Huế hướng đến mục tiêu ‘4 không’ trong chuyển đổi số
Nhân Tâm - Nam Hưng - Như Huỳnh
(KTSG Online) - Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt ra bốn mục tiêu cụ thể cho hành trình thực hiện chuyển đổi số của mình. Bốn mục tiêu này là làm việc không giấy tờ, dịch vụ công không gặp mặt, họp không tập trung và thanh toán không dùng tiền mặt.
Muốn có sự chuyển đổi số đồng bộ tại các địa phương cần có sự hợp tác và chia sẻ nền tảng dữ liệu chung. Ảnh chụp trong buổi tọa đàm sáng 27-4. Nhân Tâm. |
Ở buổi tọa đàm “Chuyển đổi số hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng” sáng 27-4 tại thành phố Huế, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế, cho rằng để làm được điều này, tất cả phần mềm quản lý của cơ quan nhà nước sẽ vào một hệ thống dùng chung, bảo đảm tính đồng bộ. Huế phải thực hiện nhiều hoạt động cùng một lúc, như kết nối doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, phát triển công nghệ số tạo lập phương thức giáo tiếp mới, tiếp tục phát triển ứng dụng Hue-S, ưu tiên các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường, dịch vụ công và triển khai 5G trên toàn tỉnh vào năm 2022.
Trong đó, ông Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng Hue-S. Đây là hệ thống ứng dụng trên nền tảng di động phục vụ cho người dân và du khách các vấn đề về mọi mặt của đời sống xã hội: bao gồm hệ thống phản ánh hiện trường, thông tin cảnh báo, giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, dịch vụ hành chính công...
Thực tiễn vận hành các dịch vụ đô thị thông minh trên ứng dụng Hue-S đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, cũng như gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với hoạt động của chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Chúng tôi ưu tiên tạo dựng cơ sở hạ tầng, rà soát pháp lý, nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), tập trung xây dựng chính quyền điện tử, xúc tiến kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp vào lĩnh vực chuyển đổi số”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ tại tọa đàm và cho biết thêm, tỉnh đã trao chủ trương nghiên cứu đầu tư cho một liên doanh của Hàn Quốc đầu tư 3.500 tỉ đồng, xây dựng khu vực thành phố thông minh, bao gồm phát triển CNTT, công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực…
Khách hàng trải nghiệm thực tế ảo tại không gian trải nghiệm chuyển đổi số nằm trong Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2021 do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức từ ngày 27 đến 30-4-2021. Ảnh: Nhân Tâm |
Ông Bình hy vọng khi dự án hoàn thành vào năm 2025 sẽ tạo tiền đề để tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư CNTT vào tỉnh.
Để tỉnh Thừa Thiên Huế có thể đạt được những mục tiêu trên, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM, đề xuất chính quyền tăng cường cho phép tối đa hình thành dữ liệu mở (Open Data) cũng như cho phép tiếp cận dữ liệu rộng rãi. Đây là điều kiện tốt để doanh nghiệp, nhà đầu tư xem độ mở của một địa phương để quyết định đầu tư.
“Bên cạnh đó, Huế cần có kiến trúc tổng thể về chuyển đổi số. Đây là điều bắt buộc phải thực hiện trong chuyển đổi số”, ông Tuấn nói và chia sẻ thêm phải có mô hình kết nối chuyển đổi số từ sản xuất, logistics, bán hàng, giới thiệu, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo nên hệ sinh thái giải pháp số cho doanh nghiệp phía Nam.
Tọa đàm là một phần của Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2021 do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức từ ngày 27 đến 30-4-2021 với chủ đề “Cơ hội - Thách thức”, nhằm góp phần thúc đẩy, xúc tiến, hợp tác, đầu tư các ngành, các lĩnh vực tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và nền kinh tế khu vực, cả nước nói chung. Ngoài các buổi hội thảo còn có các buổi triển lãm giới thiệu, trải nghiệm các ứng dụng, giải pháp chuyển đổi số cùng với các diễn đàn chuyên về chuyển đổi số trong các ngành du lịch, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… |
Xem thêm: lmth.os-iod-neyuhc-gnort-gnohk-4-ueit-cum-ned-gnouh-euh/867513/nv.semitnogiaseht.www