vĐồng tin tức tài chính 365

Đau đầu trước nạn sách giả, sách lậu

2023-08-12 18:27

Hàng triệu quyển sách giáo khoa giả

Mới đây, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Hùng (61 tuổi, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Hà Nội, nguyên Tổ trưởng Tổ 304 - Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương) 9 năm tù về hành vi nhận hối lộ 300 triệu đồng để bao che cho doanh nghiệp sản xuất SGK giả. Dù bị cáo này liên tục kêu oan, nhưng cơ quan tố tụng có đầy đủ chứng cứ để buộc tội.

Cùng vụ án trên, một số bị cáo khác cũng bị tuyên phạt mức án rất nặng. Trong đó, bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) lãnh án 10 năm tù và bị phạt bổ sung 50 triệu đồng. Theo cáo trạng, Thuận đã tiêu thụ hơn 6 triệu quyển SGK giả, thu lời bất chính hơn 30 tỷ đồng. Hội đồng xét xử còn tuyên buộc Thuận nộp hơn 8 tỷ đồng để sung công quỹ, còn các đồng phạm giúp sức cho Thuận phải nộp tổng cộng gần 22 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định, trong năm 2021, Thuận tổ chức sản xuất và thực tế nhập kho hơn 9,4 triệu quyển SGK các loại, giả SGK của NXB Giáo dục Việt Nam và các NXB khác, với trị giá hàng thật là hơn 260 tỷ đồng.

Đây không phải là vụ án SGK giả đầu tiên. Trước đó, nhiều vụ án tương tự đã xảy ra, nhưng quy mô phạm tội nhỏ hơn. Việc sách lậu, sách giả ngang nhiên hiện diện trên thị trường, đặc biệt là được rao bán qua mạng (các website thương mại điện tử, mạng xã hội...) không chỉ khiến các nhà xuất bản thất thu, cả phụ huynh và học sinh cũng không biết đâu mà lần. Sách giả còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết, qua đó triệt tiêu sự sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước.

Theo đại diện chi nhánh Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) tại Hà Nội, đơn vị chuyên phát hành và liên kết xuất bản trên thị trường gần 30 năm nay, hễ cuốn sách nào bán chạy là bị kẻ gian làm sách lậu ngay, với tỉ lệ 100% các cuốn sách bán chạy đều bị làm sách lậu. Những năm trước, sách lậu được bày bán trực tiếp, công khai ở nhiều tiệm, cửa hàng sách..., nay chuyển dần sang các nền tảng online như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, gây thiệt hại rất lớn cho đơn vị tổ chức sản xuất.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho sách giả

Theo bà Trần Khánh Hà (đại diện của First New), sách giả còn được thiết kế dạng PDF hoặc đọc thu âm chép trong USB để dùng nghe trên xe hơi, được công khai rao bán tràn lan trên mạng, cả trên những sàn thương mại điện tử lớn. "Các sàn online mà chúng tôi phát hiện bán sách giả có nhiều tên tuổi như: Tiki, Shopee, Sendo, Lazada..." - Bà Hà cho biết. Việc triệt tiêu hoàn toàn tình trạng này là rất khó, có thể nói gần như bất khả thi.

Gây thiệt hại rất lớn

Chỉ riêng NXB Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 - 2023 đã phát hiện hơn 3,3 triệu bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Sách in lậu, sách giả, sách nhái giống y như sách thật, mạo danh các NXB uy tín trên thị trường còn được bày bán công khai tại Hội chợ sách quốc tế Việt Nam 2015 tại Hà Nội. Tình trạng này còn xảy ra tại không gian Đường sách Hai Bà Trưng (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) hồi tháng 3/2019 do Công ty cổ phần Sách C&C tổ chức, đã bị bạn đọc phát hiện, phản ánh là kinh doanh sách lậu, sách giả. Tình trạng trên cho thấy nạn sách giả, sách lậu đang là mối đe dọa đối với ngành xuất bản, gây thiệt hại rất lớn cho các nhà sản xuất.

Đầu năm 2023, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.Hà Nội đã điều tra, khởi tố thêm một vụ án "sản xuất, buôn bán hàng giả là sách lậu", số lượng được cho là lớn nhất từ trước tới nay, với khoảng 100 tấn của nhóm đối tượng thực hiện trên địa bàn hai huyện Quốc Oai và Thạch Thất (Hà Nội). Những chủng loại sách được các đối tượng làm giả là khoảng 400 đầu sách thuộc bản quyền của rất nhiều đơn vị làm xuất bản, đang thịnh hành trên thị trường như: Đắc nhân tâm, Đọc vị bất kỳ ai, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Muôn kiếp nhân sinh... Cơ quan công an tạm giữ khoảng 100 tấn sách, với hơn 400 đầu sách, gần 400.000 quyển, 2 máy in 4 màu và 1 màu, 37 máy photocopy, 6 máy cắt, 10 máy bìa, 1 máy ra kẽm, 2 hệ thống cắt gập (2 máy gấp, 2 máy cán), 200 bản kẽm... Vụ án này gây chấn động trong giới xuất bản bởi số lượng đầu sách vi phạm, khối lượng sách giả bị tạm giữ cũng như thủ đoạn tinh vi của các đối tượng nhằm qua mắt cơ quan chức năng, che giấu tung tích và lừa dối khách hàng.

Một cơ sở in sách giáo khoa, sách tham khảo giả tại Hà Nội
Đối tượng Cao Thị Minh Thuận (thứ ba từ trái qua, hàng trên) cùng các đồng phạm bị bắt giữ

Điều lo ngại nhất là chất lượng sách lậu, sách giả không chỉ kém về giấy in, màu mực, mà còn có những sai sót rất cẩu thả, dù sao chép từ bản sách thật. Ông Trần Hữu Linh (Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương) cho biết, sách in lậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, các NXB, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả.

Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý vi phạm về sản xuất, in ấn, tiêu thụ sách giả cùng các biện pháp chế tài vẫn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử phạt hành chính. Vì vậy, những vụ án hình sự xử lý các bị cáo Cao Thị Minh Thuận, Trần Hùng... là rất cần thiết, để tiếp tục cảnh báo mạnh mẽ về nạn sách lậu, SGK giả.

Mùa tựu trường đang đến, các phụ huynh cần cảnh giác đối với SGK giả. Cách tốt nhất để mua đúng sách thật là tới các cửa hàng, nhà sách uy tín hoặc chi nhánh NXB Giáo dục Việt Nam ở địa phương mình.

Sách giả, sách lậu hiện nay được rao bán, quảng cáo công khai trên các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, TikTok... Các đối tượng bán sách giả, sách lậu thường lựa chọn những đầu sách được in ấn đơn giản, không công phu, ít ảnh. Các thể loại sách được in lậu thường là sách kinh tế, tâm lý, self-help... Trước đây, sách lậu thường được rao bán thông qua các hình thức "kho sách", "sách xả kho", "sách thanh lý”... Hiện nay, sách lậu lại được rao bán nhiều theo kiểu trao tay giữa người đọc với nhau, với nhiều lý do như "đọc rồi muốn thanh lý bớt", "chuyển chỗ ở", "muốn bán bớt để mua sách mới"...

Theo ông Nguyễn Nguyên (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông), nạn sách giả, sách lậu đã tồn tại hơn 30 năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây dựa trên công nghệ và các nền tảng xuyên quốc gia, ngành xuất bản vẫn tiếp tục đau đầu với thực trạng sách giả, sách lậu. Hiện đang có khoảng trống nhất định về mặt pháp lý, thêm vào đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng về lực lượng đấu tranh với sách giả, sách lậu.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang áp dụng nhiều giải pháp để bảo vệ bản quyền, như: sử dụng công nghệ, thiết lập nhiều kênh kết nối trực tiếp với các nền tảng công nghệ để khi có những dấu hiệu của việc vi phạm bản quyền, sẽ rút các cửa hàng, cá nhân bán sản phẩm đó khỏi các nền tảng. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông còn tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị liên quan đến việc bán sách trên các kênh thương mại điện tử.

Xuân Nhân

Xem thêm: lmth.750151_ual-hcas-aig-hcas-nan-court-uad-uad/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Đau đầu trước nạn sách giả, sách lậu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools