Đố kỵ có khắp mọi nơi
Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Hồi còn bé, tôi là một đứa trẻ nhút nhát, tính cách này là hệ quả tất yếu của cái nghèo đói và mặt mũi xấu xí. Tôi có rất ít bạn, bầu bạn cùng tôi hầu như chỉ là những cuốn sách và những cái cây trên đường từ trường về nhà. Hồi đó, tan giờ học, tôi ít khi đi thẳng về nhà mà la cà, trèo lên những chạc cây nằm đọc sách, hoặc đơn giản là nằm nghe tiếng chim hót và ngắm xuống đường. Thói quan sát cuộc sống bắt đầu từ đó.
Theo như tôi thấy thì đời sống này có cái gì đó "hơi sai sai" hay tồn tại dựa trên "thuyết đôi đũa lệch". Một đứa con gái xinh đẹp nhất lớp thì thế nào cũng cặp kè với một con bạn xấu nhất lớp. Đứa cao lêu nghêu cặp kè với đứa lùn tịt. Đứa học giỏi chơi thân với đứa khù nhờ. Đứa con nhà giàu lại thích chơi với đứa con nhà nghèo. Hầu như là vậy.
Hồi trẻ tôi cứ nghĩ đó là quy luật bù trừ, bổ khuyết cho nhau. Nhưng càng lớn, càng chiêm nghiệm, tôi lại thấy đây là hệ quả của thói đố kỵ vốn tiềm ẩn trong mỗi con người, từ khi còn thơ dại. Một người xinh đẹp thường có tâm lý đố kỵ với người đẹp hơn mình, mà câu chuyện mụ dì ghẻ trong cổ Bạch Tuyết và Bảy chú lùn là một ví dụ kinh điển: "Gương kia ngự ở trên tường/ Thế gian ai đẹp được dường như ta?"
Cho nên, những phụ nữ xinh đẹp có thể vui chơi cùng nhau, đọ khoe nhan sắc với nhau, nhưng để an toàn nhất, để cảm thấy thoải mái nhất, họ thường kết thân với một người có nhan sắc kém hơn mình. Thêm một khía cạnh nữa, khi chơi với người xấu xí hơn mình thì mình thường nhận được sự ngưỡng vọng hơn là ganh ghét, đố kỵ.
Như thế, lòng đố kỵ dường như có mặt khắp mọi nơi, từ sơ khai hồn nhiên tới trầm kha toan tính. Lòng đố kỵ, dẫu ít dẫu nhiều, ai ai cũng có. Nếu nói rằng "tôi là người không hề biết đố kỵ là gì", e rằng đó là lời nói không thật lòng. Mà, giả dối, đôi khi còn tệ hại hơn cả đố kỵ.
"Không chấp nhận người khác hơn mình"
Khi tôi nói về thói đố kỵ ganh tài của người trong làng văn, thì nhiều người cùng ồ lên rằng: "Ôi dào, thói đố kỵ thì đâu mà chả có, trong giới nghiên cứu khoa học, bác sĩ hay giảng viên đại học, cũng đố kỵ đầy". Thì ra là vậy. Nhưng tôi chỉ nói về những điều "mắt thấy tai nghe".
Trong làng văn, nhiều ví dụ về sự đố kỵ, nhưng điển hình có thể thấy ở trường hợp liên quan tới cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông chết rồi mà sự đố kỵ vẫn tràn lan. Không phải ngẫu nhiên mà sinh thời ông từng nói "Danh càng lớn họa càng cao". Một khi mình nổi tiếng quá, dĩ nhiên nhiều người sẽ không ưa, nhiều người sẽ soi mói, phán xét kiểu như: "Cũng không phải là xuất sắc quá, có gì mà ca ngợi lên mây?". Rồi người ta sẽ lập luận kiểu như: "Về văn tài mà nói thì phải là ông A, ông B, bà C… như thế này mới xứng đáng". Nghĩa là phải tìm ra ai đó xứng đáng hơn Nguyễn Huy Thiệp. Miễn là đừng ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp nữa. Thậm chí có người ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp, nhưng mục đích chính là ngấm ngầm ca ngợi mình. Cho nên, thật không khó hiểu khi sinh thời Nguyễn Huy Thiệp lại chơi thân với những người không thuộc giới văn chương như nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh hay họa sĩ Lê Thiết Cương.
Thói đố kỵ trong làng văn có khi còn khiến con người ta trở nên nhỏ nhen và độc ác. Nếu để ý quan sát, bạn sẽ thấy rõ điều này: "Càng nổi tiếng càng dễ bị ăn đòn". Từ lâu tôi đã nhận ra điều này: "Cho dù bạn làm được ngàn điều tử tế, viết được cả vạn bài hay ho, truyền cảm hứng tích cực trên mạng xã hội, hay xuất bản được nhiều tác phẩm giá trị. Nhưng chỉ cần bạn một lần vấp ngã, chỉ cần bạn một lần nhầm lẫn, sai lầm; thì bạn sẽ ăn đòn ngay. Mà những người "kề dao cắt cổ" bạn, không ai khác chính là những người anh, người chị, là bạn hữu từng sát bên bạn. Thật ra thì họ không thù oán gì bạn cả. Nhưng nhân loại này luôn có một cơn điên càng ngày càng nặng: ai cũng muốn chứng minh mình là đúng nhất". Để chứng minh mình là đúng nhất, giỏi nhất, họ sẵn sàng làm điều bất nhân với bạn, mà không cần quan tâm bạn là ai.
Chứng minh mình là đúng nhất, hay nhất, tài nhất, đẹp nhất, đạo đức nhất… cũng là biểu hiện của bệnh đố kỵ trầm kha. Nhiều khi thói đố kỵ biến mình thành kẻ độc ác từ lúc nào mà mình không biết. Tôi xin kể một câu chuyện có thật. Chúng tôi có một nhóm bạn học cũ khá thân thiết, trong đó có một anh rất giàu, có thể coi như là đại gia. Một lần, khi đang ngồi họp với đối tác làm ăn thì anh ta bị đột quỵ phải đưa đi cấp cứu. Tin xấu đó lập tức lan truyền trong nhóm bạn bè. Tình cờ gặp một anh bạn trong nhóm, khi tôi kể lại câu chuyện này thì thấy anh ta không hề buồn bã, trái lại vui mừng ra mặt, buông một câu mỉa mai: "Đã bảo rồi, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, đừng có cố quá mà thành quá cố".
Từ đó tôi không chơi với anh bạn độc miệng ấy nữa. Nhưng lặng lẽ quan sát đời bạn, tôi thấy anh ta càng ngày càng lao dốc như không có điểm dừng. Trái lại, người bạn bị tai biến, tích cực tập luyện, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, bây giờ bạn ấy không còn là đại gia nhưng thực sự cân bằng cuộc sống, tận hưởng niềm vui nhiều hơn.
Cuộc đời là vậy. Đố kỵ như một chén thuốc độc mà mình tự chuốc lấy. Đố kỵ đẩy xa mình với người khác, khiến mình cô độc thảm sầu. Không chấp nhận người khác, cũng đồng nghĩa với không thể liên tài, làm những việc có ích cho xã hội. Tôi thực sự khó hiểu, khi có nhiều người nhân danh đủ thứ to tát, nhưng không hề biết trân trọng hay kính nhường gì ai, cái gì họ cũng cho mình độc quyền đúng, gây hấn với tất cả mọi người. Làm tổn thương người khác thì không thể nào thu phục được nhân tâm. Những người như thế, rốt cuộc cũng chả làm được gì.
Thử kê toa thuốc trị bệnh đố kỵ
Truyện ngụ ngôn kể rằng: "Có một người đàn ông kia rất may mắn, ước gì được nấy. Nhưng oái ăm, hễ ông ước điều gì thì người hàng xóm lại được gấp đôi. Ông ước có ngôi nhà đẹp thì hàng xóm có một lâu đài lộng lẫy. Ông ước mình giàu có thì người hàng xóm sở hữu ngay một mỏ vàng. Cứ như thế. Ông ước cái gì thì người hàng xóm cũng được gấp bội. Ông ước một cái cây thì người hàng xóm được một khu rừng. Thật không chịu đựng nổi. Thật hết sức phi lý. Cuối cùng, ông nghĩ cách phải trừng phạt người hàng xóm. Ông ước mình bị mù một mắt, để người hàng xóm bị mù hẳn hai con mắt".
Truyện ngụ ngôn trên có thể khiến chúng ta cười té ghế. Nhưng cười rồi, thử ngẫm lại coi mình có còn tật đố kỵ không?
Ai sao không biết, nhưng riêng tôi tự thấy mình vẫn còn nhiều sân si, đố kỵ. Tôi đố kỵ với người tài hơn mình. Tôi đố kỵ với người giàu hơn mình. Tôi đố kỵ với người viết văn hay hơn mình. Tôi đố kỵ với người có con giỏi hơn con mình. Cái danh mục đố kỵ này còn dài nữa. Và, dĩ nhiên tôi cũng biết rằng, lòng đố kỵ chẳng bao giờ làm mình sống hạnh phúc, thậm chí nó cứ dìm mình mãi xuống vũng lầy. Người nặng nề đố kỵ thì như đang đi trên đầm lầy.
Biết bịnh nặng nên nhiều năm nay tôi âm thầm tự kê đơn thuốc cho mình. Cứ mỗi sáng, tôi lại uống mấy viên thuốc như sau:
1/ Đừng cố chứng tỏ (1 viên)
2/ Thay vì nói ra cảm thấy hả hê bằng Im lặng cảm thấy an vui (1 viên)
3/ Chấp nhận thành công của người khác (1 viên)
4/ Tận tụy với nghề nghiệp của mình (1 viên)
5/ Lắng nghe người khác nhưng Trò chuyện với chính mình (1 viên)
…
Toàn là thuốc đắng, rất khó nuốt, nhưng biết mình có bệnh phải ráng uống. Trong bài thuốc này, viên thứ 5 là rất đáng lưu ý. Lâu nay, chúng ta thường có thói quen "Trò chuyện với người khác" và tập tành "Lắng nghe chính mình", giờ thì phải làm ngược lại. Khi người khác nói, chúng ta đừng tranh cãi, đừng cố chứng tỏ, cũng đừng chăm chú vào vấn đáp thu hoạch. Hãy lắng nghe với một tâm thế nhẹ nhàng thoải mái nhất. Xong, hãy trò chuyện với chính mình. Hãy tự đặt câu hỏi cho mình rồi mình tự trả lời. Đó là tự vấn, là đối thoại nội tâm, để tìm ra mình là ai, mình là cái gì, mình làm được gì, mình đang ở đâu?…
Bệnh đố kỵ, theo tôi ai cũng có, nói mình không hề có một chút đố kỵ, e rằng nói dối. Vấn đề phải ý thức rằng, đó là một căn bệnh cần chạy chữa, bởi đơn giản, đố kỵ chẳng bao giờ mang lại cho mình hạnh phúc.
Trần Nhã ThụyXem thêm: /571836-hnim-oav-couhc-ut-cod-couht-ueil-uhn-yk-od-iohT/couc-gnort-iougN/nv.moc.dnac.tcgtna