Với giữ bí mật hạt nhân được Mỹ thực thi nghiêm ngặt trong Chiến tranh Lạnh, Pháp đã độc lập phát triển chương trình hạt nhân và phổ biến vũ khí hạt nhân trở thành một phần bản sắc dân tộc. Nước này cũng nổi tiếng với việc phát triển năng lượng hạt nhân, và ngày nay vẫn tạo ra phần lớn năng lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân.
Tác động từ Thế chiến 2
Chương trình hạt nhân của Pháp, giống như Dự án Manhattan của Mỹ, được khơi mào bởi sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ hai khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan vào ngày 1-9-1939. Tuy nhiên, nỗ lực của Pháp lúc này không tập trung vào việc chế tạo bom mà là về nhu cầu nghiêm trọng của Pháp về năng lượng để tiếp sức cho nỗ lực chiến tranh của họ. Trong khi Pháp có khả năng về bom nguyên tử, các nhà khoa học nổi tiếng nước này tin rằng năng lượng hạt nhân có thể cung cấp câu trả lời cho nhu cầu năng lượng của Pháp.
Nghiên cứu hạt nhân chủ yếu do nhà vật lý và hóa học Frédéric Joliot-Curie, con rể của nhà khoa học nổi tiếng người Pháp Marie Curie, và là chồng của Irène Joliot-Curie. Hai vợ chồng Joliot-Curie đã cùng nhau giành giải Nobel Hóa học năm 1935. Năm 1937, Frédéric Joliot-Curie nhận một vị trí giảng dạy tại Collège de France ở Paris. Cùng với nhà vật lý Lew Kowarski, Joliot-Curie đã đạt được phản ứng phân hạch vào ngày 26-1-1939.
Irène và Frédéric Joliot-Curie. |
Cuộc xâm lược của Đức Quốc xã vào tháng 5-1940 đã khiến việc nghiên cứu hạt nhân bị đình trệ do người Pháp buộc phải giấu nguồn cung cấp nước nặng và uranium. Trong khi nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Pháp chạy trốn trước sự chiếm đóng của Đức, Irène và Frédéric Joliot-Curie quyết định ở lại phòng thí nghiệm của họ ở Paris.
Hai vợ chồng Joliot-Curie không cộng tác với người Đức. Đúng hơn, họ coi khoa học là lòng yêu nước và quyết tâm tiếp tục nỗ lực khoa học của người Pháp. Dưới sự thẩm vấn gắt gao về vị trí của các nguồn cung cấp uranium và nước nặng của Pháp, Frédéric Joliot-Curie đã che giấu kiến thức của mình về hạt nhân.
Với sự giải phóng nước Pháp và sự trở lại của các nhà khoa học lỗi lạc - bao gồm Kowarski, Halban, Jules Guéron và Bertrand Goldschmidt - Frédéric Joliot-Curie quyết tâm khởi động lại nghiên cứu nguyên tử càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, Tướng Leslie Groves lo ngại về mối quan hệ với Liên Xô của Joliot-Curie. Lo sợ rằng Joliot-Curie sẽ chuyển bí mật cho Liên Xô, Groves đã theo dõi ông và các đồng nghiệp, thậm chí ghi âm các cuộc trò chuyện của họ ở London.
Bất chấp các vụ ném bom nguyên tử của Mỹ ở Nhật Bản, Joliot-Curie vẫn kiên định rằng chương trình của Pháp nên theo đuổi sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Ngày 18-10-1945, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp (CEA) chính thức được thành lập và Joliot-Curie được bổ nhiệm làm cao ủy phụ trách tất cả các công việc khoa học và kỹ thuật.
Bất chấp sự phản đối của Tướng Groves; Kowarski, Gueron và Goldschmidt, những người đã từng làm việc trong các dự án hạt nhân tại Phòng thí nghiệm Hạt nhân Chalk River ở Canada, đã đi đến một thỏa thuận với Washington để làm việc trong chương trình nguyên tử của Pháp.
CEA nhanh chóng thiết lập 3 mục tiêu dài hạn: thiết lập một lò phản ứng nước nặng và uranium có thể tạo ra các đồng vị phóng xạ. Mục tiêu đầu tiên đạt được vào ngày 15-12-1948 với lò phản ứng được đặt tên là Zoé. Không giống như Dự án Manhattan, sự thành công của CEA không phải là một bí mật. Thành công của Lò phản ứng Zoé đã nhanh chóng thúc đẩy sự tiến bộ của chương trình hạt nhân của Pháp.
Năm 1949, một nhà máy khai thác plutonium được thành lập tại Le Bouchet sử dụng nhiên liệu chiếu xạ từ Zoé. Một lò phản ứng sản xuất plutonium thứ hai được thành lập tại Saclay năm 1952.
Trong khi chưa có bất kỳ kế hoạch chính thức nào về việc chế tạo bom nguyên tử, các nhà khoa học Pháp nhanh chóng lo ngại rằng công trình của họ có thể sớm được vũ khí hóa. Frédéric Joliot-Curie tuyên bố công khai: “nếu ngày mai họ yêu cầu chúng tôi chế tạo bom nguyên tử, chúng tôi sẽ trả lời: Không!” Joliot-Curie cũng tuyên truyền Lời kêu gọi Stockholm, một bản kiến nghị cấm tất cả vũ khí hạt nhân, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp. CEA cách chức Joliot-Curie vào năm 1950.
Nấm hạt nhân trong cuộc thử nghiệm Gerboise Bleue. |
Quân sự hóa chương trình hạt nhân
Chính phủ Pháp tiến hành các bước sơ bộ để tổ chức lại chương trình nguyên tử vào năm 1956 dưới thời Tổng thống Pierre Mendès France – người thiết lập mối liên kết giữa CEA và Bộ Quốc phòng Pháp.
Tình báo Mỹ từ năm 1957 biết chính phủ Pháp ngày càng có nhiều áp lực theo chủ nghĩa dân tộc để chế tạo bom. Cùng năm đó, Mỹ và Anh đồng ý không chia sẻ bất kỳ thông tin nào từ các chương trình hạt nhân của họ với Pháp hoặc CHLB Đức. Năm 1958, chính phủ Pháp dồn nguồn lực vào Lực lượng Chiến lược Hạt nhân (FNS).
Thất vọng với việc Pháp bị loại trừ khỏi mối quan hệ đối tác Mỹ-Anh, Tổng thống theo chủ nghĩa dân tộc Charles de Gaulle muốn làm cho Pháp độc lập hơn khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Năm 1957, Pháp thành lập một địa điểm thử nghiệm hạt nhân gần thị trấn Reggane của Algeria, một ốc đảo trên sa mạc Sahara.
Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Pháp, có tên mã là Gerboise Bleue (hay Blue Gerboise - Gerboise xanh lam) diễn ra lúc 7 giờ 04 sáng ngày 13-2-1960. Được kích nổ trên đỉnh một tháp cao, quả bom có đương lượng 60-70 kiloton, mạnh gấp 4 lần quả bom Little Boy ném xuống Hiroshima.
Ngay sau khi cuộc thử nghiệm bắt đầu, quân đội Pháp nhanh chóng thiết lập một “vùng ô nhiễm” dài 150km xung quanh Reggane. Vụ nổ hạt nhân ngày 13-2-1960 bắt đầu một loạt 4 cuộc thử nghiệm trong khí quyển được gọi là “Gerboise xanh lam, trắng, đỏ và xanh lá cây”. Chúng kéo dài cho đến ngày 25-4-1961.
Pháp tiếp tục thử nghiệm ở Algeria cho đến năm 1966, gần 4 năm sau khi Algeria độc lập. Ba cuộc thử nghiệm khí quyển tiếp theo tiến hành tại Reggane làm dấy lên sự lên án và phản đối từ một số quốc gia châu Phi. Do đó, một loạt các cuộc thử nghiệm dưới lòng đất sau đó được tiến hành gần làng In Eker ở miền nam Algeria. Bãi thử Reggane không được trả lại cho Algeria kiểm soát mãi cho đến ngày 15-1-1967.
Ngày 10-3-1960, Tổng thống Charles de Gaulle (trái) bắt tay chúc mừng các binh sĩ và nhà vật lý vì “sự thăng tiến nguyên tử” của nước Pháp. |
Từ năm 1961 đến năm 1966, Pháp đã tiến hành 13 cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất. Sau khi thử nghiệm thiết bị hạt nhân của riêng mình, Pháp tìm cách đưa vào chương trình chia sẻ hạt nhân của Mỹ-Anh. Tuy nhiên, Mỹ chỉ sẵn sàng chia sẻ bí mật hạt nhân của mình trong cấu trúc của NATO. Tướng de Gaulle bác bỏ đề xuất này do bất mãn trước nỗ lực của Mỹ nhằm giành quyền kiểm soát chính trị đối với các lực lượng hạt nhân của Pháp.
Năm 1960, Tổng thống de Gaulle nhận thức được rằng Pháp sẽ mất Algeria, và bắt đầu tìm kiếm một địa điểm thử nghiệm thích hợp ở nơi khác. Việc xây dựng các địa điểm thử nghiệm bắt đầu ngay sau đó tại đảo san hô Tuamotu của Mururoa và Fangataufa ở Nam Thái Bình Dương, và cuộc thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào ngày 2-7-1966. Pháp tiếp tục tiến hành 192 cuộc thử nghiệm bổ sung tại Polynesia thuộc Pháp.
Chính phủ Pháp đã đảm bảo với cư dân bản địa rằng sẽ không có nguy hiểm, vì đảo Mururoa dân cư thưa thớt cách Tahiti đông dân hơn 1.500 km và hứa rằng các cuộc thử nghiệm sẽ chỉ xảy ra khi có gió thổi khỏi các đảo có người ở. Họ cũng khẳng định rằng các cuộc sơ tán thích hợp sẽ được thực hiện và các hướng dẫn an toàn sẽ được phân phát. Tuy nhiên, toàn bộ Polynesia thuộc Pháp đã hứng chịu lượng nhất định bụi phóng xạ hạt nhân.
Sau một thời gian ngắn tạm hoãn thử nghiệm hạt nhân vào đầu thập niên 1990, Tổng thống Jacques Chirac tuyên bố vào ngày 13-6-1995 rằng hoạt động thử nghiệm dưới lòng đất sẽ được tiếp tục ở Polynesia thuộc Pháp. Quyết định này đã bị các quốc gia liên quan lên án và gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối khắp Tahiti. Sau 6 lần thử nghiệm, chương trình thử nghiệm hạt nhân của Pháp chính thức bị dừng vào tháng 1-1996.
Loạt thử nghiệm hạt nhân cuối cùng của Pháp đã gây ra phản đối quốc tế và tẩy chay các sản phẩm của Pháp vì nước này đã tiến hành các cuộc thử nghiệm này trong quá trình đàm phán Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT). CTBT là một hiệp ước đa phương cấm sử dụng tất cả các vụ nổ hạt nhân, cho cả mục đích dân sự và quân sự. Đại hội đồng LHQ thông qua CTBT ngày 10-9-1996.
Căn cứ quân sự tiếp giáp với bãi thử khí quyển của Pháp gần Reggane của Algeria, vào khoảng năm 1959. |
Di sản độc hại
Pháp hiện duy trì kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 trên thế giới. Năm 2008, Tổng thống Nicholas Sarkozy tuyên bố cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Pháp xuống còn tối đa 300 đầu đạn, một quan điểm được tiếp tục bởi người kế nhiệm Francois Hollande.
Năm 2009, Quốc hội Pháp thông qua luật, trong đó thừa nhận tác động của chương trình thử nghiệm hạt nhân của nước này. Luật cung cấp một số khoản bồi thường cho các cựu chiến binh quân đội, những người bị các biến chứng về sức khỏe do tham gia thử nghiệm hạt nhân.
Trong khi chính phủ Pháp từ lâu đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa chương trình thử nghiệm của họ và các vấn đề sức khỏe của cư dân Polynesia thuộc Pháp, các nghiên cứu y tế trong những năm gần đây cho thấy mối liên hệ giữa thử nghiệm hạt nhân và sự gia tăng đột biến của bệnh ung thư tuyến giáp.
Những tiết lộ kể từ đó tiếp tục chứng minh những thiệt hại do chương trình hạt nhân của Pháp gây ra. Năm 2010, Quốc hội Pháp thông qua luật bồi thường cho các nạn nhân của vụ thử hạt nhân và con cháu của họ.
Trang Thuần (Tổng hợp)Xem thêm: /577836-pahP-coun-auc-nahn-tah-os-oH/tam-os-oH/nv.moc.dnac.gtna