Nhiều doanh nghiệp nền tảng số muốn hợp tác với du lịch Huế
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Các doanh nghiệp tư nhân có kinh doanh nền tảng trực tuyến giới thiệu các ứng dụng và gợi ý hướng hợp tác với ngành du lịch Huế để thu hút khách tới địa phương miền Trung này.
Đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và TikTok Việt Nam ký hợp tác. Tại diễn đàn du lịch chiều 27-4, ngành du lịch Huế ký hợp tác với nhiều công ty có kinh doanh nền tảng số để tăng trải nghiệm cho du khách đến Huế. Ảnh: Nhân Tâm |
Tại Diễn đàn du lịch Huế 2021 “Chuyển đổi số trong ngành du lịch” được tổ chức chiều 27-4 tại thành phố Huế, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh (TMG) chia sẻ cách đây hơn hai năm ông quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đối số trong du lịch.
Ông mong muốn tạo ra một sân chơi mà những người làm trong ngành du lịch và khách du lịch đều trở thành đại lý cá nhân trên app nào với quy trình đặt máy bay, lưu trú và các dịch vụ du lịch kèm hoa hồng. “Điều này hiện nay rất có ý nghĩa, giúp nhân sự phải nghỉ việc vì Covid-19 có được một kênh để quay lại với nghề”, ông Minh nói và chia sẻ Plutos, tên của ứng dụng, cũng sẽ là giải pháp chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Và để thực hiện hóa ước muốn này, ông Kiên đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế tại diễn đàn này, để cùng hợp tác phát triển với các doanh nghiệp du lịch thành viên tại Huế.
Cũng tại diễn đàn, đại diện các công ty như Vietsoftpro, Tiktok, Viettel VTS và Zalo cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với ngành du lịch Huế.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách của TikTok Việt Nam, chia sẻ mong muốn hợp tác với Huế quảng bá du lịch Huế trong tháng 5 và 6 với hàng ngàn clip ngắn về Huế và 5 triệu lượt xem với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng và khách du lịch.
Ông Hoàng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Vietsoftpro, cũng trình bày chi tiết một số giải pháp về công nghệ 3D trong việc số hóa một số điểm du lịch tại Huế thông qua một vài dự án, như xe đạp thông minh, dịch vụ thuyết minh tự động và trợ lý du lịch ảo, số hóa 3D tài nguyên di sản văn hóa - du lịch và dịch vụ trải nghiệm về đêm
trên nền tảng ứng dụng kỹ thuật công nghệ 4.0.
Trong khi đó, đại diện Viettel giới thiệu hệ sinh thái thanh toàn không tiền mặt thông qua mô hình thẻ tín dụng du lịch (thẻ cứng hoặc quét mã).
Chiếu sáng nghệ thuật Kỳ Đài tại Kinh thành Huế ban đêm. Ảnh: Nhân Tâm |
“Việc triển khai thẻ du lịch thông minh và giao dịch điện tử sẽ được triển khai trong tháng 5”, ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nói và chia sẻ thêm có rất nhiều cơ hội để phát triển chuyển đổi số trong ngành du lịch. Quan trọng là thay đổi nhận thức và nguồn nhân lực về chuyển đổi số bên cạnh hạ tầng đồng bộ.
Ông Giang cũng tiết lộ, trong những ngày tiếp theo, Sở Du lịch sẽ phối hợp với một số công ty cung cấp nền tảng chuyển đổi số để tổ chức các buổi huấn luyện thực tế dành cho nhân viên của các cơ sở lưu trú, lữ hành và điểm du lịch tại Huế.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, Diễn đàn Du lịch “Chuyển đổi số trong ngành du lịch” được tổ chức nhằm triển khai chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; Đề án “Phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2020 - 2021) và Kế hoạch triển khai chương trình trọng điểm phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021.
Xem thêm: lmth.euh-hcil-ud-iov-cat-poh-noum-os-gnat-nen-peihgn-hnaod-ueihn/297513/nv.semitnogiaseht.www