Những cây Monstera xanh (không đột biến) hoặc đột biến nhẹ đang được bán tại TP.HCM chỉ trăm nghìn đến vài triệu đồng/cây - Ảnh: N.TRÍ
Theo các chuyên gia, giá Monstera hiện nhiều loại bán giá hợp lý nhưng có loại cao không khác câu chuyện "lan đột biến".
Xôm tụ, đấu giá liên tục
Theo ghi nhận, diễn đàn có tên gọi "Sàn kiểng lá - ...", thành lập tháng 11-2020 trên Facebook với sản phẩm chủ đạo là cây Monstera đột biến (còn gọi Monstera var) với các dòng được dân chơi đặt tên như Thai constellation, White, Mint... hiện rất xôm tụ. Sàn thu hút 8.800 thành viên với hàng nghìn bài đăng chủ yếu chào bán, đấu giá dòng cây Monstera.
Với bài giới thiệu của một thành viên về cây Philodendron Florida beauty Var (Én Var) tại TP.HCM, sau một hồi đấu giá, giá cây nâng lên liên tục, đạt 66 triệu đồng. Trong khi đó, trên tài khoản Facebook Đ.H đăng bài bán cây Mint giá khởi điểm tới 1,1 tỉ đồng.
Tương tự, với tên gọi Monstera trầu bà Nam Mỹ Var & cây kiểng lá, diễn đàn này thu hút hơn 4.700 thành viên với hàng chục nghìn bài đăng bán cây, hạt Monstera khá xôm tụ, giá cũng vô chừng. Theo ghi nhận, hầu hết quản trị viên các diễn đàn này đều tạo điều kiện để dân chơi đưa ra đủ loại giá.
Hàng "VIP" từ Thái?
Liên hệ một người đăng bán Monstera tại TP.HCM, người này cho biết vừa nhập về từ Thái Lan hai cây Én. Theo đó, cây 3 lá non được ra giá 40 triệu đồng. Muốn mua Mint cũng có nhưng giá trên dưới 1 tỉ/cây 3 lá nhỏ.
"Anh cần thì đặt cọc trước, khoảng 1 tuần sau chuyển từ Thái Lan về đến Việt Nam" - người này khẳng định. Khi thắc mắc vì sao giá cao như vậy, người này cho biết các dòng Var sản xuất qua cấy mô hoặc hạt không hiệu quả, chỉ trồng lại từ việc cắt nhánh cây mẹ.
"Chỉ có Thái Lan mới có Var đẹp. Khách mua 1 cây giá 100 triệu đồng, về cắt ra ươm được 6-10 cây con và nuôi trong nhiều tháng bán lại 200-300 triệu thì đâu còn cây mẹ. Cây mẹ đã ít, mà chỉ có nhân giống từ cành nên nó hiếm" - vị này nói.
Cẩn thận lan đột biến "phiên bản" mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-4, ông Trương Hoàng - phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam - cho biết cây trầu bà được du nhập vào Việt Nam từ lâu. Và hiện có trầu dị biến (đột biến) dạng lỗ hoặc khía. Tuy nhiên, giá không thể tiền tỉ được.
"Chưa có nhà khoa học nào công bố tác dụng cụ thể của trầu bà ngoài giá trị làm cảnh" - ông Hoàng cho hay.
Trong khi đó, một chuyên gia cây trồng cho rằng giá những cây Monstera đột biến có thể cao hơn dòng thông thường vì độ hiếm, nhưng cùng lắm chỉ vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng/cây. Giá hiện nay quá ảo.
Theo ông Hoàng, cách mua bán dòng cây này hiện vẫn mập mờ, đó có thể là câu chuyện "hoa lan đột biến phiên bản 2". "Người chơi cần cẩn trọng cách mua bán "nhị phân" - người bán và người mua lại cùng một hội để làm giá. Sẽ thiệt hại nếu mua giá cao nhưng bán ra không được" - ông Hoàng cảnh báo.
Nhập khẩu vẫn phải kiểm dịch
Theo cơ quan chức năng, hiện trầu bà Nam Mỹ là giống cây trồng làm cảnh được phép nhập khẩu vào VN. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-4, ông Nguyễn Như Cường - cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết trường hợp giống cây trồng được phép nhập khẩu vào VN thì không cần xin giấy phép nhập khẩu giống cây tại cục. Tuy nhiên, các thủ tục liên quan nhập khẩu đối với giống cây vẫn phải tuân thủ theo quy định như kiểm dịch thực vật.
TTO - Cơn sốt lan đột biến chưa lắng hẳn, thời gian qua, lấy lý do cây hiếm, nhiều diễn đàn tung tiếp tin mua bán, săn lùng cây Monstera (trầu bà Nam Mỹ), trong đó có dòng với tên gọi Mint được định giá tiền tỉ mỗi lá dù hình thức khiêm tốn.
Xem thêm: mth.25940151172401202-iom-nab-neihp-neib-tod-nal-naht-nac-it-neit-al-gneik-yac/nv.ertiout