Sáng sớm 27-4, giao tranh dữ dội xảy ra tại một tiền đồn quân sự gần biên giới phía đông với Thái Lan – khu vực phần lớn do nhóm vũ trang Liên đoàn Quốc gia Karen (KNU) kiểm soát, hãng tin Reuters cho biết.
KNU cho biết đây là một trong những trận giao tranh dữ dội nhất giữa hai bên kể từ sau cuộc chính biến ngày 1-2 do quân đội Myanmar tiến hành, và nhóm này đã chiếm tiền đồn quân sự.
Dân ở các làng nằm dọc sông Salween ở Thái Lan cho biết nghe tiếng súng hạng nặng nổ trước khi trời sáng. Các video trên mạng xã hội cho thấy có nhiều khói và lửa trên đồi.
Khoảng hơn 3.000 người Myanmar ở bang Karen đã vượt sông Salween sang tị nạn ở Thái Lan. Ảnh: AFP/Lillian SUWANRUMPHA
Theo lời nhiều dân làng Thái Lan thì tiền đồn quân sự này nhiều tuần nay đã bị KNU bao vây và binh sĩ bên trong không còn thức ăn.
Tiền đồn quân sự bị lực lượng KNU chiếm trong khoảng 5 đến 6 giờ sáng, người phụ trách đối ngoại của nhóm này nói với Reuters. Người này cho biết tiền đồn bị chiếm đóng và bị đốt, hiện nhóm này vẫn đang kiểm tra thương vong.
Các tay súng nhóm vũ trang KNU. Ảnh: EPA
Một quan chức Thái Lan ở tỉnh Mae Hong Son cho biết có một người bên phía Thái Lan bị thương, nhưng không nói chi tiết thêm.
Quân đội Myanmar chưa bình luận.
KNU cho biết đã có 24.000 người phải sơ tán tránh bạo lực trong những tuần gần đây, cả tránh đạn pháo không kích từ không quân Myanmar. Hiện số người này đang ẩn náu trong rừng.
Dân làng Day Pu Noh ở bang Karen đang ẩn náu tránh đạn pháo không kích từ không quân Myanmar. Ảnh: Free Burma Rangers/REUTERS
Myanmar có hơn 20 nhóm vũ trang thiểu số và nhiều nhóm trong số này phản đối quân đội và chính quyền quân sự. Nhiều nhà quan sát lo ngại Myanmar sẽ lâm vào nội chiến một khi chính phủ đối lập (gồm các nhân vật ủng hộ chính quyền dân sự) kêu gọi sự ủng hộ từ các nhóm vũ trang này để chống lại quân đội.
Diễn biến giao tranh xảy ra chỉ vài ngày sau khi các lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp thượng đỉnh bàn về khủng hoảng Myanmar, với sự có mặt của Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing.
ASEAN và lãnh đạo quân đội Myanmar đã thống nhất được một tuyên bố chung 5 điểm nhằm giải quyết khủng hoảng Myamar.
5 điểm này gồm: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa “tất cả các bên liên quan”, viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện đàm phán, cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar.