Theo báo cáo Quý I mới được Nextrans - quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc công bố, tổng giá trị các khoản đầu tư trong 3 tháng đầu năm vào các startup Việt Nam đạt trên dưới 130 triệu USD.
Cụ thể, có 16 thương vụ đầu tư thành công. Con số này giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020 (20 thương vụ) và giảm gần một nửa so với thành tích 30 thương vụ của Quý I/2019. Bên cạnh đó, tổng giá trị các khoản đầu tư dù vẫn còn thua xa mốc kỷ lục gần 300 triệu USD của cùng kỳ năm 2019 nhưng cũng đã tăng trưởng hơn so với năm 2020.
Nguồn: Nextrans
Đồng thời, các thương vụ đầu tư hầu hết tập trung vào vòng hạt giống và series A, chiếm 70% và cũng vượt trội so với cùng kỳ các năm trước.
Xét theo lĩnh vực, Fintech (công nghệ tài chính) đang nổi lên và ghi nhận nhiều thương vụ đầu tư nhất (4 thương vụ). Trong đó, nổi bật là sự kiện MoMo gọi vốn thành công vòng series D với giá trị 100 triệu USD, “cân” khoảng 77,5% tổng giá trị đầu tư của cả giới khởi nghiệp Việt.
Ngoài ra, một số startup khác cũng gây được dấu ấn, có thể kể đến như Dat Bike - startup sản xuất xe máy điện từng gọi vốn thành công trên Shark Tank, tiếp tục huy động thành công 1 triệu USD, hay Citics.vn - startup công nghệ bất động sản có dàn lãnh đạo đến từ Cenland và nhà sáng lập The Coffee House - Nguyễn Hải Ninh.
Các thương vụ đầu tư nổi bật trong Quý I/2021.
Trong quý I, quỹ đầu tư ngoại vẫn chiếm ưu thế hơn hẳn so với các quỹ trong nước về cả số thương vụ và quy mô. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những nguồn đầu tư chủ chốt cho thị trường startup của mình. Đáng chú ý, trong năm 2021, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp để rót vốn đầu tư cũng như hợp tác với các startup được sáp nhập.
Cụ thể, tháng 12/2020, VNG đầu tư 100 tỷ đồng trong vòng Series A cho startup EcoTruck. Đến tháng 3 vừa qua, VNG tiếp tục đầu tư 138 tỷ đồng cho Got It, một nền tảng tặng quà trực tuyến. VinaCapital cũng đã rót 1 triệu USD vào vòng Series A của ứng dụng livestream GoStream. Hay PNJ đã mua lại 30% cổ phần của ứng dụng tài chính Người Bạn Vàng, khoản đầu tư trị giá 3 tỷ đồng. MoMo dù vẫn đang đi gọi vốn nhưng cũng đã tự thành lập một quỹ riêng để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nước.
Theo Nextrans, công nghệ tài chính (Fintech) và công nghệ bất động sản (Protech) là 2 lĩnh vực sẽ phát triển trong thời gian tới. Từ 2019, Việt Nam đã có khoảng 50 startup hoạt động trong lĩnh vực Protech và có xu hướng "bắt tay" với các ứng dụng công nghệ tài chính trên thị trường. Họ cho rằng sự hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử sẽ giúp khâu thu phí từ người dùng diễn ra dễ dàng hơn.
Trong khi đó, báo cáo của Nextrans kỳ vọng về một tương lai tươi sáng cho lĩnh vực công nghệ tài chính, dự báo tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm tới với doanh thu các dịch vụ tài chính số dự kiến đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2025.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị