Kết quả khảo sát mới nhất của NielsenIQ cho thấy, ở Việt Nam, 77% các SKUs trong ngành hàng nước ngọt có ga đóng góp ít hơn 2% tổng số doanh thu ngành hàng. Điều này phản ánh sự dư thừa của số lượng lớn các SKUs. Tình trạng tương tự ở những ngành hàng trọng yếu khác như: xà phòng (75%), nước rửa chén (72%)...
Theo NielsenIQ, hiện đang là khoảng thời gian tốt nhất để các nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhanh nhìn lại và hợp lý hóa danh mục sản phẩm của mình nhằm thích ứng với sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng sau đại dịch, đồng thời tối ưu hóa các khoản lợi nhuận và chi phí.
Nhiều sản phẩm có doanh thu thấp nhưng chiếm nhiều không gian trưng bày tại các siêu thị |
Bà Didem Sekerel Erdogan, Phó Chủ tịch và Trưởng bộ phận Phân tích Chuyên sâu, khu vực APAC & EEMEA , NielsenIQ cho rằng, điều mà các nhà sản xuất và nhà bán lẻ cần đặc biệt lưu ý là nhiều sản phẩm hơn không đồng nghĩa với kết quả kinh doanh tốt hơn, thậm chí tình trạng ngược lại còn có thể xảy ra. Bởi, nếu các nhà sản xuất quá tập trung vào sản xuất và tạo không gian trưng bày cho các sản phẩm không tạo giá trị gia tăng sẽ vô tình để chính những sản phẩm đó “nuốt” mất phần lợi nhuận biên của mình.
Theo NielsenIQ, hành vi tiêu dùng đang thay đổi nhanh do dịch COVID-19. Nhóm người tiêu dùng bị hạn chế về tài chính khiến chi tiêu tiết chế trở nên thận trọng hơn trong việc mua những gì, ở đâu và khi nào.
Bên cạnh đó, người mua sắm ngày càng ưa chuộng các loại hình cửa hàng nhỏ, như: cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc, cửa hàng bán các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Điều này dẫn đến nhu cầu tối ưu hóa trải nghiệm và hiệu quả tại các không gian mua sắm bị hạn chế.
Đồng thời, với sự tăng trưởng cùng lúc của thương mại điện tử và niềm tin của người mua sắm đối với nền tảng này, người mua đang giảm dần việc mua sắm tại các cửa hàng.
Nguyễn Cẩm