Ngày 28-4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức hội thảo Thúc đẩy Thương mại Việt Nam -Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng thời cơ hợp tác vàng sau COVID-19.
Chia sẻ bên lề hội thảo về kinh nghiệm cho hàng nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng như các thị trường lớn từ sau vụ gạo ST25 bị các DN Mỹ đăng kí trước, luật sư Ken Dương, Phó chủ tịch pháp lý Duong Global (công ty tư vấn cho doanh nghiệp toàn cầu cung cấp dịch vụ pháp lý và kinh doanh cho doanh nghiệp, tập trung vào quan hệ thương mại đa phương giữa Hoa Kỳ- Đông Nam Á) cho biết: nông sản nói chung và gạo ST25 nói riêng ban đầu được DN cần đăng kí sở hữu trí tuệ giống lúa để bảo vệ sự sáng tạo đó.
Thứ hai, từ hạt lúa khi sản xuất ra tới thành phẩm là gạo, và tiếp tục đăng kí bảo hộ nhãn hiệu. Thứ ba DN phải đăng kí bảo hộ nhãn hiệu ở các thị trường mình bán vào. Phải rõ ràng ở ba giai đoạn như vậy.
Các nông sản Việt Nam được trưng bày quảng bá tại hội thảo.
Câu chuyện thương hiệu gạo ST25 bị DN nước ngoài đăng kí nhãn hiệu cần hiểu rõ là giống lúa ST25 của ông Hồ Quang Cua (cha đẻ gạo ngon nhất thế giới ST25-PV) được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, đang bán thị trường nội địa. Tuy nhiên, gạo ST25 chưa bán qua Mỹ, nhưng đến nay đã có năm công ty đăng ký nhãn hiệu ST25.
Vẫn theo ông Ken Duong, nhiều công ty ở Mỹ có chiến lược lấy nhãn hiệu của sản phẩm trước khi công ty sản xuất ra sản phẩm đó có mặt ở thị trường Mỹ. Trước đây Apple, Google...cũng bị vấn đề này ở thị trường Trung Quốc và sau đó họ bị “ép” phải mua lại nhãn hiệu do các công ty này đã đăng kí trước.
“Chúng ta có suy nghĩ nếu chưa bán vào thị trường Mỹ nên chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ là chưa đúng. Chẳng hạn như khi có lúa ST25 cần nghĩ ngày đến việc đăng kí và thương hiệu nào cũng được để không ai khác có thể lấy được. Đây là chiến lược về sở hữu trí tuệ và cũng là bài học cho các công ty Việt Nam”, ông Ken Duong nói.
Tuy nhiên, ông Ken Duong cho rằng có một điểm đặc biệt DN Việt cần lưu ý là không cần có công ty ở Mỹ vẫn có thể đăng kí bảo hộ nhãn hiệu được. Chẳng hạn một công ty luật của Mỹ, có văn phòng ở Việt Nam họ có quyền đại diện cho khách hàng ở Việt Nam đăng kí nhãn hiệu.
Theo Luật sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ, ai cũng có quyền đăng kí bảo hộ nhãn hiệu và khách hàng kí giấy ủy quyền cho công ty luật. Công ty luật này phải có giấy phép, được sự chỉ định của Chính phủ Hoa Kỳ đại diện cho khách hàng thực hiện chức năng này.
Hiện nay có năm công ty ở Mỹ đã đăng kí nhãn hiệu ST25. Theo quy định ai đăng kí trước sẽ được quyền sử dụng nhãn hiệu đó và bán sản phẩm đó trong thị trường Mỹ.
Nếu đăng kí thành công các công ty đó chưa chắc bán đúng gạo từ giống lúa ST25 vì họ chỉ đăng kí nhãn hiệu gạo ST25. Họ có thể nhập gạo nào đó từ các quốc gia khác, không phải của Việt Nam để bán.
Thái Lan làm chiến lược này nhiều, khi họ mua gạo Việt rồi cho vào bao bì Thái xuất khẩu qua Mỹ bán với giá cao hơn. Điều này cho thấy giá trị thương hiệu, nhãn hiệu cực kỳ quan trọng, trong khi việc xây dựng được một thương hiệu mất nhiều thời gian.
Ông Ken Duong, trao đổi bên lề hội thảo.
Làm sao để gạo ST25 bán sang Mỹ với đúng thương hiệu gạo ngon nhất thế giới? Theo ông Ken Duong, đó là yếu tố xuất xứ và chứng chỉ xác nhận, vấn đề này cần sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cần có một chứng chỉ xác nhận đây là gạo từ giống lúa ST25 của ông Cua. Nếu ai bán gạo không đúng với giống lúa ST25 ông Cua có thể kiện về vi phạm sáng chế chứ không phải vi phạm nhãn hiệu.
Chẳng hạn các công ty đã đăng kí nhãn hiệu ST25 bán ra thị trường, ông Cua mua lại và phân tích chứng minh gạo đó không đúng là giống lúa ST25 sẽ kiện vi phạm sáng chế, nhưng đây là vấn đề khó khăn. Chưa kể, nếu kiện được chi phí lên đến cả 100.000-200.000 USD.
Một công ty luật đại diện ông Hồ Quang Cua cho biết thêm, đang chuẩn bị hồ sơ đăng kí nhãn hiệu gạo ST25 lên cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ, sáu tháng sau họ sẽ gửi giấy xác nhận về.
Sau khi nộp đi nếu có tranh chấp phía Hoa Kỳ sẽ thông báo với các công ty đăng kí, từ đó các bên sẽ đàm phán. Nếu không đàm phán được các bên sẽ tranh tụng.
“Thời điểm này chúng tôi không thể nói được nhiều hơn nhưng cơ hội cao là có thể đăng kí được nhãn hiệu gạo ST25”, vị đại diện này chia sẻ.
Khi Việt Nam được đăng kí nhãn hiệu ST25, năm công ty đã đăng kí có được bán gạo ST25 không? Trả lời câu hỏi này, vị này chưa chắc vì tùy theo mình đàm phán.
Hiện nay có năm DN đăng kí là “The World’s Best Rice GAO THOM ST25 DAC SAN SOC TRANG NGON NHAT THE GIOI 100% TU NHIEN KHONG BEO PHI-KHONG TIEU DUONG NEW CROP 2020 NET WT.25LBS (11,3KG).
Có DN đăng kí nhãn “ST25” hay VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG” hay DN đăng kí nhãn "No.1 VIETNAM’S ST25 RICE THE WORLD BEST RICE".
"Do đó, tùy theo tên họ đã đăng kí, chỉ cần chỉnh sửa một tí là đã khác biệt nên không thể bao phủ hết. Nếu sau khi Việt Nam được đăng kí nhãn hiệu thì có thể kiện lại vi phạm sở hữu trí tuệ. Do đó, chưa chắc khi mình đăng kí được tên nhãn hiệu là thắng hết mà không đăng kí được thì mình thua hết", vị này nói.
90% DN vừa và nhỏ Việt không tâm đến đăng kí nhãn hiệu. Chi phí đăng kí bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ từ 1000- 1.800 USD không quá cao trong khi DN được bảo vệ trên khắp nước Mỹ, được bảo vệ trong năm năm và sau đó sẽ phải gia hạn. Việt Nam rẻ hơn chỉ mất 300 USD đã đăng kí bảo hộ được Theo ông Ken Duong, thực tế từ quá trình tư vấn cho DN Việt Nam cho thấy, có 100% các DN lớn quan tâm đăng kí nhãn hiệu khi họ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, DN vừa khoảng 50%, còn DN nhỏ chưa tới 10%. |