Khó khăn kéo dài do dịch
Đã hơn 1 năm dịch COVID-19 diễn ra, việc làm ít, thu nhập giảm với phần lớn người lao động. Khó khăn kéo dài do dịch và nhiều gia đình công nhân đã phải thắt chặt mọi chi tiêu... Thậm chí, khi kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 đang tới gần, họ cũng cố co kéo, hủy mọi kế hoạch để dành tiền sinh hoạt cho những ngày tiếp theo. Mong ước của họ lúc này là ổn định và không ai bị mất việc làm.
Quyết định không về quê vào kỳ nghỉ này được vợ chồng Tuấn, Luyến (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) tính từ đầu tháng và cả hai đều đăng ký tăng ca vào kỳ nghỉ, thêm đồng nào hay đồng ấy, tất cả đều vì con. Căn nhà 10m2 sẽ là nơi họ trải qua kỳ nghỉ lễ.
Nhiều lao động đã cảm nhận khó khăn, sức ép thu nhập khi dịch kéo dài và nhiều kế hoạch của gia đình họ đành bỏ lỡ.
Vợ chồng Nông (Tuyên Quang) hiếm khi gặp nhau ban ngày. Do con còn nhỏ nên hai vợ chồng phải làm lệch ca để có một người đưa đón, chăm con, chồng ngày vợ đêm, tích lũy chỉ đủ sinh hoạt, cứ tăng ca là nhận, hiếm khi cả nhà đủ 3 người.
Năm trước khi con 4 tuổi, hai vợ chồng đã tính đến chuyện thêm con, nhưng thu nhập bấp bênh, mọi chuyện đều từ bỏ.
Đã hơn 1 năm dịch COVID-19 diễn ra, việc làm ít, thu nhập giảm với phần lớn người lao động. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Mình có ý định sinh thêm nhưng vì thu nhập thấp, khoản để ra được ít nên cũng phải suy nghĩ", chị Hoàng Thị Nông (Tuyên Quang) chia sẻ.
Ở các xóm trọ, điểm chung là tất cả đều thu nhập thấp, cứ chắt chiu thêm được đồng nào là tốt đồng đó. Như anh Tuấn, lương tháng 7 triệu chỉ dám tiêu 2 triệu, số tiền còn lại anh gửi về cho vợ con ở quê.
"Nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thiếu việc làm, do vậy phải cho công nhân nghỉ việc, chúng tôi đã chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động có các khoản tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc", ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội, cho biết.
Hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhiều người không may mất việc làm. Số còn lại phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm. Hầu hết lao động, thu nhập đều giảm từ 10% và mang theo nỗi sợ hãi "mất việc làm".
Tập trung chăm lo, hỗ trợ lao động
Để chia sẻ với người lao động, công đoàn các cấp đã có nhiều hoạt động để chăm lo cho người lao động. Đặc biệt sắp tới là tháng 5, tháng công nhân, nỗ lực được tập trung vào các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhằm chia sẻ, giúp họ bớt đi phần nào những lo toan phía trước và vượt qua giai đoạn gian nan này.
Khi biết hoàn cảnh chị Ái (Tuyên Quang) một mình nuôi 2 con nhỏ, công đoàn đã đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp hỗ trợ để chị được thuê nhà ở xã hội, gần nơi làm việc.
Mỗi tháng, công ty trả 480.000 đồng tiền thuê nhà, còn giờ làm việc luôn được bố trí để chị có thời gian chăm trẻ. Đã từng nhiều lần muốn bỏ việc về quê, nhờ sự giúp đỡ kịp thời của công đoàn và công ty, chị đã trụ lại và càng thêm gắn bó với nơi mình làm việc.
Để chia sẻ với người lao động, công đoàn các cấp đã có nhiều hoạt động để chăm lo cho người lao động.
Mấy năm thu nhập, tích cóp của cả hai vợ chồng chị Thủy (Thái Bình) dồn hết vào chữa bệnh cho con. Khi con đỡ bệnh cũng là lúc hai vợ chồng kiệt quệ, thậm chí nợ tiền nhà trọ nhiều tháng. Nhờ có công đoàn và công ty, gia đình được ở trọ miễn phí. Công đoàn, công ty liên tục kêu gọi quyên góp, giúp cho vợ chồng chị bớt một phần gánh nặng tài chính.
"Rất là cảm động, gia đình em được hỗ trợ phần nào về kinh tế, giúp đời sống gia đình em ổn định hơn", chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.
Tập trung chăm lo cho lao động khó khăn là nhiệm vụ của các cấp công đoàn hơn một năm qua. Các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ, chia sẻ đã tới từng khu nhà trọ.
Tháng Công nhân năm nay, lần đầu tiên chương trình "Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ" được triển khai, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, những câu chuyện cảm động trong lao động và cuộc sống. Từ đó, Công đoàn lựa chọn nội dung cấp bách, có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng đến đông đảo đoàn viên lao động để có biện pháp giải quyết phù hợp, qua đó gắn kết công nhân, công đoàn và doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
"Công đoàn đồng hành cùng công nhân lao động vượt khó khăn do đại dịch COVID-19. Cùng đó, Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động, cố gắng động viên người lao động; cùng với lao động, doanh nghiệp vượt khó để giữ công việc và bảo vệ quyền lợi cho người lao động", ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, nhận định.
Nhiều doanh nghiệp đã hồi phục sản xuất và thu nhập của công nhân đã tăng dần trở lại. Đó là nhờ những hoạt động không ngừng nghỉ của công đoàn trong thời gian qua.
Trong Tháng Công nhân này, công đoàn các cấp, người lao động sẽ tiếp tục cùng doanh nghiệp chung sức vượt khó với tinh thần: "Khó khăn gấp đôi, cố gắng gấp ba".
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, công đoàn các cấp sẽ cùng doanh nghiệp tập trung hỗ trợ người lao động "Đoàn kết - Vượt khó" không chỉ hiện tại, mà cả trong thời gian tới.
VTV.vn - Do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động, hiện nay, tình trạng người lao động mất việc làm, nhận BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.28764158172401202-91-divoc-nod-maht-gnod-oal-iougn/et-hnik/nv.vtv