quyết định tài chính phù hợp với năng lực; tổ chức khai thác, quản lý sử dụng hiệu quả tài chính; hay luân chuyển nguồn tiền đầu tư một cách hợp lý.
"Tiền trong doanh nghiệp cũng như cơ thể con người, tiền nhiều khỏe mạnh thì tốt nhưng nếu khỏe quá dẫn đến huyết áp cao cũng mệt, hoặc nếu không biết tổ chức, luân chuyển tiền tốt mà làm phát sinh cục máu đông thì cũng rất nguy hiểm..." - PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ phân tích. Những bài giảng của ông chính là giúp người dân, doanh nghiệp cảm nhận được điều ấy.
"Có thời gian mình đi giảng ở VCCI, một vị kế toán trưởng lớn tuổi tham dự 5 ngày giảng về cùng một nội dung từng thắc mắc: "Sao em tham dự tất cả 5 lần mà mỗi lần thầy giảng một khác, không thấy chán". Mình nói vui là do "nhìn thấy anh quen quen nên phải giảng khác đi", ông tếu táo. Sự thực thì trước mỗi bài giảng, ông đều tìm hiểu xem đối tượng tham gia lớp học là ai, làm việc ở ngành nghề, lĩnh vực nào. Ngành thực phẩm giảng khác, lương thực lại khác nữa, nếu nói cơ khí thì lấy ví dụ về cơ khí, thương mại thì lấy ví dụ ứng với ngành thương mại, dịch vụ. "Vì mỗi ngành cơ cấu vốn khác nhau. Chẳng hạn ngành thương mại vốn lưu động nhiều hơn vốn cố định, ngành cơ khí thì ngược lại", ông lý giải. Rồi các khái niệm "lãi giả, lỗ thật", "sập giá", "hạ cốt đất"... đều được ông mổ xẻ sâu kỹ, lấy ví dụ cụ thể bằng những câu chuyện sinh động, đời thường nên học viên dễ hiểu, dễ nhớ.
"Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt người học thể hiện sự quan tâm, đam mê, mình rất hạnh phúc. Càng cảm nhận rõ hơn, nghề giáo thực sự là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Là một trong những giáo viên tồn tại được bằng nghề từ sớm, mình cũng công nhận, đời sống giáo viên hiện tại nói chung vẫn vất vả, chưa đạt được mức thu nhập trung bình của xã hội, song không còn khổ cực như ngày xưa nữa. Bây giờ nhiều giáo viên trẻ ngoài công việc chính còn đi giảng ở nhiều nơi khác nhau, giảng ngoại ngữ hoặc luyện thi chứng chỉ nghề nghiệp như ACCA, CPA, CFA...", NGND, Giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ. Song dưới góc độ một nhà quản lý, ông luôn trăn trở sao để đời sống cán bộ, giảng viên được nâng cao, để các thầy cô có thể sống được bằng nghề.
Vì thế hệ tương lai
Đối lập với phong thái giản dị, cởi mở trong cuộc trò chuyện, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ tự nhận, ông là người cả nghĩ. Có lẽ, xuất phát từ trách nhiệm của một người đứng đầu Học viện Tài chính nên mỗi tối ông đều hay soi lại mình, một ý tưởng hình thành cứ luẩn quẩn trong đầu nếu chưa được giải quyết thỏa đáng. "Mình luôn nhắc anh em, trong nghiên cứu khoa học phải có cái nhìn đa chiều, toàn diện. Nói cách khác là luôn "suy nghĩ không cũ về một vấn đề không mới", ông nói. Giám đốc Học viện hướng cán bộ, giảng viên tổ chức nghiên cứu những công trình cấp quốc gia, hay những đề tài, sáng kiến có thể giải quyết vấn đề đặt ra tại các địa phương, tránh việc đi theo lối mòn.
Ông cũng vận dụng "suy nghĩ không cũ" trong công tác quản lý: Luôn tạo cơ hội cho những cán bộ có năng lực được thể hiện, được cống hiến; còn người có khuyết điểm thì được sửa chữa. Phải chăng, chính nhờ cách nhìn tích cực của người đứng đầu đã đem lại nhiều "quả ngọt" cho Học viện Tài chính những năm gần đây - một trong những ngôi trường đầu ngành về lĩnh vực kinh tế, tài chính khi 98% sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp, thậm chí nhiều ngành học, sinh viên dù chưa ra trường song đã giữ vị trí tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp uy tín...
Hiện, Học viện đang đào tạo hơn 21.000 sinh viên cả hệ chính quy và vừa học vừa làm, ở các trình độ: đại học, thạc sỹ, tiến sỹ với các chuyên ngành nổi bật: Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế, Quản lý kinh tế; Quản trị kinh doanh...
Với những đóng góp lớn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, GS.TS Nguyễn Trọng Cơ được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú" (2012), được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (2014) cùng nhiều Bằng khen. Năm 2020, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân". Tập thể Học viện Tài chính từng được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 2 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất... |
Xem thêm: /897046-iom-gnohk-od-aud-iougN/us-gnohP/nv.moc.dnac.gtna