- Trung Quốc và Mỹ cần “đoàn kết để đấu tranh” chống đại dịch COVID-19
- Thế giới cần đoàn kết chống đại dịch COVID-19
Điều đáng nói là số ca nhiễm mới và số ca tử vong có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trong khi các loại vaccine dường như không mang lại kết quả như hy vọng khi loại virus chết người này vẫn có những biến chủng mới. Vì thế, cuộc chiến chống COVID-19 vẫn chưa có ngày kết thúc...
Những diễn biến phức tạp
Cho tới thời điểm này, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Tiêm vaccine tại Utlar Pradesh, Ấn Độ. |
Tại Ấn Độ, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal thông báo, thủ đô sẽ trải qua 7 ngày phong tỏa nghiêm ngặt, bắt đầu từ tối 19-4. Ông Kejriwal cho biết thêm, hệ thống y tế tại New Delhi đang trong tình trạng vô cùng nguy cấp. Thủ đô đang đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh, nguồn cung oxy y tế và các loại thuốc quan trọng như thuốc kháng virus Remdesivir.
Ngày 19-4, Ấn Độ ghi nhận thêm 273.810 ca mắc mới, đánh dấu kỷ lục về số ca mắc mới tại nước này kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Với số ca mắc mới liên tục tăng vọt, tổng số ca mắc tại Ấn Độ đã gần bằng một nửa con số này của Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Như vậy, đến nay Ấn Độ đã vượt mốc 15 triệu ca mắc COVID-19. Số ca tử vong tại nước này cũng tăng lên 178.769 sau khi 1.619 trường hợp tử vong được ghi nhận.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 32.228.968 ca mắc và 579.039 ca tử vong.
Đứng thứ 3 về số ca mắc COVID-19 trên thế giới là Brazil với hơn 13,7 triệu ca, trong đó có 365.954 ca tử vong. Hiện, các bệnh viện công ở bang Sao Paulo - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đang thiếu hụt thuốc men cũng như vật tư y tế cho thủ thuật đặt ống nội khí quản trong điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Tại châu Âu, Đức đang chật vật ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba. Ngày 16-4, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo tình hình dịch bệnh trong nước đang “rất nghiêm trọng” khi số bệnh nhân phải chăm sóc tích cực đã tăng mạnh ở mức cao nhất kể từ ngày 22-1-2021. Bà kêu gọi Quốc hội Đức phê chuẩn dự luật sửa đổi Luật Phòng, chống lây nhiễm để có thể siết chặt các biện phòng dịch một cách thống nhất trên cả nước.
Nhân viên y tế Brazil mai táng những bệnh nhân tử vong vì Covid-19. |
Gần 6.000 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt của Pháp, con số chưa từng thấy kể từ đợt lây nhiễm đầu tiên cách đây 1 năm. Marc Leone, người đứng đầu bộ phận chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Marseille, cho biết các nhân viên tuyến đầu đang kiệt sức. Những người từng được coi là anh hùng khi đại dịch xảy ra hiện cảm thấy đơn độc. Họ đang bấu víu hy vọng vào việc đóng cửa trường học mới cùng các biện pháp giãn cách xã hội sẽ giúp hạn chế lây lan trong những tuần tới.
Vaccine chưa mang lại hiệu quả như mong đợi
Năm ngoái, Chile và Uruguay đã trở thành những hình mẫu về cách đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 và nằm trong số 5 nước hàng đầu trên thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên, cả hai nước Nam Mỹ trên đang trải qua thời khắc tồi tệ nhất của đại dịch khi số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vẫn ở mức cao.
Tháng 3 vừa qua, cả Chile và Uruguay ghi nhận số ca mắc mới tăng rõ rệt nhất kể từ đầu dịch. Trong tháng 4 này, hai nước đều công bố số ca mắc mới mỗi ngày tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, Chile có 9.171 ca mắc mới ngày 9-4, cao hơn cả mốc đỉnh 6.938 ca từng ghi nhận vào mùa đông năm ngoái. Uruguay cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng cao chưa từng thấy với 3.935 ca mắc mới ngày 7-4, sau đó ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 52 ca.
Mặc dù các chuyên gia ở cả Chile và Uruguay cho rằng số ca mắc tăng vọt một phần là do khả năng lây lan mạnh hơn của các biến thể mới, song chưa có dữ liệu cụ thể để chứng tỏ điều này.
Tại Chile, đến nay đã có 30% người dân được tiêm vaccine, trong đó hơn 30% số người này đã được tiêm mũi vaccine thứ hai. Theo số liệu chính thức, số bệnh nhân trên 70 tuổi mắc COVID-19 thể nặng đã giảm 13% trong tháng 3. Hơn 80% số người trong nhóm cao tuổi này đã được tiêm vaccine. Nhưng, cũng trong tháng 3, tỷ lệ người từ 40-49 tuổi mắc COVID-19 tăng 158% trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người này chỉ đạt 1%.
Nhân viên y tế tại bang North Dakota, Mỹ. |
Tại Uruguay, 23% dân số đã được tiêm 1 mũi vaccine và khoảng 5% dân số đã được tiêm mũi thứ hai. Chiến dịch tiêm vaccine tại Uruguay được đánh giá tốt. Tuy nhiên, bà Pilar Moreno, nhà nghiên cứu tại Đại học Cộng hòa và Viện Pasteur de Montevideo, cho biết đất nước đang đối mặt với số ca nhiễm gia tăng theo cấp số nhân và phải đợi đến tháng 5 tới mới thấy được tác dụng của vaccine.
Đáng lo ngại hơn là tại Mỹ, khoảng 1% trong số 77 triệu người đã tiêm chủng tại quốc gia này - tức hơn 5.800 người, vẫn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tình trạng này có thể là do cơ thể người được tiêm chưa tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Trong số đó 74 người đã tử vong, một số có bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng trong khi có 396 người phải nhập viện điều trị. CDC Mỹ khuyến cáo những người đã tiêm đủ liều vaccine cần theo dõi tình trạng cơ thể, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm.
Dù có thể tự sản xuất vaccine nhưng Ấn Độ lại vướng phải một vấn đề khác. Quốc gia Nam Á này bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu sản xuất vaccine từ Mỹ. Trong bối cảnh đó, tốc độ tiêm phòng COVID-19 hằng ngày tại Ấn Độ đang bị chậm dần do nguồn cung vaccine hạn chế và lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu của Mỹ. Hiện, nước này còn khoảng 30 triệu liều vaccine, chỉ đủ để tiêm cho người dân có nhu cầu trong 10 ngày.
Sự phục hồi kinh tế còn rất mong manh
Trong khi sự xuất hiện của vaccine đã từng mang lại một tia hy vọng trong giới kinh tế và tài chính thì kết quả không như mong đợi trong chiến dịch tiêm chủng thời gian qua lại ngày càng tích tụ. Điều này cùng với thái độ chủ quan ở nhiều nơi đang đặt nền kinh tế thế giới vào hoàn cảnh bấp bênh khi sự phục hồi còn rất mong manh.
Theo đánh giá của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), các nhà lãnh đạo đang chơi trò “đu dây” với cuộc khủng hoảng y tế kéo dài. Mặc dù một số lĩnh vực và quốc gia nhất định có thể cầm cự được trong nửa đầu năm, nhiều lĩnh vực khác có nguy cơ ngày càng chìm sâu vào vực thẳm.
Biếm họa tờ 100 USD của The Economic Times. Nền kinh tế thế giới vẫn chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ COVID-19. |
Tổng Giám đốc INSEE Jean-Luc Tavernier nhận định rằng bên cạnh những dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế, triển vọng việc làm cũng ngày càng u ám. Sự xuất hiện của virus biến thể tại Anh và sự suy giảm về triển vọng của ngành y tế đã gây thất vọng ở những ngành dễ bị tổn thương nhất. Cứ 3 trong số 10 doanh nghiệp được hỏi sẽ cho rằng các biện pháp bảo vệ y tế làm ảnh hưởng đến năng suất và tăng trưởng tiềm năng của khối doanh nghiệp.
Ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) vào đầu năm 2021 cho thấy tổn thất kinh tế vì đại dịch, khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) chịu tổn thất trên 2.000 tỷ USD. Mỹ sẽ chịu thiệt hại khoảng 1.700 tỷ USD. Trong số các quốc gia đang phát triển, Ấn Độ chịu mức thiệt hại lớn nhất, khoảng 950 tỷ USD. Mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với nền kinh tế của Ấn Độ nhưng nước này có mức thiệt hại thấp hơn, khoảng 680 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngay cả những con số thiệt hại khổng lồ trên cũng là chưa đầy đủ. Thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra sẽ không chỉ giới hạn trong năm nay và năm ngoái. WB dự kiến GDP toàn cầu năm 2022 sẽ vẫn thấp hơn 4,4% so với mức mà ngân hàng này dự báo trước đại dịch. WB lo ngại với tổn hại lâu dài đối với đầu tư, nguồn nhân lực và do đó có thể là tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tổ chức này cũng lo ngại rằng các khoản nợ mà các chính phủ và công ty đã vay để vượt qua đại dịch COVID-19 có thể gây hại cho tăng trưởng trong tương lai.
Ngày yên bình còn rất xa xôi
Ngày 12-4 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, dù người dân thế giới đã được tiêm hơn 780 triệu liều vaccine, song số ca mắc mới tăng 7 tuần liên tiếp và số ca tử vong tăng trong 4 tuần tính trên toàn cầu.
Người đứng đầu WHO lưu ý: “Vaccine là công cụ quan trọng và mạnh mẽ nhưng không phải là công cụ duy nhất”, đồng thời kêu gọi mọi người tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, tăng cường giám sát, xét nghiệm, theo dõi tiếp xúc để ngăn dịch bệnh lây lan.
Dù vaccine đã được triển khai nhưng thế giới vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết cũng như tìm kiếm được sự đồng thuận từ những quốc gia trong việc chung tay đẩy lùi đại dịch. Chắc chắn những điều đó không thể được thực hiện nhanh chóng trong một sớm một chiều.
Đỗ TiếnXem thêm: /362836-iox-ax-tar-noc-hnib-ney-yagN/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna