Sáng nay (27-4) sẽ diễn ra lễ công bố quyết định của Thủ tướng về công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và quyết định công nhận Thạnh An là xã đảo.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng nhiều chuyên gia đi
khảo sát thực tế tại huyện Cần Giờ hôm 24-4. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Nhiều điểm sáng xây dựng nông thôn mới
Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP.HCM, toàn huyện có sáu xã và một thị trấn với hơn 19.000 hộ dân (hơn 73.000 nhân khẩu). Từ xuất phát điểm thấp, qua 10 năm thực hiện đề án phát triển nông thôn mới, đến nay 6/6 xã và huyện Cần Giờ đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn huyện Cần Giờ có nhiều chuyển biến, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hoàn chỉnh làm cơ sở, tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống giao thông kết nối giữa các xã với trung tâm huyện được thông suốt. Đến nay, tỉ lệ lao động có việc làm trong toàn huyện đạt gần 96% (32.300 lao động có việc làm trong tổng số 36.800 lao động trong độ tuổi).
Đến nay, toàn huyện có 64 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 174 km; có 38/38 trường đạt chuẩn (30 trường đạt chuẩn quốc gia); có năm trạm y tế được đầu tư sửa chữa và xây dựng mới, bệnh viện huyện với quy mô 200 giường bệnh, mỗi xã, thị trấn có hai bác sĩ.
Từ những kết quả đạt được, ngày 30-3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định công nhận huyện Cần Giờ là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Cần bước đột phá, hướng ra biển lớn
Để chuẩn bị cho sự kiện này, hôm 24-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, đô thị, giáo dục… đã đi khảo sát thực tế nhiều địa điểm tại huyện Cần Giờ. Sau chuyến khảo sát, các chuyên gia cũng đã có những góp ý để phát triển Cần Giờ trong giai đoạn mới.
PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng phát triển Cần Giờ không phải là việc riêng của TP.HCM mà còn là sự phát triển của Việt Nam với các nước trên thế giới. “Không thể chấp nhận logic thông thường huyện Cần Giờ là huyện khó khăn, cần phát triển từng bước, tuần tự, mà cần có tầm nhìn, đột phá và tận dụng được lợi thế để phát triển” - ông Thiên nói và cho rằng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có thể sẽ khởi đầu cho cuộc đua phát triển mới.
Theo ông Thiên, là huyện đi sau nên Cần Giờ còn thiếu thốn nhiều điều kiện, nguồn lực, kể cả con người, hạ tầng, kết nối. Do vậy, trước mắt cần phải giải quyết cơ bản quy hoạch, tầm nhìn Cần Giờ sáng rõ, thuyết phục trên cơ sở đặt Cần Giờ vào tổng thể phát triển chung. Trong đó cần chú ý đến vấn đề kết nối. “Nếu kết nối không tốt thì sẽ bị phá vỡ hoặc không phát triển được. Quy hoạch không tốt, không công khai, minh bạch, đất cát sẽ bị băm nát” - ông Thiên nói và đề nghị huyện không sa vào bẫy đầu cơ đất.
Còn TS Trần Du Lịch cho rằng Cần Giờ là mặt tiền biển của TP nên quyết định xây dựng khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ để biến nơi đây thành cửa ngõ là đúng đắn. Vì vậy, TP cần tháo gỡ vướng mắc để nhà đầu tư thuận tiện thực hiện các dự án, hình thành dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ.
Ông Lịch cũng lưu ý về việc bảo vệ rừng, bảo vệ “lá phổi” của toàn vùng đô thị TP.HCM và xây cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh. “Không có cầu, đừng bàn đến phát triển” - ông Lịch nói.
Để phát triển Cần Giờ, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng cần chú ý đến ba đặc trưng riêng của Cần Giờ, gồm: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, vị trí mặt tiền cửa biển và hệ thống di tích.
Theo bà Hậu, việc UNESCO công nhận rừng Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn gián tiếp công nhận và vinh danh công lao của Việt Nam, của TP trong việc khôi phục mảng rừng đã bị chiến tranh tàn phá. Đây chính là “ADN” giúp Cần Giờ và TP khác biệt so với nhiều nơi khác.
Đối với vị trí mặt tiền cửa biển, bà Hậu cho rằng Cần Giờ không chỉ là mặt tiền, cửa ngõ của TP mà còn mang lại kinh tế biển cho cả vùng Nam bộ. Vì thế, phát triển Cần Giờ không chỉ là phát triển cho một huyện mà còn là phát triển cho cả vùng.
Còn về hệ thống di tích ở Cần Giờ, bà Hậu cho rằng nó có giá trị rất đặc biệt, mang tính độc đáo mà nhiều nước trong khu vực không có. Chính vì vậy cần biến lợi thế này để phát triển du lịch văn hóa, bên cạnh phát triển du lịch sinh thái.
Nhiều ưu đãi cho người dân xã đảo Thạnh An Hôm 1-4, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận xã Thạnh An là xã đảo thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7. Với quyết định này, hơn hai tháng nữa, xã đảo Thạnh An sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi đối với xã đảo như Nghị định 76/2019. Cụ thể, người lao động làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có xã đảo sẽ hưởng các ưu đãi về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp... để yên tâm công tác, đóng góp nhiều hơn cho địa phương. Thạnh An là một trong sáu xã thuộc huyện Cần Giờ, nằm ở phía đông nam của TP.HCM, được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ. Xã rộng hơn 13.100 ha (18% diện tích Cần Giờ), hơn 1.130 hộ với khoảng 4.500 người. Nơi đây được xem là khu vực đặc biệt khó khăn của TP.HCM. |