- Vạch trần bộ mặt thật của “thần y” chữa bệnh câm, điếc
- Truy thu các khoản chi sai phục vụ "thần y" Võ Hoàng Yên
Cái khẩu ngữ quảng cáo quen thuộc của các "thần y" mạng là "Ba đời nhà tôi chữa bệnh!". Nghĩ cũng lạ, ba đời chữa bệnh - ba đời thần y, thế mà bây giờ phải đi quảng cáo, chào mời bán thuốc, chữa bệnh thế này ư? Hoa Đà trong câu chuyện nửa thực nửa hư ngày xưa đâu cần quảng cáo, thế mà thiên hạ vẫn phải thi nhau cậy nhờ. Hữu xạ tự nhiên hương là thế. Lạ nữa, nếu xứ sở mình nhiều "thần y" - "thần dược" đến vậy thì sức khoẻ người dân hẳn đã ở mức chót vót nào rồi, chứ đâu đến nỗi bệnh viện quá tải, số người chết do ung thư đứng hàng 50 thế giới (số liệu mới nhất, 2021).
Có câu chuyện cười ra nước mắt được bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trên một tờ báo mới đây: một ngày nọ ông xem quảng cáo trên mạng xã hội, chợt thấy một người mặc áo blouse trắng, mang "logo trường Y", dõng dạc quảng cáo: "Nhà tôi 3 đời chữa bệnh". Càng nhìn người này càng thấy quen, lục tung trí nhớ, ông phát hiện ra, đây chính là người hàng xóm ở quê, xuất thân là công nhân cơ khí. Thế đấy, một công nhân cơ khí đã đột nhiên chuyển sang học ngành y, hành nghề y để trở thành người "3 đời chữa bệnh" từ khi nào thế? Nếu quả nhiên có một lộ trình biến "công nhân cơ khí" thành "lương y" theo cách đó thì đấy quả nhiên phải là "thần y" chính hiệu, "thần y" có một không hai. Tréo ngoe một nỗi, thần y cỡ ấy thì phải lên youtube quảng cáo làm gì?
Vẫn liên quan đến danh xưng "thần y", hẳn bạn đã nghe vụ tranh cãi, kiện tụng ầm ĩ giữa vợ chồng đại gia nọ với một nhân vật mà trong suốt một thời gian không nhỏ, chính cặp vợ chồng này cũng tin là "thần y". Tin đến mức gần như "thần" bảo làm gì cũng làm, bảo uống thuốc gì cũng uống (trong trường hợp chị vợ như thừa nhận của chị mới đây), và bất ngờ nhất là bảo đưa bao nhiêu tiền cũng đưa. Cứ nghe, cứ uống, cứ làm, cứ đưa để rồi bây giờ chợt xảy ra một điều gì đó, hai vợ chồng lập tức cảnh báo dư luận: Đây là một "thần y" lừa đảo! Chuyện đi chuyện lại còn dài, với nhiều dích dắc bên trong mà người ngoài không dễ gì hiểu hết, thôi thì chỉ dám đặt ra câu hỏi: những người đã ở tới cỡ "đại gia", tức là đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc kiếm tiền và tiêu tiền tại sao lại để "thần y" dẫn dắt đến khó tin như vậy?
Ở cái thời mà ai cũng ra rả là "thời đại 4.0", chỉ có 2 khả năng để chúng ta coi một người bằng xương bằng thịt nào đó là "thần": Một, những "phép thuật" của người đó quá cao siêu, hai: bạn quá cả tin và vì thế đã bị "dắt mũi" không thương tiếc. À, còn một khả năng thứ ba, liên quan tới những khuất lấp quan hệ, những u uẩn khó cắt nghĩa của những người trong cuộc với nhau. Người bên ngoài tuyệt nhiên không hiểu được.
Thực tế cho thấy, rất nhiều người tin vào "thần y" hay "thần dược" sau đó đã rơi vào trạng thái suy gan, suy thận, suy tình, suy tiền, suy A, B, C, X, Y, Z… Tội cho họ. Tội nghiệp hay tội lỗi thì tuỳ vào từng trường hợp và từng góc nhìn khác nhau.
2.Nói chuyện "thần y" thế là đủ, giờ nói sang chuyện "thần kinh". Không phải chuyện "thần kinh" một cách chung chung, vô nhân xưng, mà rất cụ thể, chuyện ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Như một bộ phim viễn tưởng, đùng một cái người ta phát hiện ở bệnh viện này có cả một đường dây buôn bán ma tuý! Mà không phải buôn bán nhỏ lẻ giống như ở trong một góc tối công viên, hay một nhà vệ sinh công cộng ở một cái "xóm liều" hiu hắt đâu nhé. Ở đây là nghĩ lớn, làm lớn và chơi lớn.
Theo cơ quan chức năng, bước đầu cho thấy, người "tâm thần" ở cái bệnh viện tâm thần này làm tổng đại lý ma tuý hẳn hoi. Tổng đại lý có nghĩa là nơi cung cấp một số lượng ma tuý rất lớn cho các "đại lý ma tuý" cấp I trên địa bàn thành phố. Tổng đại lý có nghĩa là nơi nhập hàng, giữ hàng, phân phối hàng một cách rất quy mô. Một cán bộ cảnh sát điều tra cho biết, toàn bộ số lượng ma tuý của tổng đại lý ma tuý này được cất giấu trong các túi trà, túi cà phê, và cất giấu trên cả… trần nhà phòng bệnh.
Thế mà quản lý bệnh viện không biết gì?
Nhưng hỡi ôi, phòng bệnh không chỉ là là nơi cất giữ ma tuý, mà còn được sử dụng làm "động lắc" với loa đài, amply, đèn, két sắt… Những người đến đây bay lắc đã đóng vai người đến thăm bệnh nhân.
Ban quản lý bệnh viện tuyệt nhiên cũng không biết gì?
Nhà đài VTV đến hiện trường làm phóng sự, đặt câu hỏi cho ông giám đốc Bệnh viện, nhưng thứ nhận lại chỉ là những cái xua tay và những cái lắc đầu. Hỏi đến ông phó giám đốc thì nghe ông nói chung chung rằng mọi thứ về cơ bản vẫn "đúng quy trình", và cứ theo tông giọng này mà suy đoán thì chắc là ông bất ngờ lắm với những phát hiện động trời, khó tin trong cái bệnh viện mà mình cũng góp tay quản lý.
Nếu hỏi một bệnh nhân tâm thần nào đó trong bệnh viện xem họ có biết gì về "tổng đại lý ma tuý" cùng cái "động lắc" hiện hữu ngay bên cạnh mình không, chắc sẽ có người gật, người lắc, người ngửa cổ trên trời cười. Mà gật, hay lắc hay cười thì cũng vô ưu. Nhưng những người hoàn toàn tỉnh táo, có nhiệm vụ quản lý, giám sát trong bệnh viện thì không thể lắc lắc - gật gật - cười cười vô ưu như thế được. Ông giám đốc bệnh viện đã bị tạm đình chỉ công tác. Một trưởng khoa, một điều dưỡng cũng đã bị tạm đình chỉ công tác. Sự vô trách nhiệm của từng người/từng khu vực/từng vị trí tới đâu thì rồi sẽ được xem xét và xử lý đúng người đúng tội.
Nhưng theo bạn, câu chuyện có đơn thuần nằm ở sự "thiếu trách nhiệm", hay còn nằm ở những nguyên nhân A, B, C nào khác?
Trên báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Võ Xuân Sơn đặt ra 3 giả thiết. Một, Ban giám đốc bệnh viện đã thông đồng với bệnh nhân để cùng thực hiện hành vi buôn bán ma tuý? Bác sĩ Võ Xuân Sơn phân tích: "Một bác sĩ có thể không nắm hết được các bệnh nhân nội trú bệnh viện sinh hoạt ra sao, ăn uống, dùng thuốc... như thế nào. Nhưng ban giám đốc bệnh viện, bác sĩ điều trị mà không biết cái phòng bệnh của bệnh nhân được cải tạo thành "động lắc" thì thật là lạ. Là bác sĩ, chúng tôi ngày nào cũng phải vào ra phòng bệnh thăm khám bệnh nhân và hiểu bệnh nhân của mình, ai cũng có thể hiểu hết những thay đổi của phòng bệnh, của bệnh nhân".
Và hai, ở bệnh viện này có một loại bệnh nhân đặc biệt, đó là "bệnh nhân VIP"? "Họ muốn làm gì thì làm. Các bác sĩ, điều dưỡng chỉ là những người phục vụ của họ, phục vụ theo mệnh lệnh của ai đó bên trên họ, có quyền quyết định "sinh mạng chính trị" của họ. Đó là những "bệnh nhân" mà họ không được phép phàn nàn, thắc mắc, thậm chí kể cả tỏ thái độ, hoặc vì lý do nào đó phải làm ngơ" - bác sĩ Võ Xuân Sơn viết.
Ba, bệnh nhân cầm đầu đường dây buôn bán ma tuý thực ra không có bệnh, không vào viện để chữa bệnh, mà để thực hiện một mục đích nào khác. Lãnh đạo bệnh viện biết nhưng làm ngơ, chỉ coi anh ta như một người thuê nhà, thuê phòng không hơn không kém?
Theo bạn, trong ba giả thiết này, giả thiết nào trúng nhất? Thật khó phải không, bởi nghiêng về phương án nào cũng chỉ là cảm tính. Phần lớn chúng ta đều chưa từng vào cái bệnh viện tâm thần ấy, chưa từng hiểu cơ chế vận hành bên trong của nó, chưa thể lường ra hết những ngóc ngách khuất lấp mà nó còn có thể tạo ra. Vâỵ thì có những đối tượng đặc biệt nào dù chưa vào/ chưa nghe/ chưa thấy nhưng vẫn sẽ biết rõ mọi chuyện từ A đến Z không? Liệu có một đối tượng nào như thế hay không?
Có! Đó có thể chính là các "thần y"! Là "thần" mà, có phải là người trần mắt thịt như chúng ta đâu! Vậy thì hỡi các thần y tự xưng cứ ra rả mỗi ngày trên các mạng xã hội, giờ là cơ hội để các vị ra tay, trổ tài rồi đấy! Hoặc các vị nhanh trí trả lời giúp câu hỏi trên đây, hoặc mời các vị dự khán vài ngày trong viện tâm thần, đi dạo vài vòng ở đó, để có thể tiếp tục chỉ ra những điều người thường chưa thấu tỏ.
Thần y vào viện tâm thần, sẽ có ti tỉ chuyện hay cũng chưa biết chừng(?!)
Mõ 2021Xem thêm: /471836-naht-uhc-tom-hnauQ/couc-gnort-iougN/nv.moc.dnac.tcgtna