Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi họp chiều 26-4 - Ảnh: THẢO LÊ
Tại cuộc họp, đại diện UBND quận 8 cho biết địa bàn quận có nhiều lao động nhập cư, việc hát hò gây ồn diễn ra khá phổ biến. Khi nhận được tin báo, UBND quận đã tổ chức lực lượng để kiểm tra, lập biên bản xử lý.
Tuy nhiên, đại diện quận 8 cho biết sau khi xử lý, có một bộ phận người dân không chịu chấp hành và vẫn gây ồn. UBND quận 8 gặp khó khăn trong việc xử phạt các trường hợp này do không thể đo tiếng ồn.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các đơn vị không nhắc lại việc "không thể xử phạt do không thể đo độ ồn".
"Đo tiếng ồn là để xử lý các cơ sở karaoke trong phòng kín, còn ở không gian ngoài trời làm sao mà đo. Cứ dựa vào đó mà nói không thể xử phạt là không được. Đó là vi phạm trật tự xã hội. Đừng nghĩ đến cái đó nữa", ông Hoan nhấn mạnh.
Ông Hoan cho biết theo quy định, việc xử phạt tiếng ồn là trách nhiệm chính của công an, cảnh sát khu vực nhưng không phải chính quyền địa phương không có cách làm. Vi phạm trật tự xã hội là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan: 'Không cần đo độ ồn vẫn có thể xử lý người vi phạm' - Ảnh: THẢO LÊ
"Ta phải áp dụng các quy định pháp luật khác để xử tiếng ồn. Nghị định 167 lấy đó để xử lý. 300.000 đồng cũng phạt, tịch thu tang vật. Ngay cả những cơ sở kinh doanh ăn uống nhưng có ca hát ảnh hưởng đến người khác cũng là vi phạm trật tự. Xử phạt đi, không cần đo", ông Hoan nói.
Phát biểu kết luận sau khi nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo, nói về trách nhiệm của người đứng đầu khi xử lý vi phạm tiếng ồn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết nếu qua kiểm tra của cơ quan chức năng có tình trạng vi phạm tiếng ồn trên địa bàn nhưng không được giải quyết hoặc giải quyết không kiên quyết, chủ động thì chủ tịch UBND phường, quận phải chịu trách nhiệm.
Việc này nhỏ mà không làm được thì không nên làm chủ tịch phường, quận. Chuyện nhỏ làm không xong làm sao làm chuyện lớn được"
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan
Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho biết trong khoảng 1 tháng (từ 10-3 đến 19-4-2021), Cổng thông tin 1022 do Sở Thông tin và truyền thông vận hành đã tiếp nhận 1.061 tin phản ánh liên quan đến tiếng ồn.
Những phản ánh này đã được chuyển đến UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xử lý. Trong đó có 764 tin đã xử lý, 297 tin đang trong quá trình xử lý.
Ngoài ra, các quận huyện có các kênh tiếp nhận qua phần mềm trực tuyến, đường dây nóng của các quận huyện. Tuy nhiên chưa có đầy đủ số liệu để tổng hợp, thống kê.
Bà Mỹ cũng cho biết Công an TP.HCM đã giao Công an TP Thủ Đức và các quận huyện nắm tình hình, mở rộng điều tra cơ bản, khoanh vùng, lập danh sách khu vực thường xuyên vi phạm. Giao các phòng ban chuyên môn PC05 mở chuyên đề xử lý ô nhiễm tiếng ồn, báo cáo chuyên đề định kỳ 6 tháng, năm. Giao Công an phòng cháy chữa cháy lồng ghép các nội dung tuyên truyền về nâng cao ý thức, tuân thủ các quy định về tiếng ồn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: THẢO LÊ
Sở Tài nguyên và môi trường đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và môi trường kiến nghị bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt của UBND cấp xã đối với các vi phạm quy định về tiếng ồn tại Nghị định 155. Đồng thời, bổ sung quy định đo độ ồn khu vực (độ ồn nền) để xác định mức ồn vượt chuẩn, bổ sung quy định về trang bị phương tiện đo độ ồn cho lực lượng thanh tra chuyên ngành về môi trường.
Ngoài ra, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện đã chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn quận.
Hiện nay đang tập trung rà soát các điểm có nguy cơ, kiểm tra nhắc nhở và yêu cầu cam kết khắc phục, chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm kiểm tra xử phạt nghiêm theo quy định từ ngày 30-6-2021 theo chỉ đạo của UBND TP.
Theo Nghị định 167 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; hành vi gây tiếng ồn lớn, làm ồn ào huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau thì xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.
Đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự cộng đồng, xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép thì xử phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng; phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
TTO - Theo hướng dẫn của Sở Tư pháp TP Đà Nẵng gửi Công an TP và UBND các quận huyện, mức phạt dành cho hành vi hát karaoke, mở nhạc gây ồn ào khu dân cư từ 100.000 đến 1.000.000 đồng.
Xem thêm: mth.31205346162401202-no-od-od-nac-gnohk-yagn-tahp-no-yag-ekoarak-yl-ux-mch-pt/nv.ertiout